Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Tại sao cá nhân cần phải quản trị rủi ro?

 Rủi ro là gì?

Theo Wikipedia, rủi ro (risk) là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.

Từ khái niệm này, ta có thể thấy rủi ro nó cũng có thể là tích cực, nhưng cũng có thể là tiêu cực. Cá nhân khi đối diện với rủi ro có đủ tỉnh táo, thông minh để nhận diện rủi ro đó để tận dụng tối đa những lợi ích, cơ hội hay để phòng tránh, hạn chế tổn thất hay không mà thôi.

Đặc biệt, rủi ro là yếu tố có thể đo lường được. Vì vậy ta hoàn toàn có thể tính toán, nghiên cứu để quản trị rủi ro.

Quản trị rủi ro là gì?

Đa phần bạn sẽ thấy quản trị rủi ro thường được nhắc đến ở các doanh nghiệp. Nhưng thực tế, mỗi cá nhân cũng phải quản trị rủi ro cho chính bản thân mình.

Quản trị rủi ro cá nhân hiểu một cách đơn giản là quá trình nhận dạng, đánh giá, phân tích rủi ro để từ đó có biện pháp kiểm soát, khắc phục hoặc tận dụng rủi ro nhằm mang đến cuộc sống an toàn và hạnh phúc cho cá nhân.

Quản trị rủi ro giúp cho cá nhân làm chủ cuộc đời, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Quản trị rủi ro còn đóng vai trò lớn giúp cá nhân thực hiện được ước mơ, hoài bão của bản thân.

Vậy tại sao cần phải quản trị rủi ro? Chúng ta cũng đi tìm hiểu các lý do dưới đây.

1. Môi trường sống ngày càng biến động

Bệnh dịch ngày càng nguy hiểm và xuất hiện dày đặc!

Từ thủa khai sinh nhân loại cho đến hết thể kỷ 20, nhân loại đón nhận 11 đại dịch thay đổi lịch sử thế giới. Nhưng chỉ trong 20 năm đầu của thể kỷ 21, loài người đã phải trải qua 5 đại dịch kinh hoàng (SARS - 2003, H1N1 - 2010, MERS - 2015, Ebola - 2015, COVID). Trong khi tôi đang viết dòng chữ này thi cả thế giới đang quay cuồng bởi đại dịch COVID 19, thế giới đã có gần 100 triệu người mắc bệnh và hơn 2 triệu người chết, thiệt hại về kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Con người ngày nay cũng đối mặt với nhiều loại bệnh tật hơn nhiều. Minh chứng là một đứa trẻ sinh ra sẽ phải tiêm vắc xin cho 18 loại bệnh với hơn 25 mũi tiêm. Nếu bạn đã có con, từng đưa con đến điểm tiêm chủng thì bạn sẽ thấy thật xót!

Thiên tai thảm họa ngày càng nhiều và mức độ tổn thất ngày càng lớn.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến cho thiên tai thảm hỏa diễn ra ngày càng phức tạp, với quy mô và gây tổn thất vô cùng lớn. Các cơn bão có thể phá hủy cả một thành phố lớn, sóng thần nhấn chìm cả một tỉnh. Hay như lũ lụt có thể nhấn chìm nhiều tỉnh thành của một đất nước. Đây có thể nói là những rủi ro mà con người không thể tránh khỏi được.

Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng sâu rộng và không chừa bất kỳ một cá nhân nào.

Năm 2020, khủng hoảng kinh tế do Covid19 gây ra đã khiến thế giới có thêm 81 triệu người thất nghiệp, 95% người lao động bị ảnh hưởng đến thu nhập. Cả thế giới thiệt hại không thể đo đếm được.

Từ năm 2000, thế giới chứng kiến nhiều đợt suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Những đầu năm 2000, khủng hoảng năng lượng khiến giá xăng dầu lập kỉ lục. Đến năm 2007 - 2008, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Đến năm 2012, Hy Lạp vỡ nợ khiến cả Châu Âu và thế giới chao đảo.

Tiếp đến là các cuộc chiến tranh thương mai, cấm vận kinh tế không ngừng giữa các quốc gia khiến nền kinh tế điêu đứng. Như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Trung, Mỹ - Nga,... các cuộc chiến tranh thương mai đẩy các công ty đang làm ăn phát đạt đến bờ vực phá sản, hàng triệu lao động bỗng nhiên mất việc làm.

Rủi ro khủng bố, chiến tranh, bạo lực ngày càng nguy hiểm hơn!

Nếu bạn là người thường xuyên xem thời sự, đọc báo thì bạn chắc chắn thấy rõ loại rủi ro này. Báo chí luôn nổi bật với những vụ khủng bố, bạo loạn ở khắp nơi trên thế giới khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người phải mất nơi ở, tị nạn. Con người dường như ngày càng trở nên vô cảm.

Rủi ro từ cuộc sống hàng ngày: tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ...

Tình trạng giao thông hiện tại có thể nói là vô cùng tồi tệ. Năm 2020, Việt Nam có hơn 7000 người tử vong vì tai nạn giao thông, hàng chục ngàn người bị thương tật do tai nạn.

Hậu quả là hàng chục ngàn hộ gia đình bị ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập.

2. Nguồn lực cá nhân luôn có hạn và dễ bị tổn thương

Nguồn lực cá nhân gồm: Thời gian, sức khỏe, tinh thần, kiến thức và kỹ năng, tiền bạc, mối quan hệ, sức sáng tạo.

Nguồn lực thời gian có hạn và có thể biến mất bất cứ lúc nào. Mỗi người chỉ có 24h/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm. Vì vậy, bạn phải chạy đua với thời gian để đạt được ước mơ, hoài bão, thực hiện trách nhiệm cá nhân. Nguồn lực thời gian rất dễ bị tổn thương, bị lấy cắp bởi những người không xứng đáng, những việc làm kém hiệu quả.

Sức khỏe là nguồn lực có hạn và mỗi người có sức khỏe không giống nhau. Có những người sinh ra đã có sức khỏe không được tốt. Sức khỏe cũng là nguồn lực dễ bị tổn thương bởi các rủi ro của môi trường sống như bệnh tật, ô nhiễm, tai nạn...

Tinh thần là nguồn lực xét ở góc độ nào đấy là có hạn, bởi ai cũng có giới hạn chịu đựng của riêng mình. Trong một xã hội vận động ngày càng nhanh, áp lực lớn đã khiến nhiều người phải điều trị tâm lý. Có thể nói tinh thần là một nguồn lực có tác động rất lớn, đồng thời cũng khó thay đổi tích cực với mỗi cá nhân.

Kiến thức và kỹ năng cũng là một nguồn lực có hạn. Bởi sao có hạn vì nó chịu tác động bởi thời gian, sức khỏe và công cụ hỗ trợ.

Tiền bạc (tài chính) là một nguồn lực rất quan trong, nhưng chúng ta luôn bị thiếu bởi chúng ta không thể quan trị nó, đồng thời nó cũng chịu chi phối mạnh mẽ bởi các nguồn lực mà tôi đề cập trên.

Mối quan hệ là một nguồn lực ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bạn, nhưng tiếc thay con người đa số không có khả năng tạo mối quan hệ tốt. Vì vậy, vòng tròn mối quan hệ của nhiều người đa phần rất hạn chế.

Sức sáng tạo thì khỏi phải bàn tới, đây là một nguồn lực khan hiếm, luôn thiếu trong xã hội loài người. Rất ít người trên thế giới này có đủ sức mạnh sáng tạo để tạo ra giá trị, gây ảnh hướng đến xã hội.

3. Một cá nhân ngày càng có nhiều trách nhiệm

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu xã hội ngày càng cao. Vì vậy mỗi cá nhân ngày càng có nhiều trách nhiệm hơn.

Nhiều trách nhiệm hơn ở đây đúng cả về số lượng trách nhiệm và quy mô, chất lượng của trách nhiệm đó.

Ví dụ như tôi, vào những năm 2009, học phí đại học của tôi chỉ khoảng 5 triệu/năm (trường đại học Thương Mại). Đến năm năm 2020, học phí trung bình của mỗi sinh viên đại học Thương Mại là 15 triệu/năm. Như vậy trách nhiệm của bố mẹ để chi trả học tập cho con gái đã tăng lên gấp 3 lần.

Ngoài việc học tập, sinh viên hiện nay còn có nhiều hoạt động xã hội, phải đi học thêm các kỹ năng khác như ngoại ngữ, giao tiếp, công nghệ thông tin,..

Như vậy trách nhiệm tài chính lên mỗi cá nhân ngày càng lớn lên.

Chưa kể đến nhu cầu du lịch, khám chữa bệnh, thời trang đều tăng lên một cách không ngừng.

Con người sống trong xã hội, với rất nhiều mối quan hệ, và mỗi một mối quan hệ lại có những trách nhiệm đi kèm.

Bạn hay thử liệt kê xem trách nhiệm cá nhân của bạn đã thay đổi như thế nào trong vòng 5 năm qua?

Vì vậy càng quản trị được rủi ro bạn càng có cuộc sống hạnh phúc!

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

CHÀNG TRAI ĐỘC THÂN 27 TUỔI VÀ 3 CÂU HỎI LỚN CỦA CUỘC ĐỜI!

Chiều nay tiễn thằng bạn thân về quê sau 2 ngày nó ra Hà Nội chơi. Hai ngày vừa rồi, tôi không đưa nó đi chơi được nhiều, cũng không khiến nó phê pha được một lần nào. Vì thế trong lòng tôi thực sự có một sự áy náy. Nhưng bạn ơi, chúng ta mới 27 tuổi, chúng ta còn nhiều thứ phải làm hơn là phê pha phải không bạn. Và tôi muốn chia sẻ với bạn 3 câu hỏi lớn của cuộc đời tại thời điểm này. Mà tôi và bạn, những chàng trai độc thân tuổi 27 cần trả lời.

Câu hỏi đầu tiên, nguồn thu nhập của chúng ta giờ thế nào?
27 tuổi, nếu đi làm muộn cũng được 5 năm rồi. 27 tuổi, nếu là một chàng trai thì bạn đã tự nuôi sống bản thân, đã giúp đỡ được bố mẹ, giúp đỡ anh em, và chúng ta đã có khoản tích lũy để đầu tư cho tương lai. Vậy, chúng ta phải nhìn lại nguồn thu nhập của chúng ta bây giờ ra sao, có đủ sống không? Có ổn định không? Có sự tăng trưởng không? Nếu đáp án các câu hỏi đó tốt thì chúng ta cứ thế phát huy, còn nếu ngược lại chúng ta phải giải quyết ngay.

Câu hỏi thứ hai, chúng ta sống vì điều gì? Hay cách nói khác là đam mê của chúng ta là gì? Bạn sống vì bản thân, bạn sống vì gia đình, bạn sống để cống hiến cho một lý tưởng vĩ đại hay bạn sống vì một điều nho nhỏ nào đó. Bạn và tôi giờ phải xác định được cụ thể rồi. Và muốn sống vì điều đó thì chúng ta cần những gì? Bạn và tôi cũng phải chuẩn bị những cái đó.

Câu hỏi thứ ba, người bạn đời của bạn là ai? Nếu bạn muốn sống độc thân cả đời thì có thể bỏ qua câu hỏi này. Tôi nghĩ tuổi này, chúng ta cũng nên xác định rõ người chúng ta muốn gắn bó, càng sớm càng tốt. Dù biết đó là duyên, nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị để đón cái duyên đó. Khi yêu chúng ta yêu vì sự thú vị, còn kết hôn là vì sự an toàn. Sự an toàn kết hợp giữa tình yêu và sự đồng điệu. Còn gì tuyệt vời hơn là việc cùng người bạn đời xây dựng mọi thứ.

Tôi viết ra những dòng này là vừa tự nhắc nhở bạn thân, vừa là chia sẻ với những người bạn của mình. Chúc các bạn của tôi những điều tốt đẹp nhất.


Viết ngày 28 tháng 02 năm 2018.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Joker - Sản phẩm thất bại của việc không là chính mình

Ngày 10 tháng 2 năm 2020, Joaquin Phoenix đạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất bởi vai diễn Joker 2019. Giải thưởng xứng đáng cho diễn xuất, sự cống hiến của anh cho vai diễn.
Bộ phim Joker 2019 đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về con người. Nhiều người cho rằng Joker là sản phẩm của xã hội, điều đó đúng. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi nữa "Có phải thực sự xã hội đã tạo ra kẻ giết người Joker hay không? Hay Joker đã không thực sự hiểu chính mình để từ đó hòa hợp với xã hội?".
Lấy bối cảnh thành phố Gotham những năm 80, chàng Arthur Fleck (Joker) bất chấp chứng bệnh cười không kiểm soát và cả cuộc sống nghèo đói ngày đêm chăm sóc bà mẹ già, Arthur vẫn ôm mộng trở thành nghệ sĩ hài trên sân khấu. Thần tượng của anh chàng là người dẫn chương trình – danh hài Murray Franklin. Để kiếm sống, ban ngày Arthur hóa trang thành hề, đi biểu diễn trong các bệnh viện hoặc trên đường phố.
Đến đây, chúng ta điểm lại một chút về Joker nhé. Joker có ngoại hình tàn tạ, khuôn mặt đáng sợ hơn là thân thiện, vui vẻ. Ánh mắt của Joker dù có cố gắng vui vẻ qua lớp hóa trang chú hề, nhưng vẫn là cặp mặt buồn bã. Anh còn mắc bệnh chứng cười không kiểm soát, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và nghề nghiệp. Về tính cách, anh không phải là người hoạt ngôn, ăn nói không lưu loát. Đặc biệt anh không phải là một người có óc hài hước. Điều này chứng minh qua việc, anh đã rất chăm chỉ đi học, xem những người diễn hài biểu diễn. Nhưng anh vẫn không thể khiến người xem cười được, có cơ hội đứng trên sân khấu thì anh gần như đang đọc kịch bản hơn là diễn. Cuối cùng, người ta không cười vì biểu diễn của anh, mà người ta cười chính con người anh.
Đến đây ta có thể khẳng định, Joker hoàn toàn không phù hợp để diễn hài, và càng không thể thành công trong nghề này.
Nếu bạn nói: Joker mang dáng vẻ đó là do cuộc sống đưa đẩy, không thể khác được. Tôi đồng ý là cuộc sống đã đẩy Joker vào hình hài đó, nhưng sự thân thiện, vui vẻ phải do Joker quyết định. Có nhiều người nghèo nhưng họ vẫn rất thân thiện, và vui vẻ đó thôi. Joker có thấy những khiếm khuyết đó của mình hay không?
Và nếu bạn nói: theo đuổi ước mơ có gì sai cơ chứ? theo đuổi ước mơ mới tìm thấy chính mình. Vậy người xem, xã hội phản ứng như thế cũng có gì sai, họ có quyền được xem hài thật sự. Không thể xem hài bằng cách thương hại được. Người diễn viên hài phải mang lại sự thoải mái, vui vẻ, chứ không phải mang lại sự khó chịu. Joker đã thực sự hiểu việc mình đang làm đem lại kết quả gì hay không?
Joker đã thực sự là chính mình hay chưa? Joker đã hiểu chính mình chưa?
Cách đây ít lâu, tôi có tranh luận với một bạn về chủ đề: chính mình là gì? Theo tôi, chính mình là được tự do cá nhân làm những việc mình cho là phù hợp dựa trên cơ sở đạo đức, trí tuệ mà cá nhân đó có được. Do trí tuệ của cá nhân luôn phát triển nên bạn luôn phát triển, vì thế chính mình luôn thay đổi theo sự phát triển của trí tuệ.
Ở đây, chúng ta cũng nên làm rõ khái niệm tự do cá nhân. Hiểu 1 cách đơn giản thì tự do cá nhân là quyền suy nghĩ, hành động theo nguyện vọng của chính cá nhân đó. Tuy nhiên, để đảm bảo có tự do cá nhân, mỗi cá thể phải có sự tự tôn và tôn trong. Tức là bạn có quyền đặt bạn làm trung tâm, nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng tự do cá nhân của người khác.
Vậy làm thế nào để là chính mình? Để là chính mình thì bạn phải hiểu chính bản thân bạn. Hiểu chính bản thân bạn là phải hiểu đầy đủ về thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực, ước mơ, tư tưởng. Bằng trí tuệ mà cá nhân đó tiếp thu được thì sẽ có mức độ hiểu chính mình đến đâu, từ đó vận dụng cái sự hiểu chính mình đó để sống là chính mình trên nền tảng đạo đức.
Nói đến đây thì bạn có thể thấy rằng, Joker ở một góc độ nào đã không là chính mình. Thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực không thể đáp ứng được ước mơ của bản thân, tư tưởng không phù hợp với tình hình xã hội. Cái giá của không hiểu chính mình, không là chính mình đó là bi kịch.
Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói: Đời thay đổi khi ta thay đổi. Bạn không thể thay đổi xã hội nếu bạn không phải là một vĩ nhân. Cách dễ dàng nhất chỉ có thể là hiểu chính mình, hiểu xã hội và thích ứng.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

LÀM SAO ĐỂ CÓ KIÊN TRÌ LÀM MỘT CÔNG VIỆC TRONG NHIỀU NĂM

Sáng nay, có một người em hỏi tôi thế này:
"Anh ơi, làm sao để làm một công việc trong nhiều năm?"

Khi nhận được câu hỏi này, tôi nghĩ đây là một câu hỏi cực kì hay. Một câu hỏi mà có lẽ ai cũng đã từng tự hỏi mình. Và tôi thấy rằng, không có một câu trả lời chung cho câu hỏi này. Mà mỗi chúng ta phải tự tìm lấy cho một câu trả lời.

Nhìn lại bản thân mình, nếu hỏi tôi tại sao tôi lại đang làm công việc hiện tại. Công việc mà tôi đã làm chính thức được gần 3 năm (lâu nhất trong số các công việc tôi từng làm). Thời gian cũng chả dài cho lắm. Nhưng để trả lời câu hỏi của người em, tôi đã chia sẻ lý do mà tôi đang làm công việc của tôi hiện tại.

Có 3 lý do mà tôi làm công việc hiện tại. Lý do thứ nhất là ước mơ, công việc hiện tại đang góp phần xây dựng ước mơ của tôi. Đây không phải là ước mơ nhất thời, không phải là ước mơ mà mơ rồi để quên. Cái ước mơ này nó xuất hiện từ ngày còn thơ bé, và luôn âm ỉ trong tim tôi, chỉ chờ cơ hội để bùng cháy. Chuyện là hồi còn bé, được xem những bộ phim truyền hình Hồng Kông. Các bộ phim về sự thành công của thị trường chứng khoán trong một đêm, và phá sản cũng chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Cái kịch tính, hấp dẫn của những bộ phim này khiến đứa trẻ là tôi lúc đó muốn gây dựng cho mình một công ty. Hồi đó, tôi đã khắc trên cây Sung ở góc ao cái tên "Tân Binh", tên công ty tôi sẽ đặt.

Lý do thứ hai là áp lực của cuộc sống. Hồi mới ra trường được 2 năm, tôi có đi phỏng vấn vị trí nhân viên kinh doanh. Lương cứng lúc đó là 5 triệu, cũng tương đối ổn với tôi lúc đó. Cùng bước vào thử việc với tôi có 1 anh sinh năm 83, anh cùng làm ở vị trí tương đương tôi. Anh có một nhà nhỏ ở Hà Nội, có vợ và 2 người con. Anh luôn nói rằng lương của anh không đủ nuôi sống gia đình. Giấc mơ mua nhà rộng hơn thật xa vời. Tôi chợt nghĩ "Mình ở quê ra, nhà không có, nếu làm như này thì sao mua nổi nhà, rồi nuôi vợ con thế nào. Và 10 năm nữa mình cũng đi xin việc cùng với các bạn sinh năm 2000 sao?".
Sau hai tháng thử việc, tôi may mắn kiếm được khách và được ký hợp đồng chính thức. Còn anh không có khách nên đã phải tìm kiếm công việc khác. Tôi lại nghĩ, nếu mình không làm tốt thì cả đời mình sẽ phải đi xin việc. Và phải làm sao để có thu nhập cao. Tôi tính toán là có 2 cách: một làm nhiều việc 1 lúc, hai là làm một việc thật giỏi để có thu nhập cao. Một ngày có 24 tiếng, nếu làm nhiều việc 1 lúc, rồi làm tăng ca thì thời gian đâu để nghỉ ngơi, để chăm sóc người thân. Chỉ có cách làm một việc thật giỏi để có thu nhập cao.

Lý do thứ ba là đam mê. Khái niệm đam mê thật sự khó mà nói rõ. Nhưng đam mê là công việc mà bạn yêu thích, bạn thấy được là chính mình khi bạn làm công việc đó. Một công việc mà đi đâu bạn cũng có thể tự tin để khoe, để tự hào. Khi bạn làm một công việc mà bạn không dám nói với người khác thì hãy bỏ ngay công việc đó. Khi người ta nói việc bán khăn lụa kiểu như dành cho phụ nữ, tôi tự hào khi mình là số ít đàn ông bán khăn lụa.

Hoặc có thể, nếu bạn coi công việc là một phần cuộc sống của bạn. Không chừng bạn cũng có thể làm được công việc đó trong nhiều năm đấy. Và cuối cùng, để công việc hấp dẫn hơn, hãy tạo thử thách, mục tiêu cho công việc của bạn nhé.

CHỮ M, CHỮ N VÀ CÁCH NHÌN CHỮ ĐOÁN CON NGƯỜI

Chuyện về chữ M, chữ N
Ai cũng sẽ trải qua thời tập viết chữ cái, cái thời điểm mà bạn phải nhận ra được mặt chữ, nhớ nó, và dùng tay để viết. Đó là một cực hình đối với tôi. Mà đến giờ đây tôi vẫn bị ám ảnh.
Hình ảnh mẹ tôi trơn mắt, gầm lên: "CHỮ NÀY LÀ CHỮ GÌ? NÓI NHANH, HỌC MẤY NGÀY RỒI CÒN KHÔNG NHỚ!"
Sau 3 lần lặp lại câu nói đó mà tôi không trả lời được thì một tiếng "cốc" vang lên, tiếp theo đó là tiếng khóc rú lên của tôi.
"ÓC ĐẶC THÌ GÕ CHO BỚT ĐẶC ĐI".
Mà đời tôi khốn nạn nhất là phải học chữ M và chữ N. Thế nào mà 2 chữ đó tôi mất rất rất nhiều thời gian để phân biệt. Mẹ tôi nhiều lúc phải thét lên: "CHỮ M CÓ 2 MÓC, CHỮ N CÓ 1 MÓC, BIẾT CHƯA"
Khổ nỗi, lúc đó chữ M và chữ N như là cái gì đó không dành cho tôi, mãi không thể viết đủ nét, nhớ đúng mặt chữ như thế nào. Thời gian học chữ đó là cực hình không gì diễn tả nổi.
May sao, ăn đủ số đòn roi, trải qua đủ số ngày sống trong áp lực, cuối cùng tôi cũng vượt qua. Đúng là đủ về lượng sẽ thay đổi về chất thật.
Cách nhìn chữ đoán con người Những năm tiểu học là những năm luyện chữ. Mỗi ngày cô giáo lại giảng văng vẳng bên tai: “Nét chữ nét người.”
Ai chữ đẹp thì người sẽ đẹp, sẽ là người tốt. Mà hồi đó đúng phết nha. Bạn nào xinh xinh thì ý như rằng chữ nó đẹp, chơi với bạn đó cũng thích nữa. Cứ thế cứ thế, từ cấp một đến cấp 3, tôi cứ chọn đứa nào chữ đẹp để chơi. Vì nét chữ nét người, chữ nó đẹp chắc nó chơi đẹp.
Những đến năm cấp 3 tôi mới dần nhận ra, chữ đẹp chưa chắc chơi đẹp, chưa chắc là người đẹp. Tình hình nhìn chữ đoán người lúc đó sai lầm hoàn toàn, không có gì là đúng cả. Có những đứa chữ rất đẹp nhưng tôi chịu không thể chơi với nó được. Nhưng có đứa chữ xấu lại chơi với nó rất sướng.
Tôi mới ngờ ngợ, cô giáo hình như dạy sai rồi thì phải? Liên quan đến chữ đó là bút, hồi phổ thông tôi rất thích bút. Vì bút đẹp, có nhiều màu sắc, hình thù ngỗ nghĩnh. Đặc biệt bút mực nước thì tôi khóai lắm, viết vừa đã tay, nét bút gần như là mềm, mịn rõ nét, làm cho chữ tôi cứ như thể lột xác đẹp hơn gấp 10 lần. Đến giờ, tôi vẫn thích bút, và gặp nhiều người sưu tầm bút. Với họ, bút thể hiện cá tính, nét mực viết ra thể hiện đẳng cấp và sự tinh tế trong đó. Họ thích có riêng cho mình một cái bút đặc biệt.
Quay lại vấn đề nét chữ nét người. Thực sự cô giáo có dạy tôi sai không? Đến nay, tôi nghĩ cô tôi vẫn đúng. Nhưng nét người nó không thể hiện là chữ đẹp chữ xấu mà thể hiện ở những góc khác ở chữ. Mà tôi đã ngộ ra được, đó là: Khoảng cách giữa các chữ, các từ nó thể hiện cách người đó đối nhân xử thể trong các mỗi quan hệ giữa người với người. Cách các nét, các dấu của chữ thể hiện tâm trạng, trạng thái, tâm tính của người đó. Hình dáng của chữ một phần nào thể hiện hình dáng của người viết. Và tôi nhận ra rằng, khoảng cách chữ, từ là yếu tố khó thay đổi nhất. Các nét, các dấu là những thứ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Nếu không tin bạn thử nhìn lại chữ của bạn và những người xung quanh sẽ thấy. Hoặc nếu cần, tôi có thể nhìn chữ và phân tích giúp bạn.
Càng lớn, con người càng khó thay đổi được nét chữ, càng khó thay đổi tính cách. Nhưng dễ dàng lựa chọn chiếc bút phù hợp cho mình hơn, dễ dàng chọn cho mình một cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn hơn.
Viết ngày 21/09/2019