Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Review sách "Con đường Hồi giáo"

- Trung Đông: Giếng dầu thế giới, chiến tranh, bạo loạn, nội chiến, di dân,...
- Hồi giáo: IS, Taliban, Khủng bố, đánh bom cảm tử, hành quyết, ....

Nhắc đến hai từ Trung Đông, Hồi giáo là một loạt hình ảnh không mấy tốt đẹp như trên hiện lên trong đầu tôi. Đặc biệt, sau khi xem bộ phim "Hành trình của sự sống và cái chết" thì những hình ảnh đó lại càng ám ảnh hơn bao giờ hết. Đất nước Syria nói riêng và Trung Đông nói chung đối với tôi đó là vùng đất "địa ngục trần gian", nơi người dân phải chạy trốn khỏi chính quê hương mình để tìm kiếm một vùng đất mới tốt đẹp hơn. Và nhiều người trong số đó đã phải bỏ mạng trong cuộc chạy trốn quê hương. Phần lớn những người bỏ mạng là phụ nữ và trẻ em, thành phần không có khả năng tự bảo vệ .

Tôi đọc quyển Con đường Hồi giáo (tác giả: Nguyễn Phương Mai) với hy vọng sẽ hiểu thêm về vùng đất này. Để giải thích tại sao một vùng đất với nguồn tài nguyên dầu mỏ lớn như vậy mà nhân dân sống cơ cực đến thế, tại sao vùng đất đó lại sản sinh ra một tôn giáo cực đoan, hiếu chiến và tàn ác đến như vậy.

Con đường Hồi giáo là hành trình đi qua 13 đất nước thuộc vùng Trung Đông. Qua mỗi đất nước sẽ cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng tựu chung lại, tác giả đã cho ta thấy một Trung Đông với sự đối chọi khủng khiếp giữa các giá trị đối lập: Giữa Hồi giáo và các tôn giáo khác, giữa dân chủ và chế độ độc tài, giữa hiện đại và truyền thống, giữa cái cũ và cái mới, giữa giàu sang tột đỉnh và sự nghèo đói đến cùng cực. Đồng thời cho ta thấy, Mùa Xuân Ả Rập là một cuộc cách mạng thất bại, nó không mang đến cho người dân nơi đây sự dân chủ, cuộc sống ấm no mà ngược lại, Mùa Xuân Ả Rập mang đến sự khủng hoảng về kinh tế, chính trị đẩy người dân vô tối đến cuộc sống cùng cực.

Con đường Hồi giáo còn dẫn chúng ta ngược về quá khứ , giúp chúng ta hiểu hơn về Hồi Giáo, và sự vĩ đại của vùng đất Trung Đông. Chính nơi đây là cội nguồn của 3 tôn giáo lớn của thế giới: Đạo Do Thái, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Ba tôn giáo này chính là ba người anh em có chung nguồn gốc. Và người em út Hồi Giáo là tôn giáo sau cùng của loài người được thượng đế truyền lại cho thiên sứ Muhammad qua cuốn kinh Quran. Khởi đầu, Hồi giáo cùng với người đứng đầu là Muhammad là tôn giáo tiên phong trong phong trào giải phóng nữ giới. Qua các thời kỳ các thầy tu đã vặn xoắn các giá trị Muhammad để lại và dùng sức mạnh của Hồi Giáo để phục vụ mục đích chính trị, hòng xây dựng một nhà nước Hồi Giáo thống trị thế giới. Khiến cho Hồi giáo trở nên "xấu xí".

Ngoài ra, tác phẩm còn cho ta thấy được một Trung Đông nhiều màu sắc với trầm tích văn hóa ngàn năm, những công trình kiến truc vĩ đại.

Thực sự để cảm nhận và hiểu hết được tác phẩm thì bạn phải đọc nó không dưới một lần. Đây là cốn sách hay dành cho những bạn nào muốn tìm hiểu và khám phá vùng đất Trung Đông kỳ bí.

Review sách "Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn"

Cuốn sách "Tôi muốn cuộc đời như tôi muốn" của tác giả Varun Agarwal dài 319 trang, được chia thành 4 phần chính. Cuốn sách là chia sẻ của tác giả về một giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình, và là câu chuyện về hành trình trở thành doanh nhân của anh và người bạn thân.



"Cuốn sách này là tất cả những kinh nghiệm tôi có được khi vật lộn khởi nghiệp một công ty với thằng bạn chí cốt Rohn Malhotra."

Khi đọc xong cuốn sách này, thực sự thì tôi thấy nó không phải là một cuốn sách đặc sắc, không chứa đựng một nội dung quá sâu sắc hay rộng lớn như những cuốn sách cùng thể loại. Về cách viết thì tác giả cũng đã tự thừa nhận "tôi chẳng phải nhà văn nhà veo gì" và "tôi chỉ là một người kể chuyện". Tác phẩm được viết gần với văn nói hằng ngày, hay đúng hơn là tác giả đang kể cho chúng ta nghe về trải nghiệm của mình. Về ngôn ngữ, có lẽ do tác giả là một người còn rất trẻ (sinh năm 86), nên các từ ngữ rất quen thuộc với giới trẻ, ngôn từ rất đời thường, dễ đọc, dễ cảm nhận. Khi đọc cuốn sách này bạn chẳng phải căng óc ra suy nghĩ, mà đơn giản chỉ cần đọc nó như một cuốn truyện bình thường.

Điểm tôi đánh giá cao nhất ở cuốn sách này chính là tác giả đã kể chuyện rất tự nhiên, rất thật và rất gần gũi với lớp trẻ. Đọc những câu chuyện mà tác giả kể, bạn có thể thấy phần nào chính bản thân mình trong đó. (Đó là những câu chuyện về tình bạn, về trai gái, về tình mẹ con, quan điểm sống, và những khó khăn mà xã hội Ấn Độ vô tình tạo ra cho giới trẻ nói chung và những người muốn khởi nghiệp nói riêng).



Cuốn sách có thể là một cách giải trí cho bạn vào lúc rảnh rỗi, nó sẽ mang lại cho bạn những phút giây thư giãn sau những lo toan của cuộc sống áp lực, đôi lúc bạn sẽ bật cười vì những chuyện trong cuốn sách. Nó cũng giúp bạn lấy lại được tinh thần nếu như bạn đang gặp khó khăn trong công việc. Những bạn đã và đang sắp khởi nghiệp cũng nên đọc cuốn sách này, để hình dung ra những khó khăn mà mình sắp gặp phải.