Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Nghệ thuật đi bộ với con gái 😬😬😬

Nhiều bạn nam bây giờ không để ý đến việc đi bộ, và cũng ít khi đi bộ đi dạo. Nên không hiểu được tầm quan trọng của đi bộ và chưa có cách đi bộ đúng cách, nhất là đi bộ với con gái. Với mình, trải qua nhiều bài học đã rút ra được nghệ thuật đi bộ với con gái tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng quan trọng.
1. Tốc độ đi
Hồi năm nhất đại học, có một kỷ niệm mà mình sẽ không bao giờ quên với một bạn nữ. Còn chắc bạn ý không còn nhớ nữa đâu :3
Hôm đó là buổi trưa, đi học ca chiều. Sau khi chơi ở nhà thằng bạn xong thì mình đi học, ra đầu ngõ gặp bạn nữ cùng khoa, nên đi cùng luôn. Mình 1 thằng từ vùng quê gió lào nắng cháy, ra đường thì cứ thế mà đi cho nhanh, không thì nắng nó nướng thành than, nên cứ thói quen thế mà thi triển bộ pháp "lăng ba vi bộ" thôi. Đi 1 đoạn, bạn nữ tụt lại phía sau, chắc ko đi kịp. Bạn ý gọi "Tân ơi, đợi tớ với, tớ bảo cái này".
Mình dừng lại: "Bảo gì thế?"
Bạn ý: "Cậu chưa đi bộ với con gái bao giờ đúng không? Đi gì mà nhanh thế, tớ đuổi không kịp, đi với con gái thì đi chậm thôi chứ"
Bài học rút ra: Đi với con gái thì đi chậm thôi, đi chậm vừa tình cảm, chém được nhiều, mà con gái nó không mệt :v
2. Cách băng qua đường.
Năm 2010, cái hồi sinh viên, đi chơi với bạn gái toàn mò ra công viên, ra khuôn viên các trường để tâm sự (khoái nhất cái khuôn viên khoa Pháp của trường đại học Quốc gia :3 ).
Hôm đó, 2 đưa băng qua đường, mình cũng có để ý đâu. Cứ qua đường theo bản năng thôi. Chỗ nào an toàn thì mình đi.
Qua đến nơi, em người yêu nhẹ nhàng bảo "anh qua đường chả che cho em gì cả, toàn nấp sau em. Đi với em hoặc các bạn nữ thì anh phải che cho các bạn ý chứ"
Mình chỉ biết nói: "Anh xin lỗi, tại anh mới yêu lần đầu anh chưa có kinh nghiệm. Anh xin rút kinh nghiệm lần sau."
Người yêu mình cười rồi bảo "anh nhớ đấy. Mà lần sau, anh cứ đi bên phải em, em sẽ khoác tay anh đi cho tình cảm nhé <3"
Hồi tưởng lại mà, cảm động rớt nước mắt :'(
Bài học rút ra: Đàn ông con trai, băng qua đường là phải che cho con gái. Mấy cái việc cỏn con này mà không làm được thì làm gì cho đời!
P/s: Ảnh chụp bằng Nokia 6300 ảo diệu quá, nay tự nhiên moi ra được cái ảnh này :)))

"Cá không ăn muối cá ươn"

Còn nhớ:
1. Lớp 7, mẹ mắng mình: "con nhà người ta học vừa giỏi, vừa kiếm cỏ cho trâu. Mi thì chỉ biết nghịch, không được tích sự chi cả!"
Mình cãi: "mẹ nói coi con nhà ai mẹ thấy hơn con, con qua nhà người ta ở, cho con nhà người ta về ở với mẹ"
Mẹ: ?!!!!
=> Giờ nghĩ lại thấy: Con nhà người ta nhiều đứa giỏi thật, mình chả là cái gì. Công nhận mẹ nói đúng!


2. Cuối năm lớp 12, làm hồ sơ thi đại học. Cha gọi lên nhà bảo: "Mi làm hồ sơ vô trường mô học xong ra có nghề luôn thì học, người ta không tuyển thì về tự mình làm được mà ăn. Thi trường nông nghiệp hay kỹ sư chi đó."
Mình cãi: "Nhà ta mấy đời từ trước giờ toàn dính đến 2 từ nông nghiệp, con nỏ muốn dính đến nông nghiệp nữa. Con làm hồ sơ thi thương mại rồi."
Cha: ?!!!
=> Giờ nghĩ lại, thấy: Code không biết viết, sửa chữa máy móc không. Làm nhân viên kinh doanh không ổn. Công nhận cha nói đúng, hồi đó thi nông nghiệp có khi về quê làm trang trại nuôi gà, lấy vợ rồi không 

:3






Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Khăn lụa tơ tằm – Lỗi “duyên” của sản phẩm thủ công

Cách đây ba năm, trước khi biết đến khăn lụa tơ tằm. Tôi là nhân viên bán hàng của một cửa hàng đồ gốm thủ công nghệ thuật. Cửa hàng đó bán các sản phẩm đồ gốm thủ công gồm: Gốm Đông Gia của Francois Jalov, Gốm Mai của hoạ sỹ Bùi Hoài Mai, Gốm Chi ở Yên Viên Gia Lâm. Đây là những sản phẩm gốm thủ công hoàn toàn và vô cùng độc đáo. Gốm Đông Gia nổi bật ở men chảy huyền ảo, gốm Mai là các hoạ tiết cổ, gốm Chi độc đáo ở sự độc bản, không đụng hàng. Chính từ những ngày đó, đã khơi gợi tình yêu của tôi đến sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.
Những ngày tháng đó, đã giúp tôi hiểu được sản phẩm thủ công được hình thành như thế nào. Và tại sao sản phẩm thủ công nó có giá trị quý báu. Giá trị của sản phẩm thủ công không chỉ ở vẻ đẹp, sự tinh tế. Cũng không chỉ ở sự tỉ mỉ, nắt nót của người làm ra nó. Mà giá trị của sản phẩm thủ công còn là cái tình cảm của người nghệ nhân trong lúc làm ra nó.
Bạn biết không, sản phẩm thủ công không có cái nào có thể giống hoàn toàn cái nào cả. Cùng 1 loại cốc, khi vui người thợ sẽ làm cái cốc rất đẹp, nước men rất sáng. Nhưng khi buồn, người thợ chỉ cần quá tay thôi là nước men của chiếc cốc có thể đậm hơn hoặc nhạt hơn rồi.
Hay cũng ở một mẻ nung, chiếc cốc ở đáy lò sẽ cho màu men khác chiếc ở giữa và chiếc ở trên cùng. Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm thủ công. Và đó chính là điều tuyệt vời của sản phẩm thủ công có được.
Có một kỷ niệm của tôi như thế này. Một lần có một chị Việt kiều Mỹ qua cửa hàng, sau một lúc lựa chọn. Chị chọn được 1 chiếc đĩa vân của Gốm Mai có màu ngọc bích rất đẹp. Nhưng chị vẫn không hài lòng và băn khoăn chưa chọn nó. Tôi đến và hỏi chị, thì được biết là chiếc đĩa có 1 cái lỗ nhỏ trên mặt đĩa, nếu nhìn kỹ mới phát hiện ra được. Và vấn đề ở đây, khi chị ấy đã nhìn lấy cái lỗ đó, thì có nhìn thế nào chị cũng sẽ thấy cái lỗ ấy và không hài lòng.
Tôi cầm 2 cái đĩa vân lên và nói với chị rằng: “chị không nên chọn cái đĩa có lỗ, vì nó sẽ là cái gai trong mắt của chị khi dùng sau này, chị sẽ không thoải mái với nó. Chị nên chọn cái đĩa khác, tuy màu men nó không đẹp bằng cái kia, nhưng nó là cái hoàn thiện hơn chị ạ. Nhưng chị thấy đấy, sản phẩm thủ công không có cái nào hoàn hảo cả, kiểu gì nó cũng có 1 lỗi nhỏ nào đó. Và em gọi nó là lỗi “duyên”. Vì chả có cái nào lỗi giống cái nào cả.”
 Và các bạn biết không, chị ấy đã lấy cả 2 cái đĩa đó vì lỗi “duyên” của chúng. Và cái lỗi “duyên” bây giờ không gây khó chịu nữa. Mà lỗi “duyên” đã đem lại niềm hạnh phúc, sự độc đáo đáng tự hào.
Quay lại với khăn lụa tơ tằm, tôi đến với nó vì yêu sản phẩm thủ công, yêu sản phẩm Việt Nam. Cũng như gốm, khăn lụa thủ công đẹp nhưng không hoàn hảo. Nhưng tôi thích sự không hoàn hảo đó. Cũng là chiếc khăn lụa tơ tằm, hôm nay nó được làm ra rất mềm mại, nhưng hôm sau nó có thể hơi thô hơn 1 chút, dung rồi nó sẽ mềm mại. Cũng là chiếc khăn tơ tằm đũi, nhưng có chiếc nối đoạn tơ còn thừa 1 chút, có chiếc tua hơi ngắn. Nhưng tổng thể chiếc khăn vẫn rất đẹp. Thì đó được gọi là lỗi “duyên” của khăn lụa tơ tằm thủ công.
Nói như vậy không phải bao biện cho việc sản phẩm lỗi. Và không phải lỗi nào ở khăn lụa tơ tằm thủ công cũng là lỗi “duyên”. Lỗi “duyên” là lỗi vô tình người thợ mắc phải, và tổng thể 1 sản phẩm thì lỗi đó không gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp, chất lượng của sản phẩm đó. Có khi lỗi “duyên” đó mang lại sự sáng tạo, độc đáo của khăn lụa tơ tằm thủ công, mà muốn lặp lại cũng không được. Còn lỗi do cố ý hay thiếu trách nhiệm là điều phải tuyệt đối phải tránh.
Đứng trên góc độ khách hàng, ai cũng muốn có 1 sản phẩm đẹp và không bị lỗi. Lụa tơ tằm Bá Minh cũng đang hướng đến điều đó. Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm, sáng tạo và làm nên một chiếc khăn đẹp và hoàn thiện nhất.
Xem thêm các thông tin về lụa tơ tằm Bá Minh tại: fanpage Lụa tơ tằm Bá Minh

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Tình đồng đội, tình bạn bè

Trong thế giới này, tìm kiếm được người đồng đội (người bạn) thực sự vô cùng khó khăn. Người nào có được người đồng đội (người bạn) thực sự, thì người đó quả là vô cùng may mắn. Và người đó là một con người vô cùng đáng ngưỡng mộ.

Với tôi, tôi thích từ người đồng đội hơn từ người bạn. Vì người đồng đội là người gần gũi hơn, cận kề hơn từ bạn. Và người đồng đội là người có chí hướng và suy nghĩ tương đồng với mình. Vì vậy, từ giờ tôi sẽ coi những người bạn của tôi là những người đồng đội. Những người sẽ cùng đi với tôi trên con đường đời.

Người đồng đội thật sự là gì?

Có 2 điều kiện để coi 1 người bạn là người đồng đội thật sự. Đó là:
Điều kiện cần: Sự tôn trọng và trung thực.
Tôi tôn trong bạn và ngược lại bạn phải tôn trong tôi. Tình bạn sẽ không thể xây dựng trên sự giả dối, đó là điều không phải bàn cãi.
Điều kiện đủ: Những người bạn là những người giúp bạn phát triển. Họ hướng dẫn bạn, khuyến khích bạn làm những điều bạn cho là đúng và cần thiết. Và những người bạn bắt buộc bạn phải có trách nhiệm với những gì bạn làm, cho phép bạn phát huy hết khả năng của mình.

Cầu chúc cho bạn và tôi sẽ có những người đồng đội thật sự. Những người luôn bên bạn lúc bạn hạnh phúc nhất hay khổ đau nhất!