Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc nhìn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Góc nhìn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Suy Ngẫm Về Tự Do Cá Nhân

Có lẽ đích đến của mỗi cá nhân không phải là hạnh phúc, mà đích đến cuối cùng của mỗi cá nhân là tự do. Để nói về tự do mình đưa ra hai câu chuyện để chia sẻ như sau:

Câu chuyện thứ nhất
Tối hôm thứ 3 vừa rồi, câu lạc bộ sách sinh hoạt buổi thứ 94 (thật không ngờ câu lạc bộ duy trì được lâu như vậy). Trong buổi sinh hoạt này, bạn Quỳnh có chia sẻ cuốn Đúng Việc với một ví dụ: Nếu năng lực là 10 triệu, công ty trả lương 5 triệu. Thì bạn sẽ làm ở mức nào? 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu, hay 2.5 triệu?
Mình sẽ không không bàn đến việc bạn lựa chọn đáp án nào. Điều mình muốn bàn đến là sự tự do của một cá nhân qua ví dụ này. Tự do là một quyền căn bản của con người, mỗi cá nhân được hưởng quyền tự do từ khi sinh ra mà không cần phải ràng buộc với một nghĩa vụ nào. Nhưng để định nghĩa tự do hay tự do cá nhân là gì, thì có lẽ rất khó để thống nhất, bởi mỗi người lại định nghĩa tự do theo cách chủ quan của mình. Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ sách, bạn Quỳnh định nghĩa tự do cá nhân là tự do về tâm trí, tự do về thân thể. Mình đồng tình với cách định nghĩa này. Vậy mỗi cá nhân có thể làm chủ được tâm trí, được suy nghĩ, được tưởng tượng, được sáng tạo, được thể hiện năng lực mà không bị giới hạn bởi một yếu tố nào. Tự do về thân thể là mỗi cá nhân được làm chủ hoàn toàn về thân thể của mình. Quay lại ví dụ về mức lương ở trên, bạn có thể lựa chọn mức làm việc mà bạn nghĩ là hợp lý, bởi không ai có thể can thiệp được, kể cả người sếp. Nhưng mình đặt ra câu hỏi, nếu ta đo đếm năng lực của ta là 10 triệu thì ta có đang giới hạn chính ta ở cái khung 10 triệu hay không? Khi công ty trả ta 5 triệu và ta lựa chọn cách đối phó với nó ở các mức khác nhau thì có phải ta đã giới hạn sự tự do về năng lực của ta không? Ở một góc độ nào đó, chính ta đang để mình bị chi phối bởi nhận thức chủ quan của ý thức ở hiện tại đó sao, chính ta khép sự tự do của ta đó sao. Theo mình, điều quan trọng không phải năng lực, thu nhập ở mức độ nào, mà điều quan trọng nhất là hãy để năng lực phát huy, phát triển một cách tự do nhất. Đừng giới hạn chính bản thân mình, cho dù đó là đam mê hay ước mơ.

Đến đây, mình chia sẻ một điều mà từ hồi đi làm thuê mình đã rút ra. Khi đi làm thuê, các bạn không biết rằng các bạn đang sở hữu một quyền lực to lớn mà mình gọi là quyền lực mềm. Đó là nếu bạn thể hiện được năng lực, vai trò của mình trong công ty đến mức cực kỳ quan trọng, không thể thay thế được thì chính bạn nắm được quyền tự do thương thuyết về đãi ngộ, nếu công ty đãi ngộ không xứng đáng, bạn có thể ra đi mà ngẩng cao đầu. Vậy chẳng phải sướng sao?

Câu chuyện thứ hai
Bá Minh Silk đợt này đang dần chuyển sang sử dụng dịch vụ giao hàng của Giao Hàng Tiết Kiệm. Có một bạn bưu ta chuyên đi nhận hàng ở tuyến phố của mình, bạn này thật sự rất lạnh lùng, kiệm lời, và nói thường cộc lốc. Khi mình giao hàng cho bạn ấy thì bạn ấy không nói gì. Mình nói cảm ơn bạn ấy cũng không hề đáp lại.
Thế là mỗi lần mình giao hàng cho bạn ấy, mình đều cười với bạn ấy và nói lời cảm ơn rất chân thành. Sau một thời gian, hôm vừa rồi mình xuống giao hàng thì bạn ấy đã xuống xe nhận hàng, mình cảm ơn thì bạn ấy đã đáp lại "vâng ạ".
Với mình đây cũng là một dạng tự do, dù là một hành động rất nhỏ. Mình vẫn sẽ cảm ơn, mỉm cười vì đó là chính bản thân mình. Việc mình mình cứ làm, còn đón nhận như thế nào là quyền của đối phương. Kể cả mình có cố gắng đến mức nào, mà nhận sự đáp lại lạnh nhạt cũng không sao cả. Mình cần tự trọng và tôn trọng đối phương. Với mình đó là cái gốc của tự do cá nhân.

ĐỪNG LÀM VIỆC KHÔNG TÊN

 Một ngày ta dành hơn 8 tiếng ở nơi làm việc, vậy thì đến già ta dành 1/3 cuộc đời ở nơi làm việc rồi.

Ai cũng mong muốn có một cuộc đời hạnh phúc. Vậy nếu ở nơi làm việc mà không hạnh phúc, thì ta mất đi 1/3 cuộc đời.
Vậy nên, để có một cuộc đời hạnh phúc thì ta nên làm một công việc hạnh phúc. Và để có một công việc hạnh phúc, ta hãy dừng làm những việc công việc không tên.

Dừng làm những việc không tên, không có nghĩa là bỏ những việc nhỏ, lặt vặt mà chúng ta đang làm. Vì những việc nhỏ đó nó thật sự cần thiết. Vậy dừng làm việc không tên như thế nào?

Bước đầu tiên, ta phải xác định rằng: "mỗi một công việc dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa của nó". Như ở Bá Minh việc lấy cái kim để gẩy một miếng bỏ trấu bé xíu trong chiếc khăn mặt đã giúp cho người dùng tránh một vết xước khi lau, giúp cho Bá Minh có thêm một sản phẩm chất lượng, có thêm 1 khách hàng trung thành. Hay như việc, làm phẳng 1 vết nhăn nhỏ trên chiếc phông chụp ảnh cũng giúp cho bức ảnh đẹp hơn, từ đó làm khách hàng thích và mua hàng nhiều hơn.
Bạn thử xem lại công việc mình làm mà xem, những công việc nhỏ nó đều có ý nghĩa tác động lên kết quả công việc của bạn. Tôi đã tâm niệm 1 điều như thế này: "Một chi tiết lỗi nhỏ sẽ là một con quỷ phá nát cả một tổng thể, còn mỗi một chi tiết nhỏ hoàn hảo sẽ là một điều kỳ điều kỳ diệu mang lại thành công." Giờ thì bạn hãy ghi ra ý nghĩa của việc mình làm nhé.

Bước thứ hai, hãy đặt tên cho công việc không tên. Bạn hãy thử đặt tên mà xem, bạn sẽ thấy công việc của bạn trở nên thú vị, mang lại cảm hứng làm việc rất lớn.
Ví dụ như công việc chụp ảnh khăn lụa rất vất vả và nhiều khi nhàm chán. Nên tôi đã đặt cho nó một cái tên "bắt hình của lụa". Hay như một bạn chuyên sửa robot hút bụi, tôi đã gọi trêu bạn ấy là "bác sĩ robot", thỉnh thoảng còn hỏi bạn ấy "hôm nay đã phẫu thuật được bao nhiều robot?".
Hãy đặt một cái tên thật hài hước để khi làm bạn sẽ cười khi làm nó. Hoặc đặt một cái tên khiến cho việc đó trông có vẻ thật quan trọng.

Vậy đấy, khi ta xác định được ý nghĩa của việc mình làm, đặt cho nó một cái tên thì ta đã giúp cho mình hạnh phúc hơn một chút rồi. Có thể bạn đang nghĩ nó xàm, nhưng theo tôi việc gì làm cho mình hạnh phúc hơn, vui hơn thì nó chẳng xàm một tí nào.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

"CHÂN THIỆN MỸ" - TẠI SAO CHỮ MỸ PHẢI ĐỨNG SAU CHỮ CHÂN, CHỮ THIỆN

Trước đây, khi nhắc tới Chân Thiện Mỹ , tôi đã từng nghĩ đó là 3 khía cạnh độc lập, tách rời để tạo nên một chủ thể mà con người hướng tới. Nhưng khi trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch Covid vừa qua, tôi mới phát hiện ra rằng:

"Mỹ thật sự phải được cấu thành bởi Chân và Thiện; Chân - Thiện - Mỹ là thứ tự cho hành trình phát triển của một con người."

Trong đó, Chân là yếu tố cốt lõi bắt đầu của một cá nhân. Muốn làm một điều gì, dù lớn, dù nhỏ đều bắt đầu bằng từ Chân. Chân ở đây là gì? Theo tôi Chân ở đây gồm Chân thật, Chân Lý và Chân thành. Chân thật là chân thật với chính bản thân, bạn phải sống đúng với con người của bạn. Chân thật với đồng loại, làm mọi việc đều cố gắng minh bạch, rõ ràng nhất có thể, đặc biệt đối với những con người tin tưởng mình, hãy luôn cố gắng phấn đấu vì điều đó.
Có thể lấy ví dụ như các trường hợp từ thiện đợt vừa rồi của giới nghệ sỹ. Rõ ràng hành động của họ có thể coi là Thiện, là đẹp. Những bởi thiếu Chân đã đạp đổ tất cả, chẳng còn là hành động Thiện, Mỹ được nữa. Hậu quả là cả sự nghiệp một đời xây dựng bị bay biến cả.

Sau khi đạt được chữ Chân, ta phấn đấu tiếp đến chữ Thiện. Thiện chính là sống bao dung, sống có đạo đức. Sống bao dung là sống một cuộc sống đầy yêu thương, san sẻ với mọi người. Sống có đạo đức là sống theo luật nhân quả, gieo nhân nào sẽ gặp quả đó.
MC Quyền Linh là một trường hợp hiếm có của Showbiz được mọi người yêu thích. Ở con người anh thể hiện được rõ ràng chữ Chân và chữ Thiện. Nếu ai từng xem chương trình Vượt Lên Chính Mình, hay follow facebook của anh sẽ cảm nhận được điều đó. Trong một chia sẻ trên báo MC Quyền Linh chia sẻ “Linh chẳng có gì phải lo cả. Thật ra tôi làm thiện nguyện cũng gần 20 năm rồi. Tôi không có lần nào kêu gọi lớn lao cả. Nếu có vận động thì tôi vận động vào một quỹ nào đó của các cơ quan chức năng.
Còn nếu tự đi làm thì tôi thường bỏ tiền túi, sau đó vận động thêm những người bạn thân thiết hỗ trợ, mọi người góp được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thiếu thì tôi bù vào thêm. Thực ra tôi không ngại gì cả, vấn đề tôi chỉ sợ con tim, cái tâm mình cắn rứt thôi”.

Chữ Mỹ là kết quả của 2 chữ Chân và Thiện ghép lại. Khi con người đồng nhất giữa bản thân với hành động, với hình thức, với vạn vật thì mọi thứ sẽ trở nên đẹp đẽ.

Theo tôi, chữ Mỹ là cái đích mà ai cũng muốn hướng tới, chữ Mỹ chính là lý tưởng. Nhưng thực tế vốn không hoàn hảo, sẽ luôn có những mặt hạn chế của nó. Chúng ta càng trải nghiệm chúng ta càng thấy nhiều hạn chế, nhiều mặt chưa tốt. Khi đó bạn đang đừng thất vọng, đừng lo sợ, bởi càng tìm ra nhiều điểm yếu chính là quá trình ta hoàn thiện mình, càng tìm ra nhiều thì điểm yếu tiềm ẩn càng ít đi, ta càng có cơ hội hoàn thiện bản thân mình hơn. Bản thân tôi quan niệm "ta còn có vấn đề, ta còn phát triển được.".

Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Ảo tưởng là gì?

Người ta thường bảo bạn ảo tưởng? Và đa phần bạn bị cái lời nói đó đánh gục?

Nhưng thật sự thế nào là ảo tưởng? Ai là người hay nói bạn ảo tưởng? Những người đó là người thành công hay thất bại?
Có một chia sẻ trong một cuốn sách rất hay, đại ý thế này: "Nếu bạn có một ý tưởng, bạn giữ cho riêng mình thì nó là bất khả thi, bạn chia sẻ cho 10 người thì nó khó khả thi, bạn chia sẻ cho 100 người thì nó khả thi, và khi bạn chia sẻ cho đủ số người thì nó hoàn toàn khả thi."
Giáo Sư Trương Nguyện Thành trong một buổi chia sẻ với sinh viên có nói rằng: "Ảo tưởng là bạn mơ một giấc mơ, mà không dám đánh đổi một cái giá để đạt được nó". Tôi thấy ông nói đúng.
Thế giới đang có 1 thiên tài là Elon Musk, ông đang biến những điều mà người khác cho là ảo tưởng thành hiện thực. Hoặc xung quanh bạn, có những làm được những việc mà bạn chưa từng nghĩ tới, hoặc nghĩ tới thì bạn cũng cho là không khả thi.
Vì vậy gặp 1 người nói bạn ảo tưởng thì bạn phải gặp 10 người, 10 người nói bạn ảo tưởng, bạn hãy gặp 100 người.
Có người sẽ nói "nhưng tôi không có cơ hội". Cơ hội sẽ xuất hiện khi bạn dám trả giá, trả giá cho cái cơ hội đó thì cơ hội sẽ tới.

Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

SỰ THẬT CỦA LỜI NÓI DỐI!

Trong một buổi giảng pháp, thầy Thích Nhất Hạnh có dạy về cách nói chuyện trong chánh niệm. Thầy kể câu chuyện Hổ mẹ nhận con để lấy ví dụ. Mình xin kể lại theo trí nhớ như sau:

"Có một con hổ cái sắp sinh, vì nó sống một mình nên dù có mang thai vẫn phải đi săn mồi để nuôi thai và nuôi bản thân nó.
Một hôm, hổ cái đuổi theo một con nai. Nó đang tập trung đuổi bắt con nai thì con nai lấy đà bật nhảy qua một vách búi. Hổ cũng theo đà tập trung truy đuổi nên cũng vọt theo. Đến giữa chừng, hổ mẹ đã nhận ra sai lầm của mình. Vì vọt quá nhanh và mạnh, hổ con đã rơi ra khỏi bụng mẹ và rơi xuống vực. Qua đến bờ bên kia, hổ mẹ đau khổ khi mất con, chả thiết săn mồi nữa.
Hổ con rơi xuống vực, tưởng chừng như sẽ chết. May mắn sao, lúc đó có một đàn khỉ đang hái quả trên cây. Một con khỉ nhìn thấy và đưa tay ra hứng bắt được chú hổ con. Đàn khỉ nhận nuôi hổ con, cho ăn, dạy những thói quen của khỉ. Và chú hổ con lớn lên với tư tưởng mình là khỉ.
Một ngày hổ mẹ đi ngang qua nơi đàn khỉ đang sống, thấy chú hổ con và nhận ra con mình. Nó mới chạy đến bên và nói: "Con ơi, ta là mẹ của con đây"
Hổ con nói: "Bà là ai? Sao dám nhận là mẹ tôi?"
Hổ mẹ: "Ta là hổ, là mẹ của con, ta đã thất lạc con từ lúc con mới sinh"
Hổ con: "Không phải, ta là khỉ, đây là những anh em của ta". Cả đàn khỉ xúm lại xua đuổi hổ mẹ.
Hổ mẹ buồn bã rời đi. Đến một hôm, lúc cả đàn khỉ đi kiếm ăn, chỉ còn mình hổ con. Hổ mẹ mới lân la tới nói chuyện:
"Chào bạn khỉ con, tôi có thể nói chuyện với bạn được không?"
Hổ con đồng ý, hổ mẹ trò chuyện với hổ con như với một chú khỉ. Rồi cả 2 cùng đi dạo, đến hồ nước hổ mẹ mới soi mình xuống nước. Hổ con cũng soi mình, dưới nước hình ảnh hổ con và hổ mẹ giống nhau như 2 giọt nước. Hổ mẹ nói: "Bạn khỉ ơi, sao tôi và bạn giống nhau quá".
Thấy hổ con như nhận ra điều gì, hổ mẹ bẫng gầm vang trời. Hổ con cũng gầm lên theo, tiếng gầm của loài hổ làm cho muông thú xung quanh hoảng sợ bỏ chạy.
Chú hổ con nhận ra chính bản thân mình là loài hổ, nhận ra mẹ. Thế là cả hai mẹ con hổ cùng nhau đi vào rừng."
Qua bài giảng ta có thể thấy rằng, nói trong chánh niệm không có phải lúc nào cũng là lời nói thật. Nói trong chánh niệm là lời nói và thái độ hướng tới sự thật với mục đích tốt đẹp.
Nói theo ngôn ngữ thông thường thì ta có thể hiểu có 2 cách nói: nói tinh tế và nói trơ trẽn. Bạn sẽ chọn cách nào?

P/s: Bài viết đăng trên fb ngày 25/07/2020

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Làm thế nào cân bằng giữa công việc và cuộc sống để có hạnh phúc?

 

Con người luôn khát khao có được hạnh phúc

Hạnh phúc là gì mà con người luôn khát khao có được nó? Đó là câu hỏi mà tôi luôn thường trực hỏi chính bản thân mình. Để rồi trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc, đã mang câu hỏi đó để hỏi nhiều người.

Có người nói hạnh phúc là thấy mình có giá trị. Người thì nói hạnh phúc là có cuộc sống thanh thơi, nhàn hạ bên người thân. Và có người nói rằng đối với họ hạnh phúc là được tư do đi khắp mọi nơi trên thế giới. Quả là có nhiều cách thức để con người có được hạnh phúc.

Ngày 14 tháng 8 năm 2020, cơ duyên mang tôi đến với buổi chia sẻ của anh Nguyễn Đỗ Lăng, chủ tịch của APEC Group. Tối hôm đó tôi thật sự ấn tượng với không gian làm việc rộng, hiện đại, và cực kỳ đẹp của APEC. Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi anh Lăng nói rằng, toàn bộ nội thất công ty đều tự tay nhân viên thiết kế, với chi phí rẻ hơn các công ty khác rất nhiều.

Trong buổi chia sẻ kéo dài 2 tiếng, anh Lăng đã kể lại hành trình khởi nghiệp, triết lý kinh doanh của bản thân anh. Với tôi đây là những chia sẻ cực kỳ sinh động và thực tế. Tại buổi hôm đó, có một câu nói về hạnh phúc của anh Lăng mà tôi nhớ mãi:

“Thường thì các công ty hạnh phúc, con người hạnh phúc thì đều thành công và giàu có. Từ lúc tập đoàn APEC tự gọi chúng tôi là công ty the happiness company, tự nhiên thấy văn phòng của chúng tôi đẹp hơn, có vẻ lương của người APEC 2 đến 3 năm vừa rồi cũng tăng gấp 3 gấp 4 lần. Thì đâu đó cũng có sự liên kết mạnh mẽ giữa hạnh phúc với giàu có và thành công.”

Vậy có phải như anh Lăng nói hạnh phúc là nền tảng của sự giàu có và thành công?

Nhưng để đạt được hạnh phúc quả thật không dễ dàng, đặc biệt trong xã hội hiện đại, nơi con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc.

Để tồn tại con người phải làm việc

Từ rất lâu, loài người đã nhận ra rằng: mỗi cá thể không thể tự làm ra tất cả mọi thứ để phục vụ cuộc sống, vậy nên phải chuyên môn hóa công việc cho từng cá thể. Việc chuyên môn hóa còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tăng hiệu quả lao động. Ở xã hội hiện đại, việc chuyên môn hóa đã ở trình độ bậc cao, chia thành từng lĩnh vực vô cùng nhỏ như phân tích dữ liệu, nhập liệu, hay thuyết trình.

Chính vì việc chuyên môn hóa đến mức như vậy, còn người càng phải làm việc nhiều hơn để có thu nhập phục vụ cho các nhu cầu ngày càng nhiều, và giá cả ngày càng tăng.

Ngoài ra, con người còn đòi hỏi tìm được công việc mà mình làm giỏi nhất, làm công việc mà mình có đam mê. Khiến cho công việc càng trở nên áp lực.

Khi con người làm việc đến mức cạn kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Họ đòi hỏi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vấn đề này thực sự là vấn đề lớn của xã hội.

Bản thân tôi cũng đã từng trăn trở để tìm ra giải pháp để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi phát hiện ra rằng công việc thực ra chính là một phần cuộc sống của tôi. Nó không tách rời mà nằm trong cuộc sống.

Với tôi công việc không đơn giản là để tạo ra thu nhập, công việc là một phần trong cuộc sống.

Bằng cách lần về quá khứ, xem xét lại quá trình làm việc của bản thân. Tôi thấy rằng công việc giúp tôi phát triển bản thân. Ở mỗi 1 công việc tôi trải qua, nó giúp cho tôi phát triển các kỹ năng cá nhân, làm bộc lộ ra những phẩm chất mà trước đây bị che dấu.

Công việc cũng là cách để giúp tôi cống hiện năng lực, tạo ra giá trị để phục vụ cộng đồng. Ở Bá Minh Silk, nơi tôi đang làm việc, chúng tôi làm việc dựa trên sứ mệnh “Nuôi dưỡng giá trị thật, xây dựng niềm tin”. Chúng tôi luôn mong muốn mang lại những giá trị thật đến với khách hàng và cộng đồng.

Công việc cũng là một cách thức để chúng ta kết nối với con người. Trong công việc, tôi đã tìm cho mình thêm những người bạn tri kỉ, những người anh em, và cả những người thầy. Nếu không có công việc, chắc tôi không thể gặp những người tuyệt vời như thế.

Đối với tôi, cuộc sống gồm công việc, gia đình và những sở thích, đam mê của cá nhân.

Vậy có hay không việc bằng giữa công việc và cuộc sống?

Như đã nói ở trên, công việc chính là một phần của cuộc sống. Công việc không tách rời với cuộc sống. Vậy nên không có trạng thái nào được gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo tôi, bản chất thật sự đó là trạng thái bình an trong tâm ta. Khi tâm ta cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, bình yên để đạt tới trạng thái bình an chính là lúc bản thân ta cảm thấy mọi thứ cân bằng nhất.

Điều ta cần xem xét ở đây chính là việc cân đối thứ tự ưu tiên cho công việc, gia đình, và bản thân phù hợp trong từng khoảng thời gian nhất định.

Vậy làm sao để đạt được trạng thái cân bình an trong tâm ta?

Cá nhân tôi vẫn chưa đạt được trạng thái bình an trong tâm một cách bền vững. Để đạt được trạng thái bình an đòi hỏi một sự nỗ lực liên tục. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi xin được chia sẻ một số bước để đạt được trạng thái bình an trong tâm như sau:

Đầu tiên, bạn cần lập kế hoạch cho cả cuộc đời mình. Cuộc đời dù có nhiều điều bất ngờ, và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chúng ta đều phải trải qua những giai đoạn giống nhau, những sự kiện lớn như nhau: đi học, làm việc, lập gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ hưu. Vậy bạn hãy lập kế hoạch cho từng sự kiện lớn đó. Và hãy nhớ mỗi một giai đoạn trong cuộc đời sẽ có thứ tự ưu tiên khác nhau. Ngoài ra, trong khi lập kế hoạch cuộc đời bạn cần tìm cho mình một triết lý sống sâu sắc. Trong buổi chia sẻ ngày 14 tháng 8 năm 2020, anh Lăng đã nói về tâm quan trọng của một triết lý sống sâu sắc là giúp bạn không sa ngã vào những thứ tiêu cực.

Tiếp theo, hãy xác định các nguồn lực của bản thân. Theo tôi, mỗi người có 7 nguồn lực cơ bản: sức khỏe, thời gian, tinh thần, kiến thức và kỹ năng, tiền bạc, mối quan hệ, sức sáng tạo. Mỗi một cá nhân sẽ sở hữu các nguồn lực này ở mức độ mạnh, yếu khác nhau. Việc của bạn là xác định rõ nguồn lực nào của bạn là mạnh, bạn cần tập trung sử dụng và bồi đắp cho nguồn lực nào. Và cách bạn sử dụng những nguồn lực đó trong kế hoạch cuộc đời của mình như thế nào.

Tiếp đến, bạn hãy xác định những điều quý giá nhất của bạn. Đó có thể là vợ con, bố mẹ, đam mê, sứ mệnh hay bất cứ thứ gì mà bạn thấy nó quý giá và không thể bỏ đi. Mọi nguồn lực của bạn đều là hữu hạn, vậy nên hãy tập trung những nguồn lực vào những điều quý giá nhất.

Tôi tin rằng, khi bạn làm được những điều trên, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng đạt tới hạnh phúc. Chúc bạn những điều bình an!

P/s: Xin gửi lời biết ơn đến APEC Group và bạn Tuệ Tâm đã có lời mời tôi viết một bài chia sẻ để đưa vào cuốn sách của APEC Group. Đây là vinh dự cho tôi khi có cơ hội được đóng góp, chia sẻ những điều mà tôi đã học hỏi và tích lũy được qua công việc, qua lắng nghe chia sẻ của những người thành công. Chúc cho APEC Group sẽ luôn là công ty hạnh phúc!

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Tản mạn “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”

Thời xưa, khi còn chế độ phong kiến, quan điểm về người anh hùng phải “đầu tròn đội trời, chân vuông đạp đất”. Thang bậc thành công của những người quân tử phải là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Còn với người bình thường thì sao, hẳn phải toàn vẹn cái câu “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” mới được coi là người đàn ông trưởng thành. Xem ra khuôn mẫu này không còn phù hợp với thời đại mà chúng ta đang sống, nhưng ngẫm đến cùng người xưa vẫn có lý lẽ riêng khi đúc kết như vậy.
Ở nền văn minh lúa nước, “con trâu là đầu cơ nghiệp” đồng nghĩa với việc có công cụ sản suất trong tay cũng là điều kiện để nuôi sống một gia đình. Lúc đó, người đàn ông mới tính đến chuyện cưới vợ, sau này mới tích cóp rồi làm nhà. Biết bao đôi bị các bậc sinh thành lườm nguýt vì “chúng cháu chỉ cần… có tình yêu thôi là đủ”. Cái câu “mấy đứa này mà lấy nhau thì chỉ được ba bảy hăm mốt ngày…” chắc hẳn nhiều người đã nghe. “Một túp lều tranh, hai trái tim vàng”, các cụ nói thế nhưng hẳn cũng chả tin là mấy.
Trà dư tửu hậu ngày Xuân, xin được hầu bạn đọc ba câu chuyện nhỏ mắt thấy tai nghe, gọi là lạm bàn về cái trọng trách “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” thời hiện đại.

1. Anh bạn cùng quê, cùng lứa của tôi vốn gia đình cũng có của ăn, của để. Bố anh ta từng là giám đốc một sở to đùng nên chuyện nuôi con học đại học, rồi nghe bảo gây dựng cho anh một công ty vừa vừa cùng một ngôi nhà to to ở thủ đô, thì cũng chả khiến ai thắc mắc.
Những người quen biết chỉ xì xèo khi anh dẫn vợ tương lai về quê ra mắt dòng họ. Của đáng tội, cặp đôi ấy trông chênh lệch quá, mà phần thua thiệt “rất” nghiêng về phía cô dâu tương lai. Nhưng nghe giới thiệu, cô ấy là con gái yêu của một VIP nào to to ngoài Hà Nội.
Dân làng chép miệng chê bôi, còn tôi lại nghĩ, nhỡ cô ấy có duyên thầm khiến bạn mình chết mê chết mệt thì sao. Sau này mới vỡ lẽ anh lấy vợ để làm bàn đạp cho chuyện “tậu trâu, làm nhà”, bởi sau đám cưới cả gia đình nhà gái mới té ngửa, hóa ra anh chẳng có gì ngoài cái thân, nhà ở Hà Nội là nhà thuê, công ty là của đứa bạn thân, việc anh ta cũng không có, độ giàu có của gia đình chỉ là “dĩ vãng”.
Sau đám cưới, cao thủ này thẳng thừng tuyên bố “vì con quá yêu vợ nên phải dùng cách này để cưới, bây giờ con xin phép vào Nam kiếm tiền nuôi vợ con…”. Có ông bố bà mẹ nào lại trừng phạt con rể vì tội quá yêu con mình, cho dù biết mười mươi nó lừa đảo và “ván đã đóng thuyền”. Thế là sau khi cưới vợ, anh ta có cả trâu lẫn nhà.

2. Một anh bạn khác của tôi, tạm gọi là anh số 2 (có quen anh số 1) thì lại bi kịch ở chỗ có trâu, có nhà nhưng tìm mãi chẳng được vợ. Tiêu chí của anh cũng đơn giản, “một cô gái yêu anh thực sự và không màng đến đống tài sản của anh”. Các ông bố bà mẹ của bao cô gái cứ gào lên “nó tốt thế sao không lấy”. Của đáng tội, trình “tán gái” của anh thuộc dạng nhất Bắc Kỳ, nhì Đông Dương về độ chán, có cô gái được mối mai chuyện trò với anh một buổi thì buông câu “tốt nhưng mà chán”. Đến bây giờ anh vẫn cô đơn, xem ra căn nhà to đùng đoàng cùng đống tài sản không giúp anh tìm được một nửa đích thực của mình.
3.Người đàn ông thứ ba tôi biết mỹ mãn trong hành trình “tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” dù tiêu chí của anh về cô vợ khá cao “xinh một tý, giỏi một tý, khéo một tý, công việc ổn định một tý”. Xét về độ xinh, khéo và giỏi vợ anh vượt tiêu chí.

Chỉ có điều trước khi cưới, mẹ anh tuyên bố câu xanh rờn: “Tao là cứ thấy không ổn với loại đàn bà khô chân gân mặt. Mẹ cứ thích tướng đàn bà vượng phu”. Ô hay, bây giờ da sát xương đang là mốt, chân khô vì không dùng kem dưỡng, không đi spa như chị em khác. Còn cái tướng vượng phu người tròn mặt béo nhìn vào chỉ thấy ưng mắt các cụ thôi. “Mẹ không thấy nhiều cô đánh đổi cả mạng sống để gọt cằm V line đấy à”, anh bảo.
Thế mà chẳng hiểu sao sau đám cưới chưa đầy 1 năm, anh chị đường ai nấy đi, không hề tiết lộ lý do chia tay. Chỉ có điều, anh về nói với mẹ “lần sau mẹ chọn vợ cho con”. Còn tôi lại tiếc cho một hạnh phúc tưởng chừng viên mãn, nhưng thôi, mình đâu có là “người trong chăn”…
Ngay xung quanh ta có nhiều biệt thự, penthouse, nhà phố… đi kèm với nội thất xa hoa với giá trị gộp lên đến cả trăm tỷ đồng, không ai chắc chắn 100% chủ nhân ở đó đều hạnh phúc. Trong mỗi căn nhà, hạnh phúc thì ai cũng giống ai nhưng bất hạnh thì mỗi người một khác. Điều quan trọng là mỗi người cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có, lựa sức mà phấn đấu, mà ước mơ sẽ bớt đi cảnh “giàu đổi bạn, sang đổi vợ, vỡ nợ đổi sim”.
Cuộc sống vốn nhiều biến động, thăng trầm, người đàn ông đến bên kia đỉnh dốc cuộc đời nhiều khi lại mong muốn giá như trở lại ngày xưa. Ngẫm lại các cụ cũng không hề cổ hủ khi cho rằng đàn ông phải theo tuần tự “tậu trâu - cưới vợ - làm nhà”. Đó là bản giao hưởng giữa công việc, tình yêu và ý chí cùng nhau chia sẻ hoạn nạn, khó khăn trong cuộc sống. Khởi điểm là chung một mái nhà, nhưng để đến cái đích cuối cùng là biến mái nhà thành tổ ấm thì hẳn là một hành trình không ít gian nan.
_St_

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Có thật sự con người không thể thay đổi được số phận của mình?

Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: Thật sự, số phận là gì? tại sao có những người vô cùng giàu có còn mình thì nghèo, tại sao có người có cuộc sống hạnh phúc nhưng lại có người chịu cuộc sống khổ đau?

Hầu hết mọi người đều cho rằng, số phận con người đã được định sẵn trước và không thể nào thay đổi được. Ví dụ như giàu nghèo, công danh sự nghiệp, gia đình vợ con, ... đã được sắp xếp sẵn và đến một thời điểm nào đó nó sẽ xảy ra. Theo cách hiểu như vậy, thì rõ ràng, số phận của bạn được định sẵn là nghèo khổ thì bạn có cố gắng làm việc đến như thế nào đi nữa cũng không thể giàu có được, hay số phận của bạn được định sẵn là giàu có thì bạn không làm gì thì bạn vẫn sẽ được hưởng cuộc sống vinh hoa phú quý.
Nếu thực sự số phận là như vậy, thì tôi tự hỏi chúng ta cố gắng học hành, làm việc để làm gì khi mà số phận của chúng ta đã được định đoạt trước và không thể thay đổi? Và cuộc đời của bạn còn gì là ý nghĩa.
Riêng với tôi, số phận của mỗi con người được chia thành hai phần: Phần đã được định trước và bạn không thể tự mình quyết định được, tiếp đến là phần bạn có thể tự mình quyết định cho số phận của mình.
Bạn được sinh ra vào ngày tháng năm nào, con của ai, xuất thân trong gia đình giàu hay nghèo,.. chính là những cái đã được định trước và bạn mãi mãi không bao giờ có thể thay đổi được. Còn tương lai của bạn như thế nào, bạn sẽ có cuộc sống giàu hay nghèo, công danh của bạn tốt hay xấu đều do chính bạn quyết định. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, bạn không cố gắng học tập, làm việc chăm chỉ, nghĩ cách làm cho bạn giàu lên, mà suốt ngày đổ lỗi cho số phận, suy nghĩ tiêu cực thì cuộc sống của bạn mãi nghèo khó. Và ngược lại, nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có, nhưng nếu bạn không tiêu xài đúng cách, không làm việc và phát triển tài sản thì đến một lúc nào đó bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Vì vậy, cho dù bạn có xuất phát điểm như thế nào đi nữa, thì hãy cứ suy nghĩ lạc quan, hãy sống có trách nhiệm, sống có mục tiêu và quyết tâm thực hiện mục tiêu đó thì chắc chắn bạn sẽ quyết định được số phận của mình theo như bạn mong muốn.



Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016

Bài diễn thuyết khiến cả Trung Quốc chấn động

Tình cờ đọc được phần trích dẫn bài diễn thuyết của thượng tướng Lưu Á Châu - Chính ủy ĐH Quốc phòng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bài diễn thuyết với cách viết và dẫn chứng thực tế, đơn giản đã phân tích khá sâu sắc và dễ hiểu về hệ tư tưởng cơ bản của xã hội Trung Quốc.
Bài diễn thuyết làm tôi khá bất ngờ, bởi tôi nghĩ rằng một vị tướng phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Hoa chắc hẳn phải có suy nghĩ, tư tưởng cứng nhắc, khuôn phép của quân đội với hệ tư tưởng chủ nghĩa dân tộc bá quyền.
Bài diễn thuyết thể hiện được kiến thức sâu rộng, tầm nhìn vượt thời gian của nhóm tinh anh trong bộ máy chính quyền Trung Hoa. Ông là một con người cách tân, có 1 cái nhìn đa chiều nhưng vẫn giữ được những điều cơ bản nhất của con người Trung Hoa. Đó là tư tưởng bá quyền, lãnh đạo thế giới. Nhưng không như các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc. Tướng Lưu Á Châu chọn con đường đến sự bá quyền tỏ ra khôn khéo hơn, mềm mỏng và không nóng vội.ông nhận ra được điểm mạnh, điểm yếu trong hệ tư tưởng của xã hội Trung Quốc. Ông nhận ra rằng, để Trung Quốc trở thành một siêu cường thì điều cốt lõi là phải nâng tầm hệ tư tưởng xa hội tương xứng với sự phát triển của cơ sở vật chất.Với hệ tư tưởng lỗi thời, mục nát thì không bao giờ Trung Quốc theo kịp được nước Mỹ. Ồng đã thẳng thắn nhận định: "Vũ khí tân tiến, công nghệ mới nhất, lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất thế giới nằm trong tay những người như thế rất phù hợp. [...] Cho dù nằm trong tay Trung Quốc, Trung Quốc có thể làm được gì cũng không biết chắc được".
Đọc xong bài viết này, tôi nhìn nhận lại mình và nhìn rộng ra xã hội Việt Nam. Hình như trong bài viết đâu đó xuất hiện xã hội Việt Nam trong đó. Hệ tư tưởng xã hội Việt Nam có lẽ còn kém hơn Trung Quốc, vì chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ văn hóa Trung Hoa. Vì thế, có lẽ mỗi người chúng ta, sau khi đọc xong bài diễn thuyết này cũng cố gắng thay đổi bản thân, phấn đấu phát triển trí tuệ đạo đức để xây dựng đất nước Việt Nam mình, chí ít cũng không để các nước khác bỏ quá xa.
Sau đây, tôi xin trích dẫn lại bài diễn thuyết của ông được đăng trên Soha.vn, để tôi và người cùng đọc để suy ngẫm, với hy vọng rằng nước Việt Nam chúng ta cũng sẽ có những người lãnh đạo tài ba đưa đất nước phát triển, sánh vai với các nước phát triển trên thế giới:

Tín niệm và đạo đức
Tôi là người kế thừa văn hóa Trung Quốc, cũng là người phê phán văn hóa Trung Quốc. Trong quá khứ, trước hết tôi là người kế thừa văn hóa Trung Quốc, sau đó mới là người phê phán. Hiện tại, tôi là người phê phán, sau mới là người kế thừa văn hóa Trung Quốc.
Lịch sử phương Tây là quá trình "bỏ ác theo thiện". Lịch sử Trung Quốc lại là quá trình "bỏ thiện theo ác".
Phương Tây cổ đại cấm đủ điều, chỉ có bản năng con người là không cấm. Trung Quốc cái gì cũng không cấm, chỉ cấm bản năng của con người.
Người phương Tây dám thể hiện chính mình và tư tưởng cá nhân, cũng dám "khoe" bản thân lõa thể. Người Trung Quốc chỉ biết "mặc quần áo". "Mặc quần áo" cho tư tưởng. Mặc quần áo dù sao cũng dễ hơn cởi quần áo.
Hegel nói: "Trung Quốc không có triết học." Tôi nhận định Trung Quốc hàng ngàn năm qua chưa từng sinh ra tư tưởng gia. Tư tưởng gia mà tôi nói tới, là những người có cống hiến trọng đại cho tiến trình văn minh nhân loại như Hegel, Socrates, Plato...
Lão Đam (Lão Tử) có phải là tư tưởng gia hay không? Chỉ dựa vào cuốn "Đạo đức kinh" 5.000 chữ có thể trở thành tư tưởng gia được không? Chưa kể tới "Đạo đức kinh" có vấn đề.
Khổng Tử có thể xem là tư tưởng gia chăng?
Hậu nhân chúng ta "kiểm duyệt" ông thế nào? Tác phẩm của ông chưa từng cung cấp cho người Trung Quốc một thể hệ giá trị quan về nội tâm có thể đối kháng được quyền lực thế tục. Cái ông đem lại là "tất cả xoay vòng quanh quyền lực".
Nếu như Nho học là tôn giáo, thì đó là "ngụy tôn giáo"; nếu là tín ngưỡng, thì đó là "ngụy tín ngưỡng"; còn nếu là triết học, thì đó là triết học của xã hội bị "quan trường hóa".
Xét từ ý nghĩa này, Nho học là có tội đối với người Trung Quốc. Trung Quốc không thể có tư tưởng gia mà chỉ có chiến lược gia. Xã hội Trung Quốc là một xã hội binh pháp. Dân tộc của chúng ta chỉ tôn sùng chiến lược gia.
Một nhân vật có sự nghiệp chẳng mấy thành công như Gia Cát Lượng lại được người ta hoài niệm. Ông không có hùng tâm tráng chí, dùng người cũng không đúng đắn. Có tư liệu còn chỉ rõ ông là kẻ lộng quyền.
Nhưng một người như thế lại được nâng lên tầm cao đáng giật mình. Đây cũng là một kiểu phản ánh tâm linh của dân tộc chúng ta.
Trong một hình thái xã hội như thế, có 3 loại hành vi trở nên phổ biến:
1. Ngụy biện
Con trai tôi năm nay (2010-PV) thi đỗ vào khoa báo chí một trường đại học. Khoa này là một trong những khoa báo chí xuất sắc nhất ở Trung Quốc. Tôi bèn bảo con trai đưa giáo trình để tôi xem. Xem xong tôi nói, thứ này không đáng để đọc.
Trong giáo trình có một khẳng định: Trung Quốc phát minh ra thuốc súng. Sau khi thuốc súng truyền tới châu Âu đã "phá vỡ những thành trì phong kiến thời Trung cổ" ở châu Âu.
Thật là nực cười, anh phát minh ra thuốc súng đi phá vỡ "thành trì phong kiến" của người ta, vậy thành trì của chính anh tại sao không bị phá? Ngược lại còn kiên cố hơn?
Khi thảo luận vấn đề Đài Loan tại ĐH Quốc phòng, có một quan điểm khá "ăn khách": Đài Loan là một "chiếc khóa". Nếu không giải quyết được vấn đề Đài Loan thì "chiếc khóa" sẽ chặn "cửa lớn" của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không có đường ra biển lớn.
Quan điểm này là ngụy biện. Tôi có thể phản bác lại trong một câu.
Tây Ban Nha sau khi trở thành cường quốc trên biển đã không hề chặn nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng trở thành cường quốc đại dương.
Eo biển Dover (Calais), Pháp chỉ cách lãnh thổ nước Anh 28 hải lý, Anh có ngăn cản Pháp trở thành cường quốc trên biển hay không?
Mấu chốt khiến Trung Quốc mất đi đại dương chính là các thế hệ thống trị trong lịch sử không có quan niệm "hải quyền".
2. Đối ngoại mềm mỏng, đối nội tàn nhẫn
Văn minh châu Âu và văn minh Trung Quốc gần như cất bước cùng nhau, nhưng châu Âu hình thành nhiều quốc gia nhỏ, trong khi Trung Quốc hình thành một đại đế quốc thống nhất.
Nói tới điều này, chúng ta thường cảm thấy vui mừng. Kỳ thực, việc châu Âu hình thành nhiều quốc gia chính là một cách thể hiện lục địa này có tự do tư tưởng.
Mặc dù bọn họ chia thành nhiều nước nhỏ, nhưng, ít nhiều những gì có liên quan tới văn minh nhân loại đã được sinh ra từ chính những quốc gia tách rời này.
Còn chúng ta làm được gì cho văn minh thế giới?
Thống nhất giang sơn chắc chắn có liên hệ tất yếu với thống nhất tư tưởng. Xã hội chiến lược là xã hội mang tính hướng nội. Tôi từng nghiên cứu kỹ lưỡng những khác biệt giữa Mỹ-Trung: Trung Quốc ở các sự vụ quốc tế về cơ bản là mềm mỏng, đối với sự vụ trong nước thì cứng rắn.
Nước Mỹ ngược lại, cứng rắn trong lĩnh vực sự vụ quốc tế, mềm mỏng ở các vấn đề quốc nội.
Tôi không nhớ tôi đọc được vấn đề này trong cuốn sách nào, nhưng có một kết luận: Đó là do bất đồng văn hóa quyết định. Văn hóa Trung Quốc là khép kín, hướng nội; văn hóa Mỹ là cởi mở, hướng ngoại.
Quan niệm "nhất thống" cũng là một tư tưởng theo kiểu hướng nội. Điều này giải thích vì sao chúng ta là "cừu" trước các thế lực ngoại xâm, nhưng lại là "sói" trước chính đồng bào của mình.
[...]
Người Trung Quốc muốn dân mình đánh mình, đó mới gọi là dũng mãnh!
3. Thấp hèn, thô tục
Tinh thần thấp hèn tất dẫn đến hành vi thấp hèn. Tinh thần cao quý sẽ đưa tới hành vi cao quý.
Khoảng 20 năm trước, ở khu tập thể tôi sống phát sinh một chuyện thế này: Một đôi vợ chồng đòi ly hôn. Ông chồng đưa "tình mới" về nhà, cãi cọ ầm ĩ. Bà vợ chạy lên nóc nhà định nhảy xuống.
Người vây xung quanh đứng xem rất đông. Có người hào hứng hét lên: "Nhảy đi! Nhảy đi!" Sau đó bà vợ được cảnh sát cứu xuống, những người xem thậm chí còn thấy tiếc nuối.
Tôi thở dài trở về nhà, bật tivi xem. Truyền hình đang phát một câu chuyện ở châu Âu. Tại nước nào đó, tôi nhớ mang máng là Hungary, 70 năm trước có một thợ mỏ trẻ tuổi chuẩn bị làm đám cưới.
Lần cuối cùng người này xuống mỏ trước hôn lễ, tai nạn sập hầm xảy ra khiến anh ra đi mãi mãi. Cô dâu không tin người mình yêu đã ra đi nên mỏi mòn chờ đợi suốt 70 năm.
Gần đây người ta tu sửa lại hầm mỏ đã phát hiện ra một thi thể chính là chú rể khi trước. Do trong hầm không có không khí, thi thể chú rể lại ngâm trong nước chứa khoáng chất nên vẫn giữa được sự trẻ trung như 70 năm trước. Còn cô dâu khi ấy đã trở thành một bà lão tóc bạc trắng.
Bà ôm thi thể người yêu khóc thảm thiết và đưa ra quyết định tiếp tục hoàn thành hôn lễ.
Đó là một cảnh tượng chấn động lòng người: Tân nương 80 tuổi trong bộ váy cưới trang trọng màu trắng, tóc bà cũng trắng như tuyết. Người yêu của bà, vẫn trẻ trung như vậy, được đặt nằm trong cỗ xe ngựa.
Hôn lễ và tang lễ cử hành đồng thời, khiến bao người phải rơi nước mắt.
Sự kiện dễ dàng khảo nghiệm tiêu chuẩn đạo đức của dân tộc chúng ta nhất chính là sự kiện 11/9 ở Mỹ. Vụ 11/9 dù không thay đổi thế giới, nhưng đã thay đổi nước Mỹ. Đồng thời, thế giới cũng rất khó quay trở về thời điểm "trước 11/9".
Khi vụ khủng bố trên xảy ra, ở đất nước chúng ta, ít nhất là trong một khoảng thời gian, một bầu không khí "kém lành mạnh" lan tỏa khắp nơi.
Tối 12/9, có người gọi điện cho tôi nói rằng, sinh viên trường ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa đang "khua chiêng gõ trống".
Tôi nói đội tuyển bóng đá Trung Quốc ngày 7/10 mới thi đấu. Đó là trận cuối cùng gặp Các tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE), nếu thắng sẽ lọt vào vòng chung kết World Cup.
Một lúc sau tôi mới biết thì ra các sinh viên Trung Quốc đang ăn mừng tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại Manhattan bị máy bay khủng bố đâm vào.
Trung Quốc có một đoàn đại biểu nhà báo, khi ấy đang làm việc tại Mỹ. Khi nhìn thấy tháp đôi bị đâm trúng, nhóm ký giả này không đừng được đã vỗ tay hoan hô.
Đây là một dạng thẩm thấu văn hóa. Không thể chỉ trích bọn họ vì hành động như vậy, bởi bản thân họ đã không thể tự kiểm soát được bản thân nữa. Kết quả nhóm này bị Mỹ tuyên bố "vĩnh viễn không hoan nghênh".
Tôi ở Không quân Bắc Kinh, mấy ngày ấy có nhiều người trong bộ đội tới thăm, tôi đều hỏi cách nhìn của họ về sự kiện 11/9. Tất cả đều nói: "Nổ rất hay".
Về sau tôi mới nói, đó là điều đáng buồn. Nếu những người như thế yêu Trung Quốc, vậy Trung Quốc còn cứu được không? Truyền thông thì không cần nhắc tới, vì nơi không có thời sự nhất ở Trung Quốc chính là trên mặt báo.
Năm 1997, công nương Diana qua đời trong vụ tai nạn giao thông. Bạn không cần biết Diana là người thế nào, Hoàng gia Anh ra sao, nhưng chí ít nhân vật này có "giá trị thời sự". Các tờ báo lớn trên thế giới đều đăng thông tin đó trên trang nhất, chỉ có báo Trung Quốc không đăng.
Ngày hôm đó, dòng tít lớn nhất trên báo chí Trung Quốc là "Các trường trung học, tiểu học ở Bắc Kinh khai giảng". Bài báo này chẳng khác đưa tin "Ngày hôm nay người dân Bắc Kinh ăn cơm" là mấy, giá trị chỉ có vậy.
Tối ngày thứ hai sau vụ 11/9, tôi xem chuyên mục "Phỏng vấn tiêu điểm" trên truyền hình với hy vọng được nghe một số bình luận về sự kiện này. Kết cục, chương trình tối hôm đó nói về... tăng cường tự thân xây dựng chi bộ đảng ở nông thôn như thế nào.
Anh muốn xem gì? Đều không có. Cái anh không muốn nghe thì nhất định nói cho anh nghe. "Những cái miệng quốc gia" (các MC nổi tiếng-PV) đương nhiên không có tội tình gì.
Bao người thiệt mạng trong vụ 11/9 đều là vô tội. Thứ mất đi là sinh mạng, điều tôn nghiêm nhất trên thế giới. Bản thân những sinh mạng này không liên quan gì tới chính phủ Mỹ.
Chúng ta đối đãi với người khác bằng thái độ như vậy, nhưng người ta không dùng thái độ đó đối xử với chúng ta. Đối chiếu rõ ràng nhất chính là vụ thảm án Dover.
Năm đó, một nhóm người Phúc Kiến trốn trong xe chở động vật từ eo biển Dover vượt biên vào Anh. Do bị thiếu không khí vì phải ở trong xe kín vài chục giờ đồng hồ, đa số đều bị ngạt chết, chỉ còn 2 người sống sót.
Sau khi vụ việc bung bét, Đại sứ quán Trung Quốc không có lấy một người ra mặt. Cuối cùng, người dân Anh ở Dover phải đứng ra cử hành đám tang và truy điệu những người thiệt mạng.
Rất nhiều trẻ em đã tới tham gia, trong tay chúng cầm đồ chơi do Trung Quốc sản xuất. Nhân tiện nhắc tới, trên thế giới hiện nay có tới 90% đồ chơi là "Made in China".
Phóng viên hỏi các em nhỏ: "Vì sao tới tham gia lễ truy điệu?", đám trẻ trả lời rằng: "Vì bọn họ cũng là người, đồ chơi mà chúng cháu cầm trong tay có thể do một trong số họ góp phần làm ra". Trong cả lễ truy điệu ấy không có một người Trung Quốc nào.
Thế nào gọi là văn minh, thế nào là không văn minh? Tôi vẫn đang suy nghĩ.
Hình ảnh trong vụ khủng bố New York 11/9/2001
Hình ảnh trong vụ khủng bố New York 11/9/2001
Khen ngợi khủng bố mới thực sự là khủng bố
Văn hóa Trung Quốc giáo dục ra người Trung Quốc. Đầu tiên, xem nhẹ tính mạng của bản thân thì mới coi người khác và tính mạng của họ như trò đùa. Tự thân không có quyền lực để quý trọng sinh mạng của mình, cũng không cho phép người khác có.
Lỗ Tấn từng phê phán tâm thái bàng quan cũng được "luyện" thành từ đó. Người Trung Quốc thấy người khác bị giết, không ai không hào hứng kích động.
Giai cấp thống trị cũng cố tình đưa người ra giữa đám đông để hành hình. Giai cấp bị trị thì hưởng thụ cảm giác "hưng phấn" của nhà thống trị trong đám đông.
Đặc biệt là khi phạm nhân bị xử tử bằng lăng trì, người xem đông "như rừng như biển" suốt 3 ngày 3 đêm. Ngay cả quán sá cũng mang ra đó mở hàng, đao phủ tay còn nhuốm máu vẫn cầm bánh bao rao bán.
Ngày nay không còn lăng trì nữa, nhưng thói quen "xét xử giữa công chúng" vẫn còn.
Ngày xưa người dân đi xem xử tử Đàm Tự Đồng và nhóm Lục quân tử (sự kiện Mậu Tuất biến pháp 1898-PV) như trẩy hội thì làm sao trận Giáp Ngọ (1894) không thất bại?
Còn hậu duệ của bọn họ thì thế nào? [...]
Anh thực hiện được "4 hiện đại hóa" thì có tác dụng gì? Buổi sáng tôi thường xem tivi trong khi tập thể dục. Sản phẩm "chạy" nhất trong tiết mục quảng cáo của Thời sự Buổi sáng là gì? Cửa chống trộm.
Đó là bi kịch của một dân tộc. Chúng ta sống như ở trong lồng. Khi tôi sống tại Thành Đô thì ở trong căn hộ của mấy đời Chính ủy Không quân trước đó.
Vừa vào nhà nhìn qua thì, trời ơi, như ở trong ngục vậy! Cửa sổ và ban công đều được lắp các tấm lưới chống trộm. Tôi cho bỏ hết.
Gần đây có một cuốn sách tiêu đề "Trung Quốc có thể nói 'Không'". Tôi nói, đúng là anh có thể nói "không", nhưng anh nói khi đứng sau cánh cửa chống trộm. Đó không phải là dũng cảm, mà là yếu hèn.
Kiều Lương (Thiếu tướng, tác giả quân đội nổi tiếng Trung Quốc-PV) nói rất hay: "Những người ái quốc mà đến trông thấy phường trộm cắp chó gà còn phải tránh đường để đi, lại có hào khí can đảm nói 'không' với các cường quốc phương xa!"
Cần nhìn nhận nước Mỹ khách quan, toàn diện
Mỹ là quốc gia như thế nào?
Trước đây tôi từng nghe một câu mô tả: Những gì tốt nhất và tồi tệ nhất trên thế giới cộng lại chính là New York. Dùng câu này để nói về nước Mỹ ngày nay phải chăng cũng phù hợp?
Thế hệ quân nhân chúng ta là những quân nhân gánh vác hy vọng tương lai của đất nước. Không thể làm "phái thân Mỹ", nhưng cũng không thể đơn giản là "phái chống Mỹ", mà phải là "phái hiểu Mỹ" thành thục.
Biết đối thủ mới chiến thắng được đối thủ. Hạ thấp đối thủ chính là hạ thấp bản thân. Thác Bạt Hoành (Hiếu Văn Đế triều Bắc Ngụy-PV) đổi tên nước Nhu Nhiên thành Nhu Nhu, ý là "sâu bọ", rồi ông bị chính Nhu Nhiên đánh bại, khác nào "không bằng cả sâu bọ".
Mỹ không mong Trung Quốc hùng mạnh, cũng giống như Trung Quốc không hy vọng Mỹ "xưng bá". Quan hệ Mỹ-Trung có xung đột, nhưng cũng có lợi ích chung nhất định.
Làm thế nào để hóa giải xung đột, phát triển lợi ích chung mới là điều mà các nhà ngoại giao Trung Quốc cần phải nỗ lực thực hiện.
Trung Quốc muốn phát triển thì không được đoạn tuyệt giao lưu với thế giới. Thế giới hiện tại vẫn là đơn cực. Chỉ có Mỹ suy yếu mới xuất hiện thế giới đa cực. Chúng ta không thể đoạn tuyệt với Mỹ, cũng không thể ôm kỳ vọng lớn vào Mỹ.
Hiện tại không phải là thời cơ thích hợp nhất để đối đầu với Mỹ. Lợi ích quốc gia phải là chuẩn mực cao nhất cho hành động của chúng ta.
Chúng ta cần nhẫn nại. Nhẫn nại không phải là mềm yếu. Chỉ có khuất phục mới là mềm yếu.
Mỹ đương nhiên không muốn Trung Quốc trỗi dậy, không muốn kinh tế Trung Quốc đi lên. Nhưng chúng ta cần nhớ: Đấu tranh với đối thủ thì anh nhất định phải cho đối phương chứng kiến cục diện mà họ không muốn thấy nhất.
Người Mỹ hy vọng người Trung Quốc nội chiến thì chúng ta đã nội chiến thật. Mỹ không "cười lăn cười bò" mới lạ. Đương nhiên, nếu chỉ "nằm gai nếm mật, nhẫn nại chờ thời" thì cũng không được.
Trung Quốc trong vai trò nước lớn có thể giống như một võ hiệp thời cổ đại, giấu mình trong thâm sơn cùng cốc tu luyện võ công, đợi ngày "quyết chiến" với kẻ địch hay không?
Với nguồn tài nguyên và dân số, cùng với văn hóa của Trung Quốc, Trung Quốc không có khả năng hùng mạnh như Mỹ, chưa kể nước Mỹ vẫn đang tiến lên không ngừng.
Vẫn là Mao Trạch Đông nói đúng: "Đánh vẫn phải đánh, đàm vẫn phải đàm, hòa vẫn phải hòa."
Con người cần phải mưu trí. Đấu tranh về ngoại giao càng cần mưu trí. Phải "dắt mũi" được người khác chứ không phải bị người ta "dắt mũi".
Khrushchyov (cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô-PV) chính là một người mưu trí. Trong một lần đại hội, Khrushchyov "to gan" phê phán Stalin.
Có người đưa vụ việc lên báo chất vấn Khrushchyov rằng ông cũng là một nhân vật trong nhóm quyền lực cốt lõi thời Stalin cầm quyền, vậy tại sao không đứng ra phê phán từ thời đó?
Đáp lại, Khrushchyov đọc to câu hỏi một lần, sau đó hô lên trước đám đông: "Là ai đã gửi câu hỏi này? Hãy đứng ra đây!..." Ở phía dưới xao động một hồi nhưng không có ai bước ra.
Khrushchyov bèn nói: "Các anh xem, trong tình hình dân chủ, không cần e sợ như thế này mà đồng chí gửi câu hỏi còn không dám đứng ra, vậy trong bầu không khí thời kỳ Stalin, có ai dám đứng lên phê phán ông ấy?"
Cả hội trường liền vỗ tay.
Trong cuộc đấu với nước Mỹ, chúng ta cần có mưu trí như Khrushchyov. Khi cần ẩn nhẫn thì ẩn nhẫn. Giống như Đặng Tiểu Bình từng nói với Thủ tướng Canada Pierre Trudeau:
"Taoguangyanghui (chiến lược ngoại giao 'ẩn nhẫn' của ông Đặng-PV) mà chúng tôi nói đến, bao gồm bất chấp thể diện cũng phải duy trì quan hệ với quốc gia phát triển nhất trên thế giới."
Đại ý của Đặng Tiểu Bình là, Trung Quốc nhất định phải "đồng bước" cùng văn minh thế giới, không được xa rời văn minh thế giới. Khi cần đấu tranh thì quyết không nhượng bộ.
Sùng bái Mỹ là không đúng, thân Mỹ không đúng và ghét Mỹ cũng không đúng.
Chính phủ Mỹ, các chính khách và người dân Mỹ có điểm tương đồng, cũng có khác biệt. Anh phải có trí tuệ cao độ để phân biệt điều đó.
Trong quá khứ, nhân dân Mỹ giúp Trung Quốc thoát ách thực dân, cống hiến to lớn đưa xã hội Trung Quốc tiến bộ. Giữa hai nước không có xung đột về lợi ích căn bản.
Ngày nay, lợi ích quốc gia của Mỹ trải khắp toàn cầu, giữa hai nước đã có xung đột nảy sinh. Nhưng chúng ta vẫn phải dùng tâm thế đạo đức để đánh giá sự vật, không được kích động.
[...]
Một lính cứu hỏa sử dụng thiết bị ảnh nhiệt để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong buổi sáng ngày 12/9/2001, khoảng 24 giờ sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Một lính cứu hỏa sử dụng thiết bị ảnh nhiệt để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong buổi sáng ngày 12/9/2001, khoảng 24 giờ sau khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC).
Điểm đáng sợ thực sự của nước Mỹ ở đâu?
Mặc dù Mỹ có quân đội hùng mạnh nhất thế giới, công nghệ tiên tiến nhất, nhưng tôi cho rằng điều này không đáng sợ. Nghe nói máy bay tàng hình của họ bay qua Trung Quốc rất tự do, nhưng điều đó cũng không có gì đáng ngại.
Những điều đáng sợ của Mỹ không nằm trong số đó.
Năm 1972, tôi theo học ĐH Vũ Hán. Trong tiết chính trị, một thầy giáo giảng rằng: "Mỹ là đại diện cho các nước tư bản chủ nghĩa 'giãy chết', giống như Mặt trời xuống núi, hơi thở đã rất yếu ớt."
Tôi - một sinh viên công-nông-binh trang bị "tận răng" - lập tức phản bác: "Thưa thầy, em cảm thấy thầy nói không đúng.
Nước Mỹ dù không giống như Trung Quốc - là Mặt trời mọc đằng Đông lúc 8, 9 giờ sáng, nhưng họ cũng không phải là hoàng hôn, mà là Mặt trời giữa trưa."
Câu nói của tôi làm thấy giáo giận tím mặt nói: "Em dám nói những lời như vậy ư!"
Thầy giáo không hỏi tôi vì sao trả lời như vậy, nhưng đã dùng ngay một chữ "dám". Tâm lý ở trong đó rất dễ dàng đoán định.
Chính "quốc gia tư bản chủ nghĩa 'giãy chết'" đã lãnh đạo cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới của thế giới thập niên 1990 của thế kỷ trước.
Khi tôi tốt nghiệp đại học cũng là lúc Trung Quốc cải cách mở cửa. Tôi lại có một quan điểm: Mỹ là quốc gia do hàng nghìn hàng vạn người không yêu tổ quốc của chính mình tập hợp thành, nhưng bọn họ đều yêu nước Mỹ.
Vào thời đó rất nhiều lãnh đạo một mặt thì mắng Mỹ, nhưng mặt khác lại đưa con cái sang Mỹ học hành. Sự khác biệt rất lớn!
Vậy, điểm đáng sợ của Mỹ là gì? Cá nhân tôi cảm thấy có 3 điểm:
1. Giới tinh anh của Mỹ không thể xem thường
Chế độ cán bộ và cơ chế tranh cử của Mỹ cho phép bảo đảm những nhà quyết sách của nước này là nhóm tinh anh.
Bi kịch của Trung Quốc, từ lớn như quốc gia cho tới nhỏ như từng cơ quan thì tình trạng phổ biến là, người có tư tưởng không quyết sách, người quyết sách không có tư tưởng. Người có đầu óc thì không có chức quyền, có chức quyền thì không đầu óc.
Mỹ thì ngược lại, hệ thống hình tháp của họ vừa hay phù hợp để "nâng" giới tinh hoa lên cao.
Vì vậy, thứ nhất, Mỹ không phạm sai lầm. Thứ hai, Mỹ ít phạm sai lầm. Thứ ba, nếu phạm sai lầm Mỹ cũng nhanh chóng sửa đổi.
Chúng ta phạm sai lầm, đó là thứ nhất. Thứ hai, thường xuyên phạm sai lầm. Thứ ba, phạm sai lầm rồi rất khó sửa sai.
[...]
Đối với một dân tộc hùng mạnh mà nói, tầm quan trọng của lãnh thổ đã giảm xuống, thay vào đó là theo đuổi "quốc thế" (vị thế quốc gia-PV).
Người Mỹ không có yêu sách về lãnh thổ đối với bất kỳ quốc gia nào. Họ không quan tâm tới lãnh thổ, những gì Mỹ làm trong toàn bộ thế kỷ XX là tạo dựng vị thế.
Thế nào gọi là "tạo thế"? Bên cạnh kinh tế lớn mạnh chính là lòng dân! Có lòng dân thì quốc gia sẽ có sức "ngưng tụ", mất đi lãnh thổ cũng có thể lấy về. Không có lòng dân thì anh có lãnh thổ cũng sẽ để mất.
Nhiều lãnh đạo quốc gia chỉ nhìn 1 bước. Nước Mỹ hành động thường tính trước 10 bước.
Chính vì như vậy, mỗi một sự kiện trọng đại trên thế giới kể từ sau Thế chiến II đều làm gia tăng vị thế của nước Mỹ. Nếu chúng ta để họ "dắt mũi" thì rất có khả năng sẽ đánh mất tất cả "vốn liếng" chiến lược.
Trọng tâm chiến lược của Mỹ sẽ không chuyển dịch sang châu Á, nhưng không có nghĩa là họ không bao vây Trung Quốc.
Rất nhiều người chỉ nhìn vào Mỹ bao vây Trung Quốc về quân sự, cũng như chỉ nhìn thấy chênh lệch giữa Mỹ-Trung về công nghệ và vũ khí mà không thấy được ở tầm chiến lược, đặc biệt là sự mất cân bằng ở bình diện ngoại giao còn nghiêm trọng hơn cả tụt hậu về khí tài.
Việc ngoại giao của Trung Quốc đối với Mỹ, hoặc là có hình thức mà không có giới hạn, hoặc là có chi tiết mà không có toàn cục.
Sau sự kiện 11/9, Mỹ tấn công Afghanistan trong vòng 2 tháng, áp sát Trung Quốc từ phía Tây. Áp lực quân sự từ Nhật Bản,[...], Ấn Độ cũng không giảm.
Nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc giành được một số lợi ích từ vụ 11/9, nhưng những lợi ích này có thể sẽ biến mất chỉ sau 1,2 năm nữa.
Tôi nhận định sự bao vây chiến lược đối với Trung Quốc là một dạng khác, không phải quân sự mà vượt qua quân sự.
Những năm gần đây, các quốc gia xung quanh chúng ta đều lần lượt cải cách chế độ xã hội, [...]. Nga, Mông Cổ đã thay đổi; Kazakhstan cũng vậy, bên cạnh các quốc gia đi trước là Hàn Quốc, Philippines, Indonesia...
Mối đe dọa này đối với Trung Quốc còn nguy hiểm hơn đe dọa quân sự. Đe dọa về quân sự chỉ là hiệu ứng trong thời gian ngắn, trong khi sự bao vây bởi các quốc gia "dân chủ" như trên mới là ảnh hưởng dài hạn.
2. Nước Mỹ khoan dung và rộng lượng
Bạn nên tới châu Âu trước rồi qua Mỹ. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt lớn: Buổi sáng tại châu Âu trên phố hầu như không có người, trong khi đường phố ở Mỹ có rất nhiều người tập thể dục, thậm chí cả ngày đều như vậy.
Tôi có một nhận định: Rèn luyện là một loại phẩm chất. Rèn luyện thân thể đại diện cho một dạng văn hóa cầu tiến. Muốn biết một quốc gia có mạnh mẽ hay không thì nhìn vào số lượng người tập luyện thể dục là rõ.
Người Mỹ có thể lấy quốc kỳ làm quần để mặc lên người. Tôi cũng mua một chiếc như vậy ở Mỹ và mặc thường xuyên.
Tôi mặc nó là để kỳ thị nó, để trút giận, giống như một dạng giải tỏa và thỏa mãn về tâm lý. Người Mỹ mặc nó là một kiểu chế giễu, nhưng bản chất khác nhau.
Người Mỹ có thể đốt quốc kỳ của họ giữa đường phố. Đới Húc (Đại tá không quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác và an ninh hải dương Trung Quốc, bạn của tác giả-PV) nói: "Nếu một quốc gia ngay cả quốc kỳ của mình cũng tự đốt được, thì anh còn lý do gì để đốt quốc kỳ của họ?"
3. Sức mạnh vĩ đại của tinh thần và đạo đức
Đây là điều đáng sợ nhất.
Sự kiện 11/9 là một thảm họa. Khi thảm họa ập đến, thứ đầu tiên gục ngã là thân thể, nhưng cái đứng vững là linh hồn. Có những dân tộc khi gặp tai họa, thân thể chưa đổ nhưng linh hồn đã tiêu biến.
Trong sự kiện 11/9 phát sinh 3 sự việc đều cho phép chúng ta nhìn thấy sức mạnh của người Mỹ.
Thứ nhất, sau khi phần đỉnh tòa nhà WTC bị máy bay đâm vào, khói lửa bốc lên, tình hình vô cùng nguy cấp. Mọi người thông qua lối thoát hiểm để ra ngoài nhưng không quá hoảng loạn.
Mọi người đi xuống, nhân viên cứu hỏa xông lên; đôi bên nhường đường cho nhau, không ai đâm vào ai. Khi có phụ nữ, trẻ em, người mù tới, mọi người tự giác nhường lối cho họ đi trước. Thậm chí một chú chó cũng được nhường lối đi.
Nếu tinh thần của một dân tộc không mạnh mẽ đạt tới trình độ nào đó thì họ tuyệt nhiên không thể có những hành động như thế. Đối diện với tử vong vẫn bình tĩnh như vậy, nếu không phải là thánh nhân thì cũng tiệm cận với thánh nhân rồi.
Chuyện thứ hai, ngày tiếp theo sau vụ 11/9, thế giới đã biết đây là hành động của các phần tử khủng bố Ả-Rập. Rất nhiều siêu thị, nhà hàng của người Ả-Rập bị những người Mỹ phẫn nộ đập phá. Các thương nhân người Ả-Rập cũng bị tấn công.
Trong thời khắc đó, một nhóm người Mỹ đã tập hợp lại và tới các siêu thị, nhà hàng của người Ả-Rập để đứng gác, đến các khu dân cư của người Ả-Rập đi tuần, ngăn chặn bi kịch leo thang.
Đây là một tinh thần như thế nào? Trung Quốc tự cổ đã có truyền thống báo thù. Tôi sống ở Thành Đô. Đặng Ngải (tướng Ngụy thời Tam Quốc-PV) phá Thành Đô xong, con trai Bàng Đức (tướng Ngụy-PV) đem nam phụ lão ấu cả nhà Quan Vũ giết sạch.
Những cuộc báo thù tanh máu không hiếm trong lịch sử Trung Quốc.
Chuyện thứ ba, chiếc máy bay Boeing 767 rơi xuống Pennsylvania vốn dĩ có mục tiêu là Nhà Trắng, sau đó hành khách trên máy bay chống trả bọn khủng bố mới làm máy bay rơi xuống. Bởi thời điểm đó bọn họ đã biết tin tòa nhà WTC và Lầu Năm Góc bị máy bay đâm vào.
Các hành khác đã nhanh chóng quyết định, không thể không làm gì mà phải quyết tử với khủng bố. Cho dù là trong tình thế như vậy, họ vẫn làm một việc: Bỏ phiếu thông qua việc "liều chết" với những tên khủng bố.
Vào thời khắc sinh tử cũng không áp đặt ý chí của mình lên người khác. Sau đó tập thể đồng tình, họ mới hành động. Thế nào gọi là dân chủ, đây chính là dân chủ.
Tư tưởng của dân chủ đã ăn sâu vào sinh mạng, huyết mạch, cốt tủy của họ. Một dân tộc như thế, họ không cường thịnh thì ai cường thịnh; một dân tộc như thế, họ không thống trị thế giới thì ai thống trị thế giới.
Ngày 11/9/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle thăm lại địa điểm mà chuyến bay số hiệu 93 đâm xuống Pennsylvania nhân hoạt động tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố.
Ngày 11/9/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân Michelle thăm lại địa điểm mà chuyến bay số hiệu 93 đâm xuống Pennsylvania nhân hoạt động tưởng niệm 10 năm vụ khủng bố.
Tôi thường suy tư rằng: Vũ khí tân tiến, công nghệ mới nhất, lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất thế giới nằm trong tay những người như thế rất phù hợp. [...] Cho dù nằm trong tay Trung Quốc, Trung Quốc có thể làm được gì cũng không biết chắc được.
Nước Mỹ có nhiều kinh nghiệm thành công đáng để chúng ta tham khảo, học hỏi. Sau vụ 11/9, Mỹ không thành lập "Ủy ban 11/9", cũng không thành lập bộ chỉ huy khẩn cấp gì đó.
Tôi rất phản đối những điều không thực tế. Sau khi tôi tới Không quân Thành Đô, hoặc là không họp, hoặc là ít họp. Những cuộc họp không thể tránh thì họp nhanh. Việc đầu tiên tôi làm là thay đổi "học tập Thường ủy" thành tự học. Cầm văn bản đọc thì gọi gì là học!
Tôi đấu tranh với thế lực thủ cựu. Sức lực cá nhân tôi có hạn nhưng không thể không đấu tranh, cho dù sứt đầu mẻ trán cũng không nản.
Ví dụ, thường ở trong bộ đội tôi không ăn cơm. Ngày nào về nhà được thì tôi mang theo lương khô chứ không ăn trong quân. Tôi tới sư đoàn 33, ở Không quân Bắc Kinh cũng như vậy. Nếu không thể không ăn thì tôi ăn đơn giản.
Dù nói rằng uống nửa lít rượu không đổ được hồng kỳ, ăn một bữa cơm không sập được giang sơn. Nhưng cái gì nhiều quá, lãng phí quá, để tích tiểu thành đại thì rất khó nói.
Khi nghiên cứu nước Mỹ, chúng ta nên nắm chắc nội hàm của nó. Không được chỉ nhìn những cái nhỏ, mà phải xem cái lớn.
Có một câu nói hay: Thường nghị luận khuyết điểm của người khác thì bạn là kẻ dưới đáy chuẩn mực đạo đức; thường nghị luận khuyết điểm của nhân loại thì bạn chính là tư tưởng gia.
Lời kết
Qua bài diễn thuyết 3 tiếng đồng hồ ngày hôm nay, mục tiêu mà tôi theo đuổi là sự giải phóng con người. Nếu nói rằng tôi đến đây để gặp gỡ mọi người thì không bằng nói rằng mọi người tới để "nhận biết" tôi.
Tôi đã rất phóng khoáng trao gửi "toàn bộ bản thân" cho các bạn, tôi thể hiện tư tưởng cá nhân trước các bạn. Đặc biệt, những điều tôi nói về phương Tây, về nước Mỹ cũng không tách rời chủ đề cuộc thảo luận này.
Có 2 điều tôi muốn bổ sung. Thứ nhất, tôi là một người trung thành với chủ nghĩa dân tộc. Mọi điều tôi nói ra đều vì cái tốt cho quốc gia, dân tộc.
Trong bất cứ tình huống nào, tôi cũng xem lợi ích dân tộc là tối cao. Vì điều đó, tôi chấp nhận đổ máu, sứt đầu mẻ trán. Trong đầu tôi vẫn thường hiện lên cảnh tượng trong chiến tranh Triều Tiên:
Mùa đông năm 1951, đơn vị của cha tôi tấn công quân Mỹ. Do vũ khí thua kém Mỹ nên buộc phải mai phục trong đêm tại vị trí gần quân địch nhất. Một liên đội yên lặng chờ đợi cả một đêm.
Đêm đó trời đổ tuyết lớn, lạnh vô cùng. Lúc trời sáng, còi hiệu xung phong vang lên, nhưng hơn 100 chiến sĩ mai phục ở đó không có một ai đứng dậy. Tất cả bọn họ đã chết vì lạnh.
Cho đến chết họ vẫn giữ đội hình chiến đấu. Về sau Chủ tịch Mao khi nghe báo cáo, ông lập tức bỏ mũ, đứng dậy rất lâu không nói gì.
Chiến tranh biên giới Trung-Ấn 1962, máy bay Trung Quốc tiêu diệt một đơn vị của Ấn Độ. Đơn vị này ngày xưa từng thuộc biên chế quân đội Anh, tham gia cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ 2, hỏa thiêu Viên Minh Viên.
Chủ tịch Mao nhận tin qua điện thoại, đập bàn đứng dậy, nói: "Quốc nhục trăm năm!"
Đồng thời, mọi người cũng nên nhận thấy, tình hình Trung Quốc so với phương Tây không giống nhau.
Có những việc mặc dù nhìn thấy rồi, nhưng lại không thể dễ dàng đạt được. Cũng có những việc còn chưa nhìn thấy. Có những khác biệt về quan niệm chỉ có thời gian qua đi mới rút ngắn khoảng cách được.
Lần đầu tiên gặp gỡ các cán bộ cấp doanh trở lên ở căn cứ Côn Minh, tôi đã vô cùng thẳng thắn, mạnh dạn nói nhiều như vậy. Đó là những thành quả nghiên cứu của tôi. Tôi chịu trách nhiệm với phát biểu của mình.
Chỗ nào nói đúng, các vị hãy ghi nhớ lấy; còn chỗ nào nói sai, mọi người hãy "vào tai này lọt tai kia", xem như chưa nghe thấy.
Mỗi con người là một cá thể, mỗi cá thể đều được tự do. Tôi không thể áp đặt tư tưởng của mình lên mọi người. Tôi cũng không thể yêu cầu tư tưởng của mọi người phải thống nhất đến một tư tưởng nào đó. Đó là điều không thể.
Thế nhưng chúng ta lúc nào cũng muốn theo đuổi mục tiêu này. Đó là điều hết sức mơ hồ, trên thực tế không thể thực hiện được.

Nguồn:http://soha.vn/quoc-te/bai-dien-thuyet-khien-ca-trung-quoc-chan-dong-20150915141641901.htm