Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Thực ra tên công ty của mình là TÂN BINH!

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, cũng muốn viết vài dòng để làm kỉ niệm. Mình rất thích lưu giữ kỉ niệm, vì mình sợ một ngày sẽ quên. Bạn bè mình ai chơi thân thân đều biết mình hay ghi vào sổ, làm gì cũng có sổ. Trong thâm tâm chưa dám nhận mình là doanh nhân gì cả mặc dù cũng đã có cái dấu chức danh giám đốc.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trong dòng họ anh em gần mà mình biết, chưa thấy ai làm nghề gì khác, hay liên quan đến buôn bán cả. Mình chỉ biết đến kinh doanh qua những bộ phim Hồng Kông chiếu ở kênh VTV3, mê lắm các vị doanh nhân giàu có trong các bộ phim đó. Giàu có, đi xe sang, có người che ô, nói chung là sướng.
Năm lớp 8, lớp 9, lúc đi chăn trâu là mình đã khắc tên công ty tương lai của mình lên thân cây sung ở góc ao. Công ty Tân Binh, với suy nghĩ lúc đó là Tân là mới, Binh là lính. Tân Binh là một tên lính mới chẳng sợ gì cả, cứ thế mà lao lên phía trước.

Năm lớp 12, lúc thi đại học cha mình có nói: "Con thi vào trường nào có cái nghề, nếu người ta không thuê mình, thì mình tự làm mà ăn." Mình nói con không làm nông nữa đâu! Mình thi khối A vào đại học Thương Mại, khi thi xong mình đã biết chắc đậu. Nhưng vẫn đi thi khối B vào học viên Nông Nghiệp cho cha yên tâm. Đậu 2 trường, và chọn Thương Mại.

Ra học đại học, thì mình thích đi làm, thích quan sát hơn là học trên trường. Ở trường mình chỉ thích học các môn về marketing, quản trị chiến lược. Và thích phần thảo luận. 4 năm học không có nổi 1 điểm A. Nhưng đã suy nghĩ nhiều về cách thay đổi bản thân, từ 1 đứa nhát gan, rụt rè để trở thành người mạnh dạn hơn.

Tốt nghiệp đi làm vẫn là quá trình quan sát, học hỏi và tìm kiếm một cơ hội nào đó để mở công ty. Nhưng nói thật là không có tiền, cũng sợ thất bại rồi mang nợ về cho cha mẹ cũng không ổn. Thôi cứ học từ sếp, từ đồng nghiệp và từ những người bạn xung quanh. Chờ đợi một cơ hội cho bản thân. Lúc đó mình đã vào trang web của FPT, Vingroup để đọc thế nào là sứ mệnh, thế nào là giá trị cốt lõi, thế nào là tầm nhìn. Để rồi từ đó chọn cho mình một sứ mệnh, những giá trị cốt lõi cho bản thân.

Rồi cơ hội cũng đến, năm 2017 sau khi đã tìm hiểu về lụa tơ tằm, đã bán thử 1 thời gian. Mình thấy được vấn đề của thị trường, mình quyết tâm thuê 1 cửa hàng nhỏ để bán hàng. Tháng 7 năm đó mình mở cửa hàng, đến tháng 10 Khải Silk sụp đổ. Nguyên nhân của Khải Silk sụp đổ chính là cái vấn đề mà mình nhìn thấy. Đó là lụa thật đã không đến được tay người tiêu dùng. Và nó cũng mở ra một lời cảnh tỉnh cho tất cả, đó là thời đại của công nghệ thông tin đã giúp giá trị thật có cơ hội lộ diện và khẳng định mình. Và khởi nghiệp đã không cần quá nhiều tiền. Chỉ 20 triệu là đủ, còn lại là năng lực của bản thân bạn.

Năm năm qua, một hành trình xây dựng thương hiệu về lụa Việt. Một thương hiệu không sinh ra từ làng nghề, không xây dựng bằng tiền. Chỉ đơn giản xây dựng bằng một niềm tin: giá trị thật luôn tồn tại ngoài kia, chỉ là có lúc nó bị vỡ vụn, nhiệm vụ của mình là góp nhặt nó lại. Giá trị thật càng lớn, thì niềm tin được xây dựng càng lớn. Khi niềm tin đủ lớn, thì khách hàng sẽ đến với bạn. Đơn giản chỉ có vậy. Ai đến với Bá Minh đều có niềm tin đó.

Khi nói đến việc nuôi dưỡng giá trị thật. Mình cũng muốn bộc bạch một điều, không phải người nuôi dưỡng giá trị thật là một con người thật thà tuyệt đối. Người nuôi dưỡng giá trị thật là người khát khao trở thành con người chân thành hơn, tốt hơn, có giá trị hơn ngày hôm qua. Có những lúc ta không đúng, không thật, nhưng ngày mai hãy thật hơn 1 chút, tốt hơn 1 chút.

Kinh doanh sản phẩm nào cũng được, mỗi một giai đoạn kinh doanh một loai sản phẩm, một lĩnh vực khác nhau. Nhưng đừng quên đi sứ mệnh, giá trị cốt lõi của mình. Có bạn hỏi mình sau này có làm sản phẩm gì khác không, mình nói rằng "cái gì thể hiện giá trị thật, thì mình làm, có thể giai đoạn này là lụa tơ tằm, nhưng sau này là cái khác phù hợp hơn để biểu hiện cái sứ mệnh kia." Khi bạn có sứ mệnh, có giá trị cốt lõi bạn sẽ bình an và không lạc lối. Bạn sẽ không nóng vội khi thấy bạn bè, mọi người xung quanh giàu có hơn mình. Cái gì mình xứng đáng thì sẽ được nhận.

Kinh doanh giúp cho mình học được tính thích nghi và tự học. Và quan trọng nhất giúp mình nhận ra được những hạn chế của bản thân, phơi bày nó ra. Và sẵn sàng để người giỏi hơn mình thay thế. Mình lùi lại phía sau, và khi cần chỉ nhắc nhở về cái sứ mệnh của tập thể, để không ai quên đi cái sứ mệnh đó. Có thể quên tất cả, đừng quên sứ mệnh đã kéo chúng ta đến với nhau. Hãy cùng nhau thực thi sứ mệnh chung đã thống nhất với nhau.
Cuối cùng, kinh doanh chỉ là cơ hội để va vấp nhiều hơn, có nhiều câu chuyện hơn. Để sau này ngồi kể lại với con cháu. Đơn giản chỉ có thế!



Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Review: Cuốn trải nghiệm khách hàng xuất sắc

 Nghe lời anh Dương viết trong sách, tôi mất luôn tiền.

Chuyện là đọc đến đoạn nói về doanh nghiệp phải có niềm tin vào khách hàng. Vậy là tôi vận dụng ngay vào doanh nghiệp bé xinh của mình. Đó là Bá Minh phải tin những người hỏi mua lụa là những người có nhu cầu thật sự, những con người văn minh, những con người trung thực, chân thành, những con người có trách nhiệm.
Vậy là tôi quyết định phá bỏ quy tắc ĐẶT CỌC TIỀN đối với khách mua hàng COD. Khăn Bá Minh gửi cho khách thì luôn đóng vào hộp quà xinh, rồi cho khách xem hàng thoải mái, ưng mới nhận. Trước đây cũng không cần cọc gì đâu, nhưng rồi xuất hiện nhiều đơn hàng trả về với hộp quà móp méo, khăn thì nhòe một cục. Cay lắm, vì bao công chuẩn bị sản phẩm đẹp, nhận về một cục tức. Thế là nảy sinh chuyện cọc tiền để đảm bảo trách nhiệm cho đôi bên. Nghe anh Dương viết, tôi bỏ cọc. Và vị khách tôi áp dụng đầu tiên đã BOM HÀNG TÔI LUÔN bạn à :))
Nhưng không sao, vì tôi vẫn có niềm tin vào khách hàng của mình. Con số kia chỉ là nhỏ thôi, điều quan trọng nhất là khách hàng của Bá Minh sẽ được mua sản phẩm tốt nhất, dịch vụ thuận tiện nhất. Đó mới là điều quan trọng!
Mà cái anh Dương này giỏi thật các bạn ạ, anh ấy viết rất dễ hiểu, rất chất thực, lời lẽ nhẹ nhàng mà đanh thép, thuyết phục lắm luôn. Đúng chuẩn tượng đài chuyên gia đầu ngành có khác!
Tôi nhớ chị Nguyễn Phi Vân từng viết: "Trong thời đại của máy chúng ta phải rất người".
Thực tế, trong thời đại của máy móc, để phục vụ nhiều người một lúc các công ty đã áp dụng chatbot với các câu thoại tự động để giao tiếp với khách hàng. Các công ty đó thành công. Nhưng Zappos lại chỉ sử dụng tổng đài viên là con người, và Zappos thành công tột bậc, là hình mẫu của mọi công ty. Tại sao Zappos làm được điều đó? Đó là bởi vì mọi cá nhân từ lãnh đạo đến nhân viên phải có một niềm tin mãnh liệt vào việc phục vụ con người (khách hàng).
Hay như ở Việt Nam, chủ tịch của Thế Giới Di Động chia sẻ một niềm tin rằng: "Mọi chi phí đều là lãng phí, trừ chi cho khách hàng và chi cho nhân viên". Vì vậy TGDĐ tập trung nguồn lực đào tạo nhân viên, đãi ngộ cho nhân viên, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Từ đó trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Cả cuốn sách anh Dương đã chỉ rõ, đã chứng mình cho chúng ta thấy tại sao thời đại này các doanh nghiệp nên tập trung vào khách hàng, hay cụ thể hơn là trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Đồng thời, anh cũng chỉ dẫn để doanh nghiệp thực hiện được trải nghiệm doanh nghiệp xuất sắc.
Và anh có nhắc đi nhắc lại nhiều lần, để làm được việc này thì từ lãnh đạo đến nhân viên phải có niềm tin, phải coi việc phục vụ khách hàng là sứ mệnh của mình. Chỉ có thể mới mang lại trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Và tôi có cảm giác đây cũng chính là sứ mệnh cuộc đời của anh Dương.
Anh Dương viết phải giúp khách hàng đạt được mục tiêu của mình. Mới đầu đọc tôi cứ lấn cấn, bình thường ta chỉ nghe nói đến giúp khách hàng thỏa mãn nhu cầu. Sao ở đây lại viết giúp khách hàng đạt được mục tiêu? Kì ghê! Nhưng khi đọc và ngẫm tôi mới ngộ ra được mục tiêu chính là cái sâu xa nhất khiến khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm của danh nghiệp. Mục tiêu chính là cái sâu hơn của nhu cầu, hay trong marketing gọi là nỗi đau, insight của khách hàng. Khách hàng mua một miếng thịt bò tươi ngon, đó là nhu cầu. Nhưng mục tiêu của họ chính là được thưởng thức một món ăn ngon. Nếu bạn vừa bán được miếng thịt bò tươi ngon, vừa giúp khách có một công thức chế biến miếng thịt bò đó thành món ăn ngon. Thì bạn đã tạo ra một trải nghiệm khách hàng xuất sắc.
Nói tóm lại, đầy là một cuốn sách đáng đọc cho những người muốn thành công bền vững, muốn trở thành một con người xuất sắc trong việc tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc!



Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Đánh thức 5 giác quan để sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại?

Nhiều người bây giờ cứ nói rằng "sống thiếu muối", "sống nhạt", "cần thêm muối cho một mối quan hệ", "thêm muối cho cuộc trò chuyện". Nhưng như thế nào là sống "mặn"?

Sống "mặn" là phải biết chơi nhiều trò? Sống "mặn" là đi nhiều nơi, gặp nhiều người? Sống "mặn" là phải biết nói chuyện vui vui, xàm xàm, không quá nghiêm túc? Sống "mặn" là nắm rõ kịp thời các drama? Nếu không phải những thứ đó thì là điều gì khiến cho chúng ta sống "mặn" hơn nhỉ?

Trong xã hội hiện đại, khi tất cả đều cần mặn hơn mà mình cứ nhạt thì mình sẽ bị đá văng khỏi xã hội. Và xã hội thì luôn phát triển đi lên, vì thế mình cũng cần phải mặn theo chiều hướng tích cực. Nếu không mặn quá lại thành biển chết.

Đạo Phật khuyên chúng ta sống với ý thức và an trú trong giây phút hiện tại để có được hạnh phúc? Nói thì dễ, làm thì khó. Đặc biệt là với đại đa số con người đại chúng chúng ta hiện nay. Có cách nào dễ hơn để thực hiện điều đó, làm sao chúng ta có thể rung động với cái thế giới mà chúng ta đang sống?

Cảm nhận! Chỉ có cách là cảm nhận cuộc sống một cách thật rõ ràng, hòa mình vào cuộc sống. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể sống trong hiện tại. Đừng nuôi tiếc quá khứ đã qua, đừng lo lắng cho tương lai chưa tới. Chúng ta phải cảm nhận bằng tất cả các giác quan mà trời ban cho ta, chúng ta đã phí hoài các giác quan của mình quá lâu rồi. Và các giác quan của chúng ta gần như đã bị thui chột. Các giác quan của chúng ta có gồm 5 giác quan: tai để nghe, mắt để nhìn, mũi để ngửi, lưỡi để nếm, da để chạm.
Trong lúc đi ăn, tôi đã từng hỏi bạn tôi: "Món này có ngon không?". Bạn tôi bảo có, tôi hỏi ngon thế nào? Bạn tôi bảo ngon là ngon thôi, không biết diễn tả thế nào cả.
Khi nghe một bản nhạc, mình thấy nó hay nhưng có biết nó hay vì sao không? Hay đơn giản chỉ thấy vui tai, hoặc nhiều người bảo nó hay.
Xem một bộ phim, làm sao để biết nó hay ở chỗ nào? Hài hước ở chỗ nào? Xúc động ở chỗ nào?

Tôi đang bắt đầu học cách sử dụng lại các giác quan mà tôi đang bỏ quên. Bởi tôi biết rằng để sống hạnh phúc, để sống sâu sắc, hay đúng hơn là sống mặn hơn. Chỉ có một cách là mình phải sử dụng các giác quan đó một cách hiểu quả. Chúng chính là input, đưa những thông tin của cuộc sống vào bộ máy xử lý, chính là con người chúng ta.

Hồi trước, tôi nghe nhạc ít khi xem MV lắm. Bởi tôi thích nghe và tưởng tưởng vũ đạo của bài hát trong đầu của mình. Hình ảnh tôi thích nhất là vũ công ba lê. Bài hát lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm, lúc bổng thì động tác của vũ công đó cũng theo đó mà xuất hiện trong đầu của mình. Hoặc kể như đọc truyện, tôi cũng rất ít đọc truyện tranh, tôi thích đọc truyện chữ để tôi còn tưởng tượng. Lúc còn bé, tôi khâm phục các nhà toán học, nhưng lớn lên tôi lại sùng bái các nhà văn. Chỉ là tiếng gió thổi qua lá cây thôi mà sao họ nghĩ ra lắm hình ảnh thế. Gió thổi mạnh vào cây thì họ miêu tả như tiếng gào thét, gió thổi khẽ rầm rì thì như lời thì thầm của ai đó. Thật tuyệt!

Nhớ lại cái hồi mới quen Châu, ngồi với mấy bạn pha chế cà phê. Trong lúc họ thử cà phê, tôi tròn mắt vì ai cũng "húp" kêu soàn soạt cà phê vào miệng. Tiếng kêu rất to nhé, ai cũng thản nhiên như thế. Mình nghĩ trong đầu "uống kiểu gì kì thế". Nghĩ vậy nhưng chẳng nói ra, phải quan sát xem thế nào. Vì Địch đại nhân đã nói "Không có gì là ngẫu nhiên cả". Sau đó tôi tròn xoe mắt nghe mấy người này nói về hương, về vị. Tôi chột dạ, chết rồi lưỡi mình, mũi mình hỏng hết rồi sao. Sao mình không ngửi thấy, lưỡi mình không cảm được những điều đó nhỉ? Hỏng thật rồi.

Lại nói đến lụa, hồi đó tôi "chết" bởi lụa không phải vì nó đẹp, không phải ngửi nó thơm, cũng không phải nghe ai dụ dỗ. Tôi "chết" vì tôi chạm vào lụa. Một đống bông tơ tằm trắng muốt như mây, tôi vô tình thả cánh tay mình vào đó. Một cảm giác mát rượi ôm lấy cánh tay tôi, mơn man da tay. Rồi cánh tay tôi từ từ chìm vào trong đống bông đó. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ chạm vào một thứ nào như vậy cả. Da tôi, cơ thể tôi như được đánh thức dậy.
Hình như tôi vừa phát hiện ra một cách để sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đó là làm thức tỉnh các giác quan của mình, cho chúng tỉnh dậy sau những ngày dài ngủ quên. Để chúng giúp tôi biết: Bầu không khí mùa thu mát rượi đang vây quanh tôi, đang bao phủ ngập tràn Hà Nội. Trên đường, dưới những hàng cây thoang thoảng mùi hoa sữa. Sắc màu của mùa thu, con người của mùa thu cũng thật khác.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

TINH TIẾN

Tôi đã từng học được từ giáo sư Phan Văn Trường trong mỗi buổi chia sẻ của thầy rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ Nice and Professional. Tức là dễ thương và chuyên nghiệp.
Tôi cũng học được từ bác Đại người đang làm nghề dệt đũi tơ tằm trong mỗi lần nói chuyện với bác rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ chân thành và hiểu biết.
Hai chia sẻ đọc qua có vẻ khác nhau, nhưng ngẫm kĩ 2 chia sẻ đó là một. Tại sao hai người ở 2 môi trường hoàn toàn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại rút ra những bài học giống nhau?
Bác Đại thời trẻ bôn ba khắp đất nước, có khi sang Lào để buôn từng cân sợi. Bác chẳng học trường lớp nào, tất cả bác tự học ở trường đời. Ở tuổi 64, bác đã có đầy đủ nhà cao cửa rộng, con cháu thành công, tài chính dư dả. Nhưng bác vẫn miệt mài làm việc với tâm thế mà giới trẻ gặp bác chắc chắn phải cúi gằm mặt.
Thầy Trường thì quá nổi tiếng, thầy chinh chiến khắp nơi trên thế giới. Với tài năng thầy đưa một công ty lên vị trí số 1 thế giới. Ở tuổi 74, thầy đã có tất cả, nhưng thầy vẫn hăng say làm việc với sự chuyên nghiệp và tận tụy mà hiếm ai ở độ tuổi đó có được. Bạn gặp thầy bạn phải kinh ngạc.
Càng theo thời gian, sự tinh tiến của họ càng lớn dần.
----
Nhà nước Việt Nam chia các hộ gia đình thành các mức khác nhau để có chính sách hỗ trợ khác nhau. Hộ nghèo, hộ cận nghèo là các hộ được ưu tiên hỗ trợ. Ngày xưa có cả hộ đói, nổi tiếng với chính sách "xóa đói, giảm nghèo".
Ở quê, kì lạ là các hộ gia đình rất vui mừng đón nhận cái giấy hộ nghèo, hộ cận nghèo để được nhận tiền trợ cấp. Hồi còn nhỏ, tôi thấy bố mẹ tôi làm quần quật cả ngày nhưng nhà tôi chẳng có loa đài hát karaoke như nhà hàng xóm. Có một số nhà có loa đài, hát karaoke cả ngày nhưng họ được giấy hộ nghèo, nhà tôi thì không. Tôi thắc mắc trong lòng, nhưng không dám hỏi bố mẹ. Bố mẹ tôi cũng chẳng bận tâm điều đó. Sau này tôi mới biết, bố mẹ tôi có thể mua được những thứ đó, nhưng bố mẹ chưa vội mua. Bố mẹ tôi mua được xe máy đầu tiên, mua điện thoại di động đầu tiên, con cái đỗ đại học đầu tiên.
Đến bây giờ, nhà tôi có thể nói cũng có phần ổn định, anh em tôi có thể tự lo cho bản thân. Nhưng bố mẹ tôi giờ đây vẫn làm việc thật chăm chỉ.
----
Từ khi xác định lại bản thân, tôi nghĩ rằng con người có ba nhóm:
Nhóm thứ nhất, người tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu của bản thân. Vì tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu nên họ luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Nhóm thứ hai, người tạo ra được giá trị vừa đủ với nhu cầu của bản thân ở hiện tại. Vì tạo được giá trị vừa đủ dùng ở hiện tại, nên trong những trường hợp khấn cấp, bất ngờ họ vẫn cần sự giúp đỡ hỗ trợ.
Nhóm thứ ba, người tạo ra được giá trị dư thừa hơn so với nhu cầu của bản thân ở hiện tại và tương lai. Họ không cần sự giúp đỡ, mà họ giúp đỡ 2 nhóm người kia.
Việc mình chọn vào nhóm người nào tùy thuộc vào sự lựa chọn, tinh tiến của bản thân.
----
Nếu mục tiêu cuộc đời con người phấn đầu vì tiền tài, danh vọng. Nhưng lúc chết đi thì cũng không thể mang theo những thứ đó đi cùng được. Nếu vậy thì rốt cuộc phấn đấu cả một cuộc đời cho đến khi kết thúc, đối với bản thân người đó là vô nghĩa sao? Vậy con người phấn đấu vì điều gì? Tôi thật sự không đành lòng mất mấy chục năm cuộc đời để trải nghiệm và học hỏi rồi để mất đi vô nghĩa như vậy.
Trong vũ trụ này, có điều gì xảy ra là vô nghĩa không? Hay mọi thứ xảy ra đều có một ý nghĩa nhất định nào đó.
Tác giả Kazuo trong cuốn "Con đường đi đến thành công bằng sự tự tế" đã viết: "Nhưng không hẳn là mọi thứ trả về không. Tôi tin rằng "linh hồn" tồn tại sâu thẳm trong trái tim con người sẽ tồn tại như kết quả của một đời, thậm chí có thể mang sang tận tương lai.
Nếu vậy, con người sẽ có linh hồn như thế nào khi chết đi sẽ quyết định giá trị của một đời, không phải sao? Nghĩa là mục đích cuộc đời không phải là kiếm tiền, lập thân xuất thế hay nói cách khác, là đạt được thành công mà là tạo dựng linh hồn tốt đẹp và cuộc đời chính là không gian, thời gian nhất định được trao cho con người để mài giũa linh hồn...
... Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến."

Giải thích cho từ Tinh tiến:  có nghĩa là:
Chỉ năng lực, ý chí làm những điều thiện, tránh những điều bất thiện. Tinh tiến là yếu tố thứ 6 trong Bát chính đạo và chính là Bốn tinh tiến, ngoài ra Tinh tiến là một trong Năm lực, một hạnh Ba-la-mật-đa, một trong Bảy giác chi, một trong năm Căn (indri-ya).

Chánh tinh tấn

“Tinh tấn” có nghĩa là siêng năng, cố nắng, chú tâm. Chánh tinh tấn có nghĩa là cố gắng liên tục, không nản lòng tập trung đi đến lý tưởng đúng đắn mà minh đang theo đuổi. Sự quan trọng của Chánh tinh tấn thể hiện ở chỗ nếu ta đặt ra vô số mục tiêu nhưng không kiên trì đến cùng với nó thì sẽ không thể gặt được quả ngọt. Chánh tinh tấn là thực tập tiêu diệt các tật xấu đồng thời vun đắp những điều tốt, thực tập trau dồi trí tuệ và phước đức, kiểm soát bản thân, lời nối, ý nghĩ sao cho đúng đắn, ngay thẳng.

Bốn tinh tiến là:

  1. Tinh tiến tránh làm các điều ác chưa sinh (s: anutpannapāpakākuśaladharma);
  2. Tinh tiến vượt qua những điều ác đã sinh (s: utpanna-pāpakākuśala-dharma);
  3. Tinh tiến phát huy các điều thiện đã có (s: utpan-nakuśala-dharma), nhất là tu học Bảy giác chi;
  4. Tinh tiến làm cho các điều thiện phát sinh (s: anutpannakuśala-dharma).

Bốn tinh tiến chính là Chính tinh tiến trong Bát chính đạo.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Suy Ngẫm Về Tự Do Cá Nhân

Có lẽ đích đến của mỗi cá nhân không phải là hạnh phúc, mà đích đến cuối cùng của mỗi cá nhân là tự do. Để nói về tự do mình đưa ra hai câu chuyện để chia sẻ như sau:

Câu chuyện thứ nhất
Tối hôm thứ 3 vừa rồi, câu lạc bộ sách sinh hoạt buổi thứ 94 (thật không ngờ câu lạc bộ duy trì được lâu như vậy). Trong buổi sinh hoạt này, bạn Quỳnh có chia sẻ cuốn Đúng Việc với một ví dụ: Nếu năng lực là 10 triệu, công ty trả lương 5 triệu. Thì bạn sẽ làm ở mức nào? 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu, hay 2.5 triệu?
Mình sẽ không không bàn đến việc bạn lựa chọn đáp án nào. Điều mình muốn bàn đến là sự tự do của một cá nhân qua ví dụ này. Tự do là một quyền căn bản của con người, mỗi cá nhân được hưởng quyền tự do từ khi sinh ra mà không cần phải ràng buộc với một nghĩa vụ nào. Nhưng để định nghĩa tự do hay tự do cá nhân là gì, thì có lẽ rất khó để thống nhất, bởi mỗi người lại định nghĩa tự do theo cách chủ quan của mình. Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ sách, bạn Quỳnh định nghĩa tự do cá nhân là tự do về tâm trí, tự do về thân thể. Mình đồng tình với cách định nghĩa này. Vậy mỗi cá nhân có thể làm chủ được tâm trí, được suy nghĩ, được tưởng tượng, được sáng tạo, được thể hiện năng lực mà không bị giới hạn bởi một yếu tố nào. Tự do về thân thể là mỗi cá nhân được làm chủ hoàn toàn về thân thể của mình. Quay lại ví dụ về mức lương ở trên, bạn có thể lựa chọn mức làm việc mà bạn nghĩ là hợp lý, bởi không ai có thể can thiệp được, kể cả người sếp. Nhưng mình đặt ra câu hỏi, nếu ta đo đếm năng lực của ta là 10 triệu thì ta có đang giới hạn chính ta ở cái khung 10 triệu hay không? Khi công ty trả ta 5 triệu và ta lựa chọn cách đối phó với nó ở các mức khác nhau thì có phải ta đã giới hạn sự tự do về năng lực của ta không? Ở một góc độ nào đó, chính ta đang để mình bị chi phối bởi nhận thức chủ quan của ý thức ở hiện tại đó sao, chính ta khép sự tự do của ta đó sao. Theo mình, điều quan trọng không phải năng lực, thu nhập ở mức độ nào, mà điều quan trọng nhất là hãy để năng lực phát huy, phát triển một cách tự do nhất. Đừng giới hạn chính bản thân mình, cho dù đó là đam mê hay ước mơ.

Đến đây, mình chia sẻ một điều mà từ hồi đi làm thuê mình đã rút ra. Khi đi làm thuê, các bạn không biết rằng các bạn đang sở hữu một quyền lực to lớn mà mình gọi là quyền lực mềm. Đó là nếu bạn thể hiện được năng lực, vai trò của mình trong công ty đến mức cực kỳ quan trọng, không thể thay thế được thì chính bạn nắm được quyền tự do thương thuyết về đãi ngộ, nếu công ty đãi ngộ không xứng đáng, bạn có thể ra đi mà ngẩng cao đầu. Vậy chẳng phải sướng sao?

Câu chuyện thứ hai
Bá Minh Silk đợt này đang dần chuyển sang sử dụng dịch vụ giao hàng của Giao Hàng Tiết Kiệm. Có một bạn bưu ta chuyên đi nhận hàng ở tuyến phố của mình, bạn này thật sự rất lạnh lùng, kiệm lời, và nói thường cộc lốc. Khi mình giao hàng cho bạn ấy thì bạn ấy không nói gì. Mình nói cảm ơn bạn ấy cũng không hề đáp lại.
Thế là mỗi lần mình giao hàng cho bạn ấy, mình đều cười với bạn ấy và nói lời cảm ơn rất chân thành. Sau một thời gian, hôm vừa rồi mình xuống giao hàng thì bạn ấy đã xuống xe nhận hàng, mình cảm ơn thì bạn ấy đã đáp lại "vâng ạ".
Với mình đây cũng là một dạng tự do, dù là một hành động rất nhỏ. Mình vẫn sẽ cảm ơn, mỉm cười vì đó là chính bản thân mình. Việc mình mình cứ làm, còn đón nhận như thế nào là quyền của đối phương. Kể cả mình có cố gắng đến mức nào, mà nhận sự đáp lại lạnh nhạt cũng không sao cả. Mình cần tự trọng và tôn trọng đối phương. Với mình đó là cái gốc của tự do cá nhân.

TƯ DUY ĐẦU RA THẬT SỰ QUAN TRỌNG

 Mình làm về lụa tơ tằm đã được 5 năm, mình gặp từ người trẻ đến người già làm trong nghề này hầu hết đều là đam mê, có tâm huyết rất lớn.


Tuy nhiên, làm sao để tâm huyết không phá hỏng chính cái nghề ấy là điều quan trọng nhất. Đặc biệt trong việc tư duy đầu ra và tư duy dài hạn. Một sản phẩm tồn tại lâu dài, phát triển được không phải bởi tình thương, hay sự lạ mắt. Mà nó phải thật sự có ích và đúng giá trị.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì tình thương của khách hàng. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào sau này nữa.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì trông nó lạ lạ. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào nữa sau này. Vì nó lạ nhưng nó chẳng có ích gì.

Những người mua vì tình thương, mua vì là sẽ nói với nhau, nói với nhiều người khác: "Ùi, tao mua dùng rồi, chẳng thấy tốt như quảng cáo gì". Và thế là cả ngành lụa dần lụi bại.

Đũi tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm. Đừng dùng nó làm những cái khác, để phá hỏng hết những cái tốt của nó.

Lụa tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm thứ đó. Đừng hạ thấp nó ngang bằng với chất liệu đã lỗi thời.

Có một câu chuyện thế này: nếu làm một mẫu cốc gốm giữa 1 anh Việt Nam và 1 anh Pháp. Thì anh Việt Nam hoàn thành xong 1 cái cốc rất nhanh, còn anh Pháp thì chậm hơn. Nhưng nếu để sản xuất nhiều chiếc cốc cùng mẫu thì anh Pháp làm hiệu quả và nhanh hơn rất nhiều. Vì khi làm chiếc cốc đầu tiên anh Pháp đã đo đạc, tính toán số liệu, làm mẫu, làm khuôn để làm chiếc cốc. Còn anh Việt Nam thì hoàn toàn làm bằng tay.

Hay như trong một tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng kể về 2 nhà bán phở, 1 Việt Nam, 1 người Hoa. Thời gian đầu anh Việt Nam phát triển rất nhanh, nhưng sau một thời gian lại bị anh người Hoa vượt lên, chiếm lĩnh thị trường. Bởi người Hoa tư duy dài hạn, đầu ra sản phẩm, dịch vụ rất tốt.

Bá Minh Silk từ đầu năm 2021 đã xác định mình sắp chuyển sang giai đoạn mới. Bá Minh Silk phải chấp nhận thà "không có khăn để bán" chứ không thể để tình trạng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu mình đề ra. Bá Minh đưa phong cách của mình, hơi hướng thiết kế của mình vào từng sản phẩm sao cho cân đối, phù hợp với khách hàng nhất. Tìm những đối tác cầu tiến, tư duy mở, sẵn sàng kết hợp đến cùng và lâu dài. Thay vì tư duy chia nhau miếng bánh, thì cùng nhau làm việc bánh lớn hơn, ngon hơn, chất lượng hơn.

Tại sao nên đọc "Lời tựa/lời dẫn đầu" trước khi đọc sách?

 Có nhiều con đường để dẫn ta tới với một cuốn sách. Có thể ta đến với nó bởi một cái tên lạ trong một loạt cái tên trên kệ. Cũng có thể ta đến với nó bởi một chiếc bìa đẹp. Hay có một người bạn tôi đã nói trong cậu lạc bộ sách đó là "sách tự chạy vào đầu bạn ấy".


Sách đến với tôi qua nhiều con đường. Nhưng con đường mà tôi thấy để lại nhiều cái kết đẹp nhất đó là tôi chọn sách qua việc đọc lời tựa hay lời dẫn đầu của tác giả.

Trong bộ phim tôi thích, nhân vật thần thám Địch Nhân Kiệt luôn nói: "Trên đời này không có điều gì là ngẫu nhiên cả". Và tôi cũng tin điều đó, mỗi một sự việc hay sự ra đời của một thứ gì đó đều có lý của nó cả. Không tự nhiên mà nó sinh ra.

Một cuốn sách sẽ ra đời với cơ duyên của nó, với sứ mạng mà tác giả đã trao cho nó. Cơ duyên ra đời của cuốn sách càng gần với cái mong cầu, cái chờ đời của bạn thì cuốn sách càng đúng với bạn. Cái hoàn cảnh ra đời, cái hoàn cảnh mà tác giả viết, tác giả trải nghiệm để đúc rút ra càng gần với hoàn cảnh hiện tại của bạn thì cuốn sách càng cần thiết với bạn.

Lợi tựa/ lời dẫn đầu của cuốn sách chính là bức thư ngỏ của tác tác, là tâm tình dành cho người sắp đọc những gì tác giả tâm huyết viết ra. Lời dẫn đầu sẽ nói về việc tại sao cuốn sách ra đời, nó ra đời vào hoàn cảnh nào. Và tinh thần của cuốn sách là gì? Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách nào cũng có lời dẫn/lời tựa.

Lời tựa/lời dẫn đầu chính là để cuốn sách tìm đúng người đọc. Và người đọc tìm đúng cuốn sách!

Review sách "Trái Tim Không"

 Ủa? Sao lại gọi là trái tim không? Thiền sư mà có trái tim không là thể nào nhỉ? Người ta hay nói trái tim yêu thương, trái tim nhạy cảm, trái tim ấm áp chứ chưa bao giờ nghe nói đến trái tim không. Đó là thắc mắc của tôi khi đọc tên của cuốn sách này.


Về tác giả, Phan Việt là một người phụ nữ Việt thành công ở nước ngoài. Chị làm giáo sư tại trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Và có nhiều cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam. Chị vừa đạt được giải thưởng văn học, đồng thời đạt giải thưởng về người phụ nữ truyền cảm hứng ở Mỹ, được nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng về sự phát triển xã hội.

Trái Tim Không là cuốn sách kể về cuộc đời và những bài thơ của vị thiền sư nổi tiếng người Thái Lan - Yantra Amaro được chị Phan Việt chấp bút. Chấp bút là viết lại theo lời kể của nhân vật. Mình chưa từng đọc sách của chị Phan Việt, nên mình không rõ giọng văn của chị thế nào. Còn với cuốn sách này, mình thích giọng văn nhẹ nhàng, bình thản trong từng câu chữ. Nó thật phù hợp để nuôi dưỡng, vỗ về tâm hồn đang nhiều náo động.

Trong cuốn sách, thiền sư Yantra Amaro kể về cuộc đời tu hành của mình từ lúc còn là một đạo sĩ cho đến lúc xuất gia trở thành một thiền sư nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ ông là người sùng đạo, đặc biệt là mẹ của ông. Được nuôi dưỡng trong một gia đình có điều kiện, cuộc sống hạnh phúc, được học tập đầy đủ, nhưng rồi ở độ tuổi đôi mươi thiền sư quyết định bỏ học để trở thành một đạo sĩ theo con đường tu hành.

Quay trở lại với chị Phan Việt, có lẽ chị và thiền sư đã có nhân duyên tiền định. Vì trước đó khi mới được nghe đến tên Yantra, chưa từng gặp mặt. Vây mà trong một giấc mơ chỉ đã thấy hình ảnh của vị Thiền sư gần giống như với con người thật chị gặp sau này. Một vị thiền sư đẹp như tiên với mái tóc trắng búi phía sau cùng một chòm râu như cước. Chỉ gặp thiền sư trong mấy ngày, mà chị đã quyết định hủy bỏ lịch trình trước đây bởi năng lượng, sự an nhiên toát ra từ thiền sư. Để dành 3 tháng để gặp gỡ và phỏng vấn thiền. Và kết quả là một cuốn sách kể rõ nét, chân thật về cuộc đời thiền sư Yantra.

Cuốn sách sẽ cho ta thấy được việc tu hành sẽ nghiệm mật, khắc nghiệt đến như thế nào. Cuốn sách sẽ cho bạn thấy là một thiền sư nổi tiếng, được nhiều Phật tử theo học, được nhà vua, hoàng hậu yêu mến, được giới chức cao nhất của đất nước tin tưởng, ở một vị thế gần như khó mà động tới được. Vậy mà rồi cũng bị áp lực của dèm pha, những lời nói xấu, bịa đặt của truyền thông, báo chí khiến vị thiền sư phải sống lưu vọng ở Mỹ. Phải xa mảnh đất quê hương yêu dấu.

Trái Tim Không sẽ cho bạn thấy dù có phép thần thông, dù có đạt được đạo quả nhưng vẫn khó lòng mà tránh được nghiệp xưa để lại. Qua cách thiền sư đối diện, đón nhận với những nghiệp quả đầy khó khăn của cuộc đời. Ta mới dần dần nhận ra rằng thế nào là một trái tim không.

Tình yêu dính mắc với thù hận, tốt bụng dính mắc với xấu xa, hạnh phúc dính mắc với khổ đau, có sinh thì có diệt, càng có thành tựu càng có nhiều kẻ ghe ghét.... Vụ trụ luân hồi không nằm ngoài quy luật đó. Và ta không thể có cái này mà không đón nhận cái kia, không đau khổ thì không biết thế nào là hạnh phúc. Và trái tim không là không dính mắc vào những cảm xúc trần tục, trái tim không là đón nhận mọi thứ bằng trí tuệ của vũ trụ. Trái tim không là từ bỏ tất cả, chỉ giữ lại bổn phận giúp con người thoát khỏi đau khổ trên con đường từ bi.

Có thể nói Trái Tim Không khắc họa chân thực, rõ nét về cuộc đời của bậc thiền sư Phật Giáo. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cuộc đời tu hành của thiền sư thì đây là một cuốn sách đáng đọc.

Có thể bạn sẽ không thích đọc thơ, và có định bỏ qua nó. Thì hãy thử đọc thành tiếng, bạn sẽ thấy rất hay và ý nghĩa đấy nhé. Bởi thơ có tính nhạc điệu, nên đọc thành tiếng mới cảm được cái hay của thơ. Và trên hết những bài thơ là những bài học được thiền sư đúc kết lại.

ĐỪNG LÀM VIỆC KHÔNG TÊN

 Một ngày ta dành hơn 8 tiếng ở nơi làm việc, vậy thì đến già ta dành 1/3 cuộc đời ở nơi làm việc rồi.

Ai cũng mong muốn có một cuộc đời hạnh phúc. Vậy nếu ở nơi làm việc mà không hạnh phúc, thì ta mất đi 1/3 cuộc đời.
Vậy nên, để có một cuộc đời hạnh phúc thì ta nên làm một công việc hạnh phúc. Và để có một công việc hạnh phúc, ta hãy dừng làm những việc công việc không tên.

Dừng làm những việc không tên, không có nghĩa là bỏ những việc nhỏ, lặt vặt mà chúng ta đang làm. Vì những việc nhỏ đó nó thật sự cần thiết. Vậy dừng làm việc không tên như thế nào?

Bước đầu tiên, ta phải xác định rằng: "mỗi một công việc dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa của nó". Như ở Bá Minh việc lấy cái kim để gẩy một miếng bỏ trấu bé xíu trong chiếc khăn mặt đã giúp cho người dùng tránh một vết xước khi lau, giúp cho Bá Minh có thêm một sản phẩm chất lượng, có thêm 1 khách hàng trung thành. Hay như việc, làm phẳng 1 vết nhăn nhỏ trên chiếc phông chụp ảnh cũng giúp cho bức ảnh đẹp hơn, từ đó làm khách hàng thích và mua hàng nhiều hơn.
Bạn thử xem lại công việc mình làm mà xem, những công việc nhỏ nó đều có ý nghĩa tác động lên kết quả công việc của bạn. Tôi đã tâm niệm 1 điều như thế này: "Một chi tiết lỗi nhỏ sẽ là một con quỷ phá nát cả một tổng thể, còn mỗi một chi tiết nhỏ hoàn hảo sẽ là một điều kỳ điều kỳ diệu mang lại thành công." Giờ thì bạn hãy ghi ra ý nghĩa của việc mình làm nhé.

Bước thứ hai, hãy đặt tên cho công việc không tên. Bạn hãy thử đặt tên mà xem, bạn sẽ thấy công việc của bạn trở nên thú vị, mang lại cảm hứng làm việc rất lớn.
Ví dụ như công việc chụp ảnh khăn lụa rất vất vả và nhiều khi nhàm chán. Nên tôi đã đặt cho nó một cái tên "bắt hình của lụa". Hay như một bạn chuyên sửa robot hút bụi, tôi đã gọi trêu bạn ấy là "bác sĩ robot", thỉnh thoảng còn hỏi bạn ấy "hôm nay đã phẫu thuật được bao nhiều robot?".
Hãy đặt một cái tên thật hài hước để khi làm bạn sẽ cười khi làm nó. Hoặc đặt một cái tên khiến cho việc đó trông có vẻ thật quan trọng.

Vậy đấy, khi ta xác định được ý nghĩa của việc mình làm, đặt cho nó một cái tên thì ta đã giúp cho mình hạnh phúc hơn một chút rồi. Có thể bạn đang nghĩ nó xàm, nhưng theo tôi việc gì làm cho mình hạnh phúc hơn, vui hơn thì nó chẳng xàm một tí nào.

"Nhân chi sơ tính bản thiện" là một câu nói sai!

Trước đây, tôi vẫn nghĩ câu này đúng. Nhưng vẫn có điều gì đó lấn cấn. Nếu con người sinh ra vốn bản thiện tại sao lại có người ác?
Tôi đã nhẩm câu "Nhân chi sơ tính bản thiện" cả nghìn lần. Và tôi ngẫm ra rằng câu này thật ra không đúng, hay đúng ra chỉ là một nửa của sự thật. Chuẩn phải là "Nhân chi sơ tính bán thiện". Con người sinh ra có một nửa là thiện, nửa còn lại là ác. Tức là con người sinh ra vốn chứa đựng đầy đủ tính chất của vũ trụ, là một cá thể toàn vẹn đầy đủ tính chất.
Nhưng lớn lên và sống trong môi trường phù hợp với hạt giống thiện sẽ có tính thiện chủ yếu. Còn nếu sống trong môi trường phù hợp với hạt giống ác sẽ có tính ác chủ yếu. Không ai thiện hoàn toàn, không ai ác hoàn toàn.