Hiển thị các bài đăng có nhãn Câu chuyện kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Câu chuyện kinh doanh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Thực ra tên công ty của mình là TÂN BINH!

Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, cũng muốn viết vài dòng để làm kỉ niệm. Mình rất thích lưu giữ kỉ niệm, vì mình sợ một ngày sẽ quên. Bạn bè mình ai chơi thân thân đều biết mình hay ghi vào sổ, làm gì cũng có sổ. Trong thâm tâm chưa dám nhận mình là doanh nhân gì cả mặc dù cũng đã có cái dấu chức danh giám đốc.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trong dòng họ anh em gần mà mình biết, chưa thấy ai làm nghề gì khác, hay liên quan đến buôn bán cả. Mình chỉ biết đến kinh doanh qua những bộ phim Hồng Kông chiếu ở kênh VTV3, mê lắm các vị doanh nhân giàu có trong các bộ phim đó. Giàu có, đi xe sang, có người che ô, nói chung là sướng.
Năm lớp 8, lớp 9, lúc đi chăn trâu là mình đã khắc tên công ty tương lai của mình lên thân cây sung ở góc ao. Công ty Tân Binh, với suy nghĩ lúc đó là Tân là mới, Binh là lính. Tân Binh là một tên lính mới chẳng sợ gì cả, cứ thế mà lao lên phía trước.

Năm lớp 12, lúc thi đại học cha mình có nói: "Con thi vào trường nào có cái nghề, nếu người ta không thuê mình, thì mình tự làm mà ăn." Mình nói con không làm nông nữa đâu! Mình thi khối A vào đại học Thương Mại, khi thi xong mình đã biết chắc đậu. Nhưng vẫn đi thi khối B vào học viên Nông Nghiệp cho cha yên tâm. Đậu 2 trường, và chọn Thương Mại.

Ra học đại học, thì mình thích đi làm, thích quan sát hơn là học trên trường. Ở trường mình chỉ thích học các môn về marketing, quản trị chiến lược. Và thích phần thảo luận. 4 năm học không có nổi 1 điểm A. Nhưng đã suy nghĩ nhiều về cách thay đổi bản thân, từ 1 đứa nhát gan, rụt rè để trở thành người mạnh dạn hơn.

Tốt nghiệp đi làm vẫn là quá trình quan sát, học hỏi và tìm kiếm một cơ hội nào đó để mở công ty. Nhưng nói thật là không có tiền, cũng sợ thất bại rồi mang nợ về cho cha mẹ cũng không ổn. Thôi cứ học từ sếp, từ đồng nghiệp và từ những người bạn xung quanh. Chờ đợi một cơ hội cho bản thân. Lúc đó mình đã vào trang web của FPT, Vingroup để đọc thế nào là sứ mệnh, thế nào là giá trị cốt lõi, thế nào là tầm nhìn. Để rồi từ đó chọn cho mình một sứ mệnh, những giá trị cốt lõi cho bản thân.

Rồi cơ hội cũng đến, năm 2017 sau khi đã tìm hiểu về lụa tơ tằm, đã bán thử 1 thời gian. Mình thấy được vấn đề của thị trường, mình quyết tâm thuê 1 cửa hàng nhỏ để bán hàng. Tháng 7 năm đó mình mở cửa hàng, đến tháng 10 Khải Silk sụp đổ. Nguyên nhân của Khải Silk sụp đổ chính là cái vấn đề mà mình nhìn thấy. Đó là lụa thật đã không đến được tay người tiêu dùng. Và nó cũng mở ra một lời cảnh tỉnh cho tất cả, đó là thời đại của công nghệ thông tin đã giúp giá trị thật có cơ hội lộ diện và khẳng định mình. Và khởi nghiệp đã không cần quá nhiều tiền. Chỉ 20 triệu là đủ, còn lại là năng lực của bản thân bạn.

Năm năm qua, một hành trình xây dựng thương hiệu về lụa Việt. Một thương hiệu không sinh ra từ làng nghề, không xây dựng bằng tiền. Chỉ đơn giản xây dựng bằng một niềm tin: giá trị thật luôn tồn tại ngoài kia, chỉ là có lúc nó bị vỡ vụn, nhiệm vụ của mình là góp nhặt nó lại. Giá trị thật càng lớn, thì niềm tin được xây dựng càng lớn. Khi niềm tin đủ lớn, thì khách hàng sẽ đến với bạn. Đơn giản chỉ có vậy. Ai đến với Bá Minh đều có niềm tin đó.

Khi nói đến việc nuôi dưỡng giá trị thật. Mình cũng muốn bộc bạch một điều, không phải người nuôi dưỡng giá trị thật là một con người thật thà tuyệt đối. Người nuôi dưỡng giá trị thật là người khát khao trở thành con người chân thành hơn, tốt hơn, có giá trị hơn ngày hôm qua. Có những lúc ta không đúng, không thật, nhưng ngày mai hãy thật hơn 1 chút, tốt hơn 1 chút.

Kinh doanh sản phẩm nào cũng được, mỗi một giai đoạn kinh doanh một loai sản phẩm, một lĩnh vực khác nhau. Nhưng đừng quên đi sứ mệnh, giá trị cốt lõi của mình. Có bạn hỏi mình sau này có làm sản phẩm gì khác không, mình nói rằng "cái gì thể hiện giá trị thật, thì mình làm, có thể giai đoạn này là lụa tơ tằm, nhưng sau này là cái khác phù hợp hơn để biểu hiện cái sứ mệnh kia." Khi bạn có sứ mệnh, có giá trị cốt lõi bạn sẽ bình an và không lạc lối. Bạn sẽ không nóng vội khi thấy bạn bè, mọi người xung quanh giàu có hơn mình. Cái gì mình xứng đáng thì sẽ được nhận.

Kinh doanh giúp cho mình học được tính thích nghi và tự học. Và quan trọng nhất giúp mình nhận ra được những hạn chế của bản thân, phơi bày nó ra. Và sẵn sàng để người giỏi hơn mình thay thế. Mình lùi lại phía sau, và khi cần chỉ nhắc nhở về cái sứ mệnh của tập thể, để không ai quên đi cái sứ mệnh đó. Có thể quên tất cả, đừng quên sứ mệnh đã kéo chúng ta đến với nhau. Hãy cùng nhau thực thi sứ mệnh chung đã thống nhất với nhau.
Cuối cùng, kinh doanh chỉ là cơ hội để va vấp nhiều hơn, có nhiều câu chuyện hơn. Để sau này ngồi kể lại với con cháu. Đơn giản chỉ có thế!



Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

TƯ DUY ĐẦU RA THẬT SỰ QUAN TRỌNG

 Mình làm về lụa tơ tằm đã được 5 năm, mình gặp từ người trẻ đến người già làm trong nghề này hầu hết đều là đam mê, có tâm huyết rất lớn.


Tuy nhiên, làm sao để tâm huyết không phá hỏng chính cái nghề ấy là điều quan trọng nhất. Đặc biệt trong việc tư duy đầu ra và tư duy dài hạn. Một sản phẩm tồn tại lâu dài, phát triển được không phải bởi tình thương, hay sự lạ mắt. Mà nó phải thật sự có ích và đúng giá trị.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì tình thương của khách hàng. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào sau này nữa.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì trông nó lạ lạ. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào nữa sau này. Vì nó lạ nhưng nó chẳng có ích gì.

Những người mua vì tình thương, mua vì là sẽ nói với nhau, nói với nhiều người khác: "Ùi, tao mua dùng rồi, chẳng thấy tốt như quảng cáo gì". Và thế là cả ngành lụa dần lụi bại.

Đũi tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm. Đừng dùng nó làm những cái khác, để phá hỏng hết những cái tốt của nó.

Lụa tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm thứ đó. Đừng hạ thấp nó ngang bằng với chất liệu đã lỗi thời.

Có một câu chuyện thế này: nếu làm một mẫu cốc gốm giữa 1 anh Việt Nam và 1 anh Pháp. Thì anh Việt Nam hoàn thành xong 1 cái cốc rất nhanh, còn anh Pháp thì chậm hơn. Nhưng nếu để sản xuất nhiều chiếc cốc cùng mẫu thì anh Pháp làm hiệu quả và nhanh hơn rất nhiều. Vì khi làm chiếc cốc đầu tiên anh Pháp đã đo đạc, tính toán số liệu, làm mẫu, làm khuôn để làm chiếc cốc. Còn anh Việt Nam thì hoàn toàn làm bằng tay.

Hay như trong một tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng kể về 2 nhà bán phở, 1 Việt Nam, 1 người Hoa. Thời gian đầu anh Việt Nam phát triển rất nhanh, nhưng sau một thời gian lại bị anh người Hoa vượt lên, chiếm lĩnh thị trường. Bởi người Hoa tư duy dài hạn, đầu ra sản phẩm, dịch vụ rất tốt.

Bá Minh Silk từ đầu năm 2021 đã xác định mình sắp chuyển sang giai đoạn mới. Bá Minh Silk phải chấp nhận thà "không có khăn để bán" chứ không thể để tình trạng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu mình đề ra. Bá Minh đưa phong cách của mình, hơi hướng thiết kế của mình vào từng sản phẩm sao cho cân đối, phù hợp với khách hàng nhất. Tìm những đối tác cầu tiến, tư duy mở, sẵn sàng kết hợp đến cùng và lâu dài. Thay vì tư duy chia nhau miếng bánh, thì cùng nhau làm việc bánh lớn hơn, ngon hơn, chất lượng hơn.

Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

HỆ MIỄN DỊCH

Một trong những nguyên nhân Biz của bạn không lớn lên được chính là việc bạn không xây dựng được hệ miễn dịch cho nó.

Một cá thể có chăm sóc tốt như thế nào, nhưng nếu như liên tục bị tấn công, cấu rỉa, nhiễm bệnh và không thích ứng tốt thì chắc chắn sẽ bị còi cọc, suy nhược và cuối cùng là biến mất.
Hệ miễn dịch phải xây dựng toàn diện, xây dựng từ gốc: sản xuất (nhà cung cấp), sản phẩm, nhân sự, khách hàng. Để có hệ miễn dịch tốt, cần trả lời câu hỏi tổng quát sau: Tại sao phải chọn bạn?
----
Bá Minh Silk không sinh ra từ làng nghề, không tài chính, không có kiến thức, bắt đầu từ những chiếc khăn mộc mạc nhất. Những giờ đây là địa chỉ uy tín cho người yêu thích tơ tằm tự nhiên.
Tại sao người nghệ nhân giỏi nhất lại thích làm việc với Bá Minh Silk? Vì Bá Minh Silk trân trọng những điều nhỏ nhất mà họ tạo ra, và cùng họ làm những sản phẩm tốt hơn. Bá Minh Silk không trả giá với công sức của người làm ra sản phẩm. Bá Minh Silk sẵn sàng trả thêm để có sản phẩm tốt hơn.
Vì vậy, Bá Minh Silk luôn được nhận sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đẹp nhất, chu đáo nhất. Và Bá Minh Silk luôn được ưu ái và lựa chọn đầu tiên.
Sản phẩm càng ngày càng phải tốt và phù hợp, nội dung hình ảnh càng ngày càng phải tốt. Khách tới Bá Minh Silk vì chất lượng của sản phẩm họ cần, chứ không phải vì mấy bài Pr, hình ảnh trống rỗng. Vậy nên khách đã đến mua ở Bá Minh Silk là sẽ nghiện.
Làm thế nào để khách hàng ưu tiên chọn bạn? Chỉ có bạn mới trả lời được.
Nhân sự! Ở Bá Minh Silk có một quan điểm thế này. "Con người chỉ chủ động làm việc khi họ biết mình muốn gì". Vì thế mỗi người ở Bá Minh Silk phải luôn tìm hiểu xem bản thân thật sự muốn gì. Mà để biết điều đó thì phải có trí tuệ, Bá Minh có văn hóa đọc sách mỗi sáng. Ở Bá Minh Silk, đội ngũ nhân sự không chỉ nhìn vào thu nhập, mà còn đi tìm sứ mệnh của từng cá nhân. Sứ mệnh đó phải đủ thực tế, đủ lãng mạn, đủ xa để đi. Ai có cùng sứ mệnh "Nuôi dưỡng giá trị thật, xây dựng niềm tin" thì có thể chọn Bá Minh Silk.
Khách hàng tại sao chọn Bá Minh Silk? Vì yên tâm là hàng thật, có sao nói vậy. Nhưng cũng chọn Bá Minh Silk bởi cái BMS có là cái khách hàng cần. Cái thật mà người ta không cần cũng chỉ là vô giá trị. BMS luôn tìm tòi, quan sát nhu cầu, phản hồi, góp ý của khách hàng để thay đổi. Khách hàng có thể không mua sản phẩm, nhưng đã bước vào BMS thì đi ra chắc chắn có được một điều gì đó có ích, đáng ghi nhớ.
Đó chính là một phần hệ miễn dịch giúp Bá Minh Silk tồn tại, phát triển qua khủng hoảng.

Bài viết ngày 15/09/2020

Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Sáng tạo content trong bán hàng: Thấu hiểu và hiệu quả

Mỗi người sáng tạo content có một phong cách viết khách nhau, mỗi một content hướng khán giả đến những cảm xúc khác nhau. Nhưng trong bán hàng, cái đích cuối cùng cần đạt đến đó là mang về doanh số.

Mình là người thích viết, nhưng là một người viết không chuyên, không được đào tạo bài bản. Mình phải viết vì để thực hiện sứ mệnh "Nuôi dưỡng giá trị thật, xây dựng niềm tin", thông qua thương hiệu Bá Minh Silk. Vì thế, có thể chủ quan nói rằng, mọi niềm vui, nỗi buồn của người sáng tạo content bán hàng mình đều đã trải qua.

Và sau 4 năm viết về Bá Minh Silk, mình cũng đã đúc kết được một số nguyên tắc, góc nhìn của bản thân về content trong bán hàng. Xin chia sẻ lại đây, để cùng mọi người thảo luận:

Với mình, người làm content đầu tiên cần phải thấu hiểu. 

PHẢI THẤU HIỂU MỚI ĐẠT HIỆU QUẢ!

Vậy cần thấu hiểu gì?

Thấu hiểu bản thân: Thế mạnh về content của bản thân là gì? Viết, vẽ, chụp ảnh, video... Phong cách của bản thân là gì?

Thấu hiểu khách hàng mục tiêu: Khách hàng mong muốn xem gì, nghe gì, đọc gì,...

Thấu hiểu doanh nghiệp: Triết lý, phong cách, đẳng cấp, sản phẩm, dịch vụ,... của doanh nghiệp.

Sau đây là sơ lược về những kiến thức cơ bản mà một người sáng tạo content cần nắm vững:

1. Content là gì?

Content là nội dung được sáng tạo với mục đích cụ thể.

- Nội dung này gồm: text, hình ảnh, video.

Sự biến đổi của nội dung: Trước đây, text là chính, hình ảnh bộ trợ cho text. Sau đó, hình ảnh là chính, text bổ trợ cho hình ảnh. Hiện tại, video là chính, text bổ trợ.

Tuy nhiên, tùy theo mục đích, loại sản phẩm mà sẽ có sự linh hoạt kết hợp các loại hình trên.

Mục đích của content: Truyền thông tin, xây dựng ảnh hưởng, bán hàng, tạo ra giá trị tốt đẹp cho con người.

2. Các yếu tố cần có để tạo content

- Ý tưởng: Xác định ý tưởng (chủ đề của content) là gì? Gọi tên được ý tưởng một cách rõ ràng.

- Đối tượng hướng đến là ai?

- Tại sao họ phải đọc content của bạn? Xác định được vấn đề của tối tượng, mang lại giá trị cho đối tượng. (Insight)

- Cách viết content như thế nào cho hiệu quả? Góc nhìn, reviews, vui nhộn, text, video, hình ảnh.

- Truyền tải content trên phương tiện nào? Facebook, youtube, instagram...

3. Insight khách hàng là gì?

Insight không phải là nhu cầu, insight tạo ra nhu cầu của khách hàng.

Nếu hiểu được insight của khách hàng thì không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại, mà còn có thể mở rộng nhu cầu, tạo ra nhu cầu mới.

Cách tìm insight: 

Nhu cầu/mua hàng <= Biểu hiện <= Nguyên nhân thật sự (insight)

Ví dụ: Người mua robot =>  Biểu hiện của họ là gì? (Nhận dạng khách hàng?) => Nguyên nhân thật sự của việc mua hàng.

Các câu hỏi cần được trả lời kỹ lượng:

- Who?

- What?

- When? Where?

- Why?

- How? (Giải pháp độc đáo kết hợp với tính năng của sản phẩm)

Ví dụ: Vải lụa tơ tằm phù hợp cho người hay ra mồ hôi vì kháng mùi, vải tơ tằm phù hợp với người yêu thích dùng nước hoa vì kháng mùi mồ hôi, khô thoáng giúp lưu hương nước hoa lâu hơn.

Người ta thường nói insight là why? nhưng hầu hết mới dừng ở biểu hiện. Chưa đi sâu vào nguyên nhân thật sự của khách hàng.

Có loại 3 nguyên nhân thật sự:

- Nỗi đau kín của bản thân: sự thiếu thốn, sự an toàn (cho bản thân, người thân), bị người khác coi thường, trách nhiệm,...

- Lòng tham: mua ở thời điểm hời, mua được món hời (thanh lý, số lượng có hạn), quà tặng giá trị, tăng giá trị trong tương lai.

- Cảm xúc: Tiện nghi hơn, đẹp hơn, hợp mốt, thời thượng, trend, thể hiện đẳng cấp, phong cách cái tôi, gu riêng, ...

Vậy insight khách hàng của bên bạn là gì?

4. Cách viết content phù hợp với khách hàng?

Đầu tiên, bạn phải trả lời được các câu hỏi:

Khách hàng của bạn là ai?

Phong cách của họ là gì?

Họ thích nghe gì? Xem gì? Vào thời gian nào?

Với khách hàng giàu có hiểu biết, giàu có đừng cố dạy bảo họ. Hãy lắng nghe và chia sẻ với họ.

Với khách hàng chưa hiểu sản phẩm hãy kiên trì chỉ dẫn, khuyến khích họ.

Với khách hàng tham lam, thích giá rẻ hãy cho họ thấy họ là người đang có lợi.

5. Các dạng bài content trên fanpage

- Dạng thông tin, thông báo.

- Dạng hướng dẫn: hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn mua hàng, hướng dẫn vệ sinh, hướng dẫn bảo quản,...

- Video

- Inforgraphics

- Phỏng vấn

- Đánh giá

- Câu chuyện

6. Cấu trúc cơ bản của bài content

- Tiêu đề: mang chủ đề, insight: lý do khách phải đọc.

- Phần nêu vấn đề, insight: chọn 1 đối tượng và 1 vài insight

- Phần giải quyết vấn đề: Lý do để khách hàng tin

- Kêu gọi hành động: Lý do để khách hàng hành động.

Các phương pháp tạo content:

- Diễn giải

- Quy nạp

- Loại suy

7. Các nguyên tắc tạo content

Lưu ý đây là các nguyên tắc cá nhân mình tự đúc rút ra, mình cũng khuyên mỗi bạn nên tự đúc rút ra các nguyên tắc của chính bản thân mình.

Nguyên tắc 1: Chia nhỏ đối tượng: hãy tạo ra content như dành riêng cho đối tượng đó.

Nguyên tắc 2: Phải có thông tin mới, hấp dẫn để giúp họ ghi nhớ.

Nguyên tắc 3: Phải khơi gợi được hành động.

Đây là bài mình viết ngày 11 tháng 08 năm 2020 cho một buổi chia sẻ với đội ngũ Bá Minh Silk. Mong rằng cũng sẽ có ích với bạn!


Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

ĐỪNG COI CÔNG TY LÀ MỎ VÀNG, HÃY COI CÔNG TY LÀ MÁY KHAI THÁC VÀNG!

Tôi đã nhiều lần nói với các đồng đội của mình như vậy. "Đừng coi công ty là mỏ vàng, hãy coi công ty là máy khai thác vàng!". Mà sự thật đúng là như vậy còn gì, bây giờ đi làm lương bèo bọt đến mấy, thì cuối tháng các bạn lĩnh cũng phải mua được ít nhất 1 chỉ vàng (nếu ít hơn thì ở nhà cho khỏe), có bạn mua được 2 chỉ, 3 chỉ. Có người mua được cả cây vàng chứ chả ít.


Nếu bạn coi công ty là mỏ vàng, hàng ngày đến làm việc hời hợt, đến cuối tháng các bạn cầm vàng về nhà. Thì rồi cuối cùng cái mỏ vàng ấy cũng hết, công ty phá sản. Và bạn cũng hết nguồn thu nhập, đến lúc đó chắc gì bạn đã có thời gian để tìm được mỏ vàng khác?!

Còn nếu bạn coi công ty là máy khai thác vàng thì sao? Hãy giúp cái máy đó hoạt động trơn tru để nó tìm ra thật nhiều vàng một cách nhanh nhất (Công ty phát triển). Khi có nhiều vàng rồi, hãy giúp công ty mua thêm nhiều máy khai thác vàng nữa (Công ty lớn mạnh). Rồi hãy cái tiến cái máy khai thác vàng đó, bằng cách trang bị cho nó công cụ dò tìm vàng, để tìm các mỏ vàng mới (sản phẩm mới, dịch vụ mới, ngành kinh doanh mới). Rồi nếu được hãy nghĩ cách để biến vàng thành những trang sức đẹp được nhiều người yêu thích (Phát triển giá trị cho công ty). Nếu các bạn làm được như vậy, số lượng vàng các bạn mang về sẽ ngày một tăng, và sẽ là vô tận.

Và để làm được điều đó, trước khi lên ý tưởng và hành động. Bạn phải tự vấn xem ý tưởng đó, hành động đó có giúp phát triển, có lợi cho công ty của bạn hay không.

Bài viết mình viết và đăng trên facebook ngày 09/03/2020.



Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Xây dựng thương hiệu từ con số 0: Cần biết từ chối khách hàng!

"Tự lượng sức mình" và "Một lần bất tín vạn lần bất tin" là 2 câu nói luôn hằn sâu trong đầu tôi khi xây dựng hình ảnh của một thương hiệu. Thương hiệu là bộ mặt của một doanh nghiệp, thương hiệu sẽ hằn sâu và tồn tại bền vững. Thương hiệu có cá tính thì dù cho google hay facebook có sụp đổ thì khách hàng vẫn tìm thấy bạn. Chính thương hiệu là ngọn hải đăng giúp dẫn lối chỉ đường để khách hàng đến với bạn. Tôi nghĩ vậy!
Và việc xây dựng thương hiệu là công việc liên tục không ngừng nghỉ. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ thì mọi hoạt động của doanh nghiệp chính là những viên gạch hoặc nhát búa làm nên thương hiệu.
Với doanh nghiệp nhỏ thì cách thức bạn bán hàng là cách xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững nhất. Vậy bán như thế nào thì đúng cách, giúp xây dựng được thương hiệu. Theo tôi có 2 điểm như sau:
Thứ nhất, bán cho đúng người. Bán cho đúng người tức là bán cho người thực sự cần sản phẩm/dịch vụ của bạn. Sau khi họ mua sản phẩm/dịch vụ của bạn họ cảm thấy thoải mái, hài lòng. Đừng bao giờ bán cho 2 trường hợp sau: người đang phân vân, chưa tin tưởng vào sản phẩm; người chưa hiểu về sản phẩm, chưa biết mình cần cái gì. Cả hai trường hợp này rất dễ bị tác động bởi kẻ thứ 3. Và kẻ thứ 3 luôn là kẻ phá đám hạnh phúc.
Thứ hai, đừng có tham lam. Hãy tự lượng sức mình, mình có như thế nào thì "phơi hàng" ra như vậy. Hãy để trải nghiệm của khách vượt qua kỳ vọng. Họ sẽ quay lại với bạn. Sản phẩm/dịch vụ của bạn có nhược điểm gì hãy thừa nhận với thái độ cầu tiến. Khách hàng sẽ chấp nhận nhược điểm đáng yêu đó thôi.
Chính những điều trên sẽ góp phần cho thương hiệu của bạn lớn lên một cách vững bền.
P/s: Một ngày mưa lạnh và ế ẩm 

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

KhaiSilk - Chịu đau để cắt bỏ "ruột thừa"

Người ta nói "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Bao công sức gây dựng thương hiệu KhaiSilk giờ sụp đổ hoàn toàn. Nhưng bác Khải "bán danh ba đồng" liệu có đúng giá?
Đầu tiên, phải khẳng định bác Khải đi lên và gây dựng thương hiệu từ lụa tơ tằm. Bác ấy là người có công nâng tầm danh tiếng cho thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam trở thành một sản phẩm cao cấp, niềm tự hào dân tộc. Điều đó chứng minh qua, niềm tin của khách hàng (bao gồm cá nhân, công ty, cơ quan đoàn thể) đối với thươnng hiệu KhaiSilk. Bước vào cửa hàng của bác ấy thì chỉ việc chỉ tay lựa sản phẩm và thanh toán, không cần phải kiểm tra. Và sản phẩm của bác ấy được dành tặng cho những vị khách, đối tác quan trọng nhất.
Là sản phẩm mang lại thương hiệu cho bác ấy. Nhưng từ lâu mảng kinh doanh lụa đã trở thành "khúc ruột thừa". Nhìn lại quá trình kinh doanh của bác ấy, thì từ năm 1996 bác ấy đã chuyển qua lĩnh vực bất động sản, và tập trung kinh doanh bất động sản từ năm 2006. Tập đoàn KhaiSilk giờ đây là một tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, ẩm thực, du lịch. Những ngành này đương nhiên mang lại doanh thu lớn hơn gấp nhiều lần mảng lụa tơ tằm, dẫn tới bác ấy không còn chú trọng vào đầu tư cho mảng này nữa.
Điều này được bác ấy chứng minh qua việc thừa nhận việc nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Có thể là từ những năm 90 rồi. Thực ra việc nhập lụa Trung Quốc đâu có gì sai, họ là cường quốc số một về lụa tơ tằm. Chắc chắn chất lượng tơ tằm của họ không nhận mình là số một thì chẳng nước nào dám nhận. Cái sai là bác ấy giấu điều đó và gắn cho nó cái mác "Made in VietNam". Và "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Với tầm của bác ấy, chắc chắn việc này đã được dự liệu từ khi mới bắt đầu, nhưng vì thương hiệu của mình, bác ấy đã nhắm mắt làm tới.
Chính nguyên nhân này, khiến cho "khúc ruột thừa" đó. Nếu như bình thường, nó sẽ yên phận sống trong hoà bình với bác ấy đến cuối đời. Nhưng "khúc ruột thừa" của bác ấy có bệnh, và sẽ đến ngày nó phát bệnh và cần được cắt bỏ. Và ngày đó đã đến. Nhưng nó đến quá bất ngờ, đến trong lúc bác ấy không chuẩn bị, đến mức có thể nói là cắt bỏ mà không được tiêm thuốc giảm đau.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra là tại sao bác ấy lại cúi đầu nhận lỗi?
Câu trả lời có thể được dự đoán như sau:
Thứ nhất, với bác ấy thương hiệu cá nhân có sức ảnh hưởng lớn hơn thương hiệu công ty. Cái tên của bác ấy gắn liền với mọi hoạt động của công ty, nó mang lại danh tiếng, uy tín cho các hoạt động đó. Vậy nên bác ấy phải giữ lại. Không phải ai cũng đủ dũng khí để thừa nhận việc làm sai trái "long trời lở đất" đó. Xử lý như vậy đã vớt vát được một phần nào đó thương hiệu cá nhân của bác ấy. Kể từ đây, bác ấy có thể trút bỏ gánh nặng bao lâu nay, và tập trung vào việc khác.
Thứ hai, đã đến lúc tập đoàn của bác ấy thay đổi cơ cấu, chuyển dịch giá trị cốt lõi từ mảng lụa tơ tằm sang một ngành khác có lợi nhuận cao hơn, dễ phát triển hơn. Vậy thì nhân cơn đau này, thì phẫu thuật, cắt bỏ đi "khúc ruột thừa" này.
Có lẽ "bán danh ba đồng" cũng coi như là được giá!


Thứ Hai, 8 tháng 5, 2017

Khăn lụa tơ tằm – Lỗi “duyên” của sản phẩm thủ công

Cách đây ba năm, trước khi biết đến khăn lụa tơ tằm. Tôi là nhân viên bán hàng của một cửa hàng đồ gốm thủ công nghệ thuật. Cửa hàng đó bán các sản phẩm đồ gốm thủ công gồm: Gốm Đông Gia của Francois Jalov, Gốm Mai của hoạ sỹ Bùi Hoài Mai, Gốm Chi ở Yên Viên Gia Lâm. Đây là những sản phẩm gốm thủ công hoàn toàn và vô cùng độc đáo. Gốm Đông Gia nổi bật ở men chảy huyền ảo, gốm Mai là các hoạ tiết cổ, gốm Chi độc đáo ở sự độc bản, không đụng hàng. Chính từ những ngày đó, đã khơi gợi tình yêu của tôi đến sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam.
Những ngày tháng đó, đã giúp tôi hiểu được sản phẩm thủ công được hình thành như thế nào. Và tại sao sản phẩm thủ công nó có giá trị quý báu. Giá trị của sản phẩm thủ công không chỉ ở vẻ đẹp, sự tinh tế. Cũng không chỉ ở sự tỉ mỉ, nắt nót của người làm ra nó. Mà giá trị của sản phẩm thủ công còn là cái tình cảm của người nghệ nhân trong lúc làm ra nó.
Bạn biết không, sản phẩm thủ công không có cái nào có thể giống hoàn toàn cái nào cả. Cùng 1 loại cốc, khi vui người thợ sẽ làm cái cốc rất đẹp, nước men rất sáng. Nhưng khi buồn, người thợ chỉ cần quá tay thôi là nước men của chiếc cốc có thể đậm hơn hoặc nhạt hơn rồi.
Hay cũng ở một mẻ nung, chiếc cốc ở đáy lò sẽ cho màu men khác chiếc ở giữa và chiếc ở trên cùng. Đó chính là điểm khác biệt của sản phẩm thủ công. Và đó chính là điều tuyệt vời của sản phẩm thủ công có được.
Có một kỷ niệm của tôi như thế này. Một lần có một chị Việt kiều Mỹ qua cửa hàng, sau một lúc lựa chọn. Chị chọn được 1 chiếc đĩa vân của Gốm Mai có màu ngọc bích rất đẹp. Nhưng chị vẫn không hài lòng và băn khoăn chưa chọn nó. Tôi đến và hỏi chị, thì được biết là chiếc đĩa có 1 cái lỗ nhỏ trên mặt đĩa, nếu nhìn kỹ mới phát hiện ra được. Và vấn đề ở đây, khi chị ấy đã nhìn lấy cái lỗ đó, thì có nhìn thế nào chị cũng sẽ thấy cái lỗ ấy và không hài lòng.
Tôi cầm 2 cái đĩa vân lên và nói với chị rằng: “chị không nên chọn cái đĩa có lỗ, vì nó sẽ là cái gai trong mắt của chị khi dùng sau này, chị sẽ không thoải mái với nó. Chị nên chọn cái đĩa khác, tuy màu men nó không đẹp bằng cái kia, nhưng nó là cái hoàn thiện hơn chị ạ. Nhưng chị thấy đấy, sản phẩm thủ công không có cái nào hoàn hảo cả, kiểu gì nó cũng có 1 lỗi nhỏ nào đó. Và em gọi nó là lỗi “duyên”. Vì chả có cái nào lỗi giống cái nào cả.”
 Và các bạn biết không, chị ấy đã lấy cả 2 cái đĩa đó vì lỗi “duyên” của chúng. Và cái lỗi “duyên” bây giờ không gây khó chịu nữa. Mà lỗi “duyên” đã đem lại niềm hạnh phúc, sự độc đáo đáng tự hào.
Quay lại với khăn lụa tơ tằm, tôi đến với nó vì yêu sản phẩm thủ công, yêu sản phẩm Việt Nam. Cũng như gốm, khăn lụa thủ công đẹp nhưng không hoàn hảo. Nhưng tôi thích sự không hoàn hảo đó. Cũng là chiếc khăn lụa tơ tằm, hôm nay nó được làm ra rất mềm mại, nhưng hôm sau nó có thể hơi thô hơn 1 chút, dung rồi nó sẽ mềm mại. Cũng là chiếc khăn tơ tằm đũi, nhưng có chiếc nối đoạn tơ còn thừa 1 chút, có chiếc tua hơi ngắn. Nhưng tổng thể chiếc khăn vẫn rất đẹp. Thì đó được gọi là lỗi “duyên” của khăn lụa tơ tằm thủ công.
Nói như vậy không phải bao biện cho việc sản phẩm lỗi. Và không phải lỗi nào ở khăn lụa tơ tằm thủ công cũng là lỗi “duyên”. Lỗi “duyên” là lỗi vô tình người thợ mắc phải, và tổng thể 1 sản phẩm thì lỗi đó không gây ảnh hưởng đến vẻ đẹp, chất lượng của sản phẩm đó. Có khi lỗi “duyên” đó mang lại sự sáng tạo, độc đáo của khăn lụa tơ tằm thủ công, mà muốn lặp lại cũng không được. Còn lỗi do cố ý hay thiếu trách nhiệm là điều phải tuyệt đối phải tránh.
Đứng trên góc độ khách hàng, ai cũng muốn có 1 sản phẩm đẹp và không bị lỗi. Lụa tơ tằm Bá Minh cũng đang hướng đến điều đó. Chúng tôi luôn muốn tìm kiếm, sáng tạo và làm nên một chiếc khăn đẹp và hoàn thiện nhất.
Xem thêm các thông tin về lụa tơ tằm Bá Minh tại: fanpage Lụa tơ tằm Bá Minh

Thứ Hai, 17 tháng 4, 2017

Thẳng thắn, rõ ràng trong mua và bán

Trong cuộc sống nói chung, trong kinh doanh nói riêng, muốn nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của đối tác bạn phải thể hiện được mình là một người rõ ràng và minh bạch. Xét một cách tương đối, con người chúng ta ai cũng bình đẳng và ngang hàng với nhau. Vậy thì cứ gì bạn phải quy luỵ, rón rén, sợ sệt trước người khác, khi bạn cần phải đưa ra chính kiến và quyết định cá nhân.
Kinh doanh cũng vậy, khi bạn ngồi với đối tác thương thảo hợp đồng. Giữa bạn và đối tác ở vị thế ngang hàng, bình đẳng, vậy tại sao bạn không thẳng thắn đưa ra nhận định cái bạn đồng ý và không đồng ý với khách hàng? Tại sao bạn không từ chối thẳng thừng khi thấy cái hợp đồng đó có lợi cho bên bạn?

Hôm nay, tôi gặp một câu chuyện mà khiến tôi rất thất vọng về một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp về gia công phần mềm (Ominext JSC). Dù chỉ là một chuyện buôn bán nhỏ mà tôi thấy cách ứng xử của cả nhân viên và sếp của nhân viên đó vô cùng tệ hại. Câu chuyện như sau:

Sáng nay, tôi có nhận được cuộc điện thoại của bạn Hồng, có bảo là ship 2 cái khăn choàng tơ tằm màu xanh và tím đến cho công ty bạn ấy tặng quà cho đối tác. Tuy nhiên, do cái khăn màu xanh đã hết, nên tôi cả bảo sẽ mang một số màu khác đến để bạn ấy chọn thế vào màu xanh. Bạn ấy đồng ý. Khi đến nơi, bạn Hồng và một bạn nữa (tên Trà) bắt đầu chọn khăn (tôi mang khoảng 20 cái).  Sau một hồi, mở mấy cái khăn, các bạn ấy chưa biết chọn cái nào. Nên gọi chị sếp lên để quyết định (hình như tên Vân). Chị ấy lên tuyên bố hùng hồn sẽ mua 10 cái và sau này sẽ tiếp tục mua tiếp để tặng quà đối tác, và muốn tôi giảm giá.
Tôi những tưởng ở vị trí cao trong công ty, mọi lời nói của chị là thật là chính xác. OK! Lần đầu, nếu mua tôi sẽ giảm giá 5%, từ lần thứ 2 tôi giảm giá 10%.
Tiếp đến, cái chị sếp lấy 2 cái trước để đi tặng khách hàng và bảo 2 cô nhân viên chọn 8 cái còn lại, còn dặn dò phải mở từng cái để xem kỹ (@@).
Và rồi, trong hơn 1 tiếng đồng hồ, các bạn ý mở tung từng cái 1, xem xét từng lỗi nhỏ. Dù tôi đã nói, hàng thủ công nó sẽ không thể tránh khỏi, tổng thế những chiếc khăn của tôi là vô cùng đẹp. Sau khi chọn được 7 cái (1 cái ưng màu, nhưng khăn bị lỗi), bạn chọn khăn bảo tôi chờ để báo với sếp. Tiếp tục công cuộc chờ 15'. Sau đó, bạn ấy đến với tờ phiếu chi và ngọt ngào nói: "anh ơi, giờ em thanh toán 2 cái khăn sếp em chọn. Anh để riêng 7 cái khăn đó, mang về, chiều anh mang cùng 1 cái thiếu lên và cả hộp nữa nhé. 2 cái này anh giảm giá 5% nhé anh". Tôi nói "ok, vậy chiều anh mang qua nhé".
Nhận xong tiền 2 chiếc khăn. Vừa vào thang máy, bạn ý gọi cho tôi "anh ơi, chiều anh không phải mang khăn qua nữa nhé, lúc nào cần bên em sẽ gọi anh". Trong đầu tôi "what the fuck?, lại bị lừa rồi". Không ưng sao không nói thẳng ra? còn hứa hẹn làm gì?
Điều đó không làm cho các bạn được thương yêu hơn đâu, nó chỉ làm cho đối tác của các bạn càng xem thường, không tin tưởng ở bạn. Và họ sẽ không làm việc với bạn lần thứ 2. Cả sếp và nhân viên ở công ty này thật sự yếu kém, ứng xử quá tệ, thiếu bản lĩnh. Một việc nhỏ mà xử lý như thế thì việc lớn các bạn sẽ làm như thế nào?
Tôi tặng các bạn 5% đó và tôi sẽ không bao giờ làm việc với các bạn nữa.

Hãy thẳng thắn, minh bạch và có bản lĩnh trong mọi trường hợp!