Hiển thị các bài đăng có nhãn Cá nhân. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Cá nhân. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2022

Đánh thức 5 giác quan để sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại?

Nhiều người bây giờ cứ nói rằng "sống thiếu muối", "sống nhạt", "cần thêm muối cho một mối quan hệ", "thêm muối cho cuộc trò chuyện". Nhưng như thế nào là sống "mặn"?

Sống "mặn" là phải biết chơi nhiều trò? Sống "mặn" là đi nhiều nơi, gặp nhiều người? Sống "mặn" là phải biết nói chuyện vui vui, xàm xàm, không quá nghiêm túc? Sống "mặn" là nắm rõ kịp thời các drama? Nếu không phải những thứ đó thì là điều gì khiến cho chúng ta sống "mặn" hơn nhỉ?

Trong xã hội hiện đại, khi tất cả đều cần mặn hơn mà mình cứ nhạt thì mình sẽ bị đá văng khỏi xã hội. Và xã hội thì luôn phát triển đi lên, vì thế mình cũng cần phải mặn theo chiều hướng tích cực. Nếu không mặn quá lại thành biển chết.

Đạo Phật khuyên chúng ta sống với ý thức và an trú trong giây phút hiện tại để có được hạnh phúc? Nói thì dễ, làm thì khó. Đặc biệt là với đại đa số con người đại chúng chúng ta hiện nay. Có cách nào dễ hơn để thực hiện điều đó, làm sao chúng ta có thể rung động với cái thế giới mà chúng ta đang sống?

Cảm nhận! Chỉ có cách là cảm nhận cuộc sống một cách thật rõ ràng, hòa mình vào cuộc sống. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể sống trong hiện tại. Đừng nuôi tiếc quá khứ đã qua, đừng lo lắng cho tương lai chưa tới. Chúng ta phải cảm nhận bằng tất cả các giác quan mà trời ban cho ta, chúng ta đã phí hoài các giác quan của mình quá lâu rồi. Và các giác quan của chúng ta gần như đã bị thui chột. Các giác quan của chúng ta có gồm 5 giác quan: tai để nghe, mắt để nhìn, mũi để ngửi, lưỡi để nếm, da để chạm.
Trong lúc đi ăn, tôi đã từng hỏi bạn tôi: "Món này có ngon không?". Bạn tôi bảo có, tôi hỏi ngon thế nào? Bạn tôi bảo ngon là ngon thôi, không biết diễn tả thế nào cả.
Khi nghe một bản nhạc, mình thấy nó hay nhưng có biết nó hay vì sao không? Hay đơn giản chỉ thấy vui tai, hoặc nhiều người bảo nó hay.
Xem một bộ phim, làm sao để biết nó hay ở chỗ nào? Hài hước ở chỗ nào? Xúc động ở chỗ nào?

Tôi đang bắt đầu học cách sử dụng lại các giác quan mà tôi đang bỏ quên. Bởi tôi biết rằng để sống hạnh phúc, để sống sâu sắc, hay đúng hơn là sống mặn hơn. Chỉ có một cách là mình phải sử dụng các giác quan đó một cách hiểu quả. Chúng chính là input, đưa những thông tin của cuộc sống vào bộ máy xử lý, chính là con người chúng ta.

Hồi trước, tôi nghe nhạc ít khi xem MV lắm. Bởi tôi thích nghe và tưởng tưởng vũ đạo của bài hát trong đầu của mình. Hình ảnh tôi thích nhất là vũ công ba lê. Bài hát lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm, lúc bổng thì động tác của vũ công đó cũng theo đó mà xuất hiện trong đầu của mình. Hoặc kể như đọc truyện, tôi cũng rất ít đọc truyện tranh, tôi thích đọc truyện chữ để tôi còn tưởng tượng. Lúc còn bé, tôi khâm phục các nhà toán học, nhưng lớn lên tôi lại sùng bái các nhà văn. Chỉ là tiếng gió thổi qua lá cây thôi mà sao họ nghĩ ra lắm hình ảnh thế. Gió thổi mạnh vào cây thì họ miêu tả như tiếng gào thét, gió thổi khẽ rầm rì thì như lời thì thầm của ai đó. Thật tuyệt!

Nhớ lại cái hồi mới quen Châu, ngồi với mấy bạn pha chế cà phê. Trong lúc họ thử cà phê, tôi tròn mắt vì ai cũng "húp" kêu soàn soạt cà phê vào miệng. Tiếng kêu rất to nhé, ai cũng thản nhiên như thế. Mình nghĩ trong đầu "uống kiểu gì kì thế". Nghĩ vậy nhưng chẳng nói ra, phải quan sát xem thế nào. Vì Địch đại nhân đã nói "Không có gì là ngẫu nhiên cả". Sau đó tôi tròn xoe mắt nghe mấy người này nói về hương, về vị. Tôi chột dạ, chết rồi lưỡi mình, mũi mình hỏng hết rồi sao. Sao mình không ngửi thấy, lưỡi mình không cảm được những điều đó nhỉ? Hỏng thật rồi.

Lại nói đến lụa, hồi đó tôi "chết" bởi lụa không phải vì nó đẹp, không phải ngửi nó thơm, cũng không phải nghe ai dụ dỗ. Tôi "chết" vì tôi chạm vào lụa. Một đống bông tơ tằm trắng muốt như mây, tôi vô tình thả cánh tay mình vào đó. Một cảm giác mát rượi ôm lấy cánh tay tôi, mơn man da tay. Rồi cánh tay tôi từ từ chìm vào trong đống bông đó. Từ bé đến giờ tôi chưa bao giờ chạm vào một thứ nào như vậy cả. Da tôi, cơ thể tôi như được đánh thức dậy.
Hình như tôi vừa phát hiện ra một cách để sống hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Đó là làm thức tỉnh các giác quan của mình, cho chúng tỉnh dậy sau những ngày dài ngủ quên. Để chúng giúp tôi biết: Bầu không khí mùa thu mát rượi đang vây quanh tôi, đang bao phủ ngập tràn Hà Nội. Trên đường, dưới những hàng cây thoang thoảng mùi hoa sữa. Sắc màu của mùa thu, con người của mùa thu cũng thật khác.

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2022

TINH TIẾN

Tôi đã từng học được từ giáo sư Phan Văn Trường trong mỗi buổi chia sẻ của thầy rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ Nice and Professional. Tức là dễ thương và chuyên nghiệp.
Tôi cũng học được từ bác Đại người đang làm nghề dệt đũi tơ tằm trong mỗi lần nói chuyện với bác rằng: Để làm việc hiệu quả và thành công, bạn cần phải có thái độ chân thành và hiểu biết.
Hai chia sẻ đọc qua có vẻ khác nhau, nhưng ngẫm kĩ 2 chia sẻ đó là một. Tại sao hai người ở 2 môi trường hoàn toàn khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng lại rút ra những bài học giống nhau?
Bác Đại thời trẻ bôn ba khắp đất nước, có khi sang Lào để buôn từng cân sợi. Bác chẳng học trường lớp nào, tất cả bác tự học ở trường đời. Ở tuổi 64, bác đã có đầy đủ nhà cao cửa rộng, con cháu thành công, tài chính dư dả. Nhưng bác vẫn miệt mài làm việc với tâm thế mà giới trẻ gặp bác chắc chắn phải cúi gằm mặt.
Thầy Trường thì quá nổi tiếng, thầy chinh chiến khắp nơi trên thế giới. Với tài năng thầy đưa một công ty lên vị trí số 1 thế giới. Ở tuổi 74, thầy đã có tất cả, nhưng thầy vẫn hăng say làm việc với sự chuyên nghiệp và tận tụy mà hiếm ai ở độ tuổi đó có được. Bạn gặp thầy bạn phải kinh ngạc.
Càng theo thời gian, sự tinh tiến của họ càng lớn dần.
----
Nhà nước Việt Nam chia các hộ gia đình thành các mức khác nhau để có chính sách hỗ trợ khác nhau. Hộ nghèo, hộ cận nghèo là các hộ được ưu tiên hỗ trợ. Ngày xưa có cả hộ đói, nổi tiếng với chính sách "xóa đói, giảm nghèo".
Ở quê, kì lạ là các hộ gia đình rất vui mừng đón nhận cái giấy hộ nghèo, hộ cận nghèo để được nhận tiền trợ cấp. Hồi còn nhỏ, tôi thấy bố mẹ tôi làm quần quật cả ngày nhưng nhà tôi chẳng có loa đài hát karaoke như nhà hàng xóm. Có một số nhà có loa đài, hát karaoke cả ngày nhưng họ được giấy hộ nghèo, nhà tôi thì không. Tôi thắc mắc trong lòng, nhưng không dám hỏi bố mẹ. Bố mẹ tôi cũng chẳng bận tâm điều đó. Sau này tôi mới biết, bố mẹ tôi có thể mua được những thứ đó, nhưng bố mẹ chưa vội mua. Bố mẹ tôi mua được xe máy đầu tiên, mua điện thoại di động đầu tiên, con cái đỗ đại học đầu tiên.
Đến bây giờ, nhà tôi có thể nói cũng có phần ổn định, anh em tôi có thể tự lo cho bản thân. Nhưng bố mẹ tôi giờ đây vẫn làm việc thật chăm chỉ.
----
Từ khi xác định lại bản thân, tôi nghĩ rằng con người có ba nhóm:
Nhóm thứ nhất, người tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu của bản thân. Vì tạo ra được ít giá trị hơn nhu cầu nên họ luôn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.
Nhóm thứ hai, người tạo ra được giá trị vừa đủ với nhu cầu của bản thân ở hiện tại. Vì tạo được giá trị vừa đủ dùng ở hiện tại, nên trong những trường hợp khấn cấp, bất ngờ họ vẫn cần sự giúp đỡ hỗ trợ.
Nhóm thứ ba, người tạo ra được giá trị dư thừa hơn so với nhu cầu của bản thân ở hiện tại và tương lai. Họ không cần sự giúp đỡ, mà họ giúp đỡ 2 nhóm người kia.
Việc mình chọn vào nhóm người nào tùy thuộc vào sự lựa chọn, tinh tiến của bản thân.
----
Nếu mục tiêu cuộc đời con người phấn đầu vì tiền tài, danh vọng. Nhưng lúc chết đi thì cũng không thể mang theo những thứ đó đi cùng được. Nếu vậy thì rốt cuộc phấn đấu cả một cuộc đời cho đến khi kết thúc, đối với bản thân người đó là vô nghĩa sao? Vậy con người phấn đấu vì điều gì? Tôi thật sự không đành lòng mất mấy chục năm cuộc đời để trải nghiệm và học hỏi rồi để mất đi vô nghĩa như vậy.
Trong vũ trụ này, có điều gì xảy ra là vô nghĩa không? Hay mọi thứ xảy ra đều có một ý nghĩa nhất định nào đó.
Tác giả Kazuo trong cuốn "Con đường đi đến thành công bằng sự tự tế" đã viết: "Nhưng không hẳn là mọi thứ trả về không. Tôi tin rằng "linh hồn" tồn tại sâu thẳm trong trái tim con người sẽ tồn tại như kết quả của một đời, thậm chí có thể mang sang tận tương lai.
Nếu vậy, con người sẽ có linh hồn như thế nào khi chết đi sẽ quyết định giá trị của một đời, không phải sao? Nghĩa là mục đích cuộc đời không phải là kiếm tiền, lập thân xuất thế hay nói cách khác, là đạt được thành công mà là tạo dựng linh hồn tốt đẹp và cuộc đời chính là không gian, thời gian nhất định được trao cho con người để mài giũa linh hồn...
... Hễ còn sống thì không ngừng tinh tiến."

Giải thích cho từ Tinh tiến:  có nghĩa là:
Chỉ năng lực, ý chí làm những điều thiện, tránh những điều bất thiện. Tinh tiến là yếu tố thứ 6 trong Bát chính đạo và chính là Bốn tinh tiến, ngoài ra Tinh tiến là một trong Năm lực, một hạnh Ba-la-mật-đa, một trong Bảy giác chi, một trong năm Căn (indri-ya).

Chánh tinh tấn

“Tinh tấn” có nghĩa là siêng năng, cố nắng, chú tâm. Chánh tinh tấn có nghĩa là cố gắng liên tục, không nản lòng tập trung đi đến lý tưởng đúng đắn mà minh đang theo đuổi. Sự quan trọng của Chánh tinh tấn thể hiện ở chỗ nếu ta đặt ra vô số mục tiêu nhưng không kiên trì đến cùng với nó thì sẽ không thể gặt được quả ngọt. Chánh tinh tấn là thực tập tiêu diệt các tật xấu đồng thời vun đắp những điều tốt, thực tập trau dồi trí tuệ và phước đức, kiểm soát bản thân, lời nối, ý nghĩ sao cho đúng đắn, ngay thẳng.

Bốn tinh tiến là:

  1. Tinh tiến tránh làm các điều ác chưa sinh (s: anutpannapāpakākuśaladharma);
  2. Tinh tiến vượt qua những điều ác đã sinh (s: utpanna-pāpakākuśala-dharma);
  3. Tinh tiến phát huy các điều thiện đã có (s: utpan-nakuśala-dharma), nhất là tu học Bảy giác chi;
  4. Tinh tiến làm cho các điều thiện phát sinh (s: anutpannakuśala-dharma).

Bốn tinh tiến chính là Chính tinh tiến trong Bát chính đạo.

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

"Nhân chi sơ tính bản thiện" là một câu nói sai!

Trước đây, tôi vẫn nghĩ câu này đúng. Nhưng vẫn có điều gì đó lấn cấn. Nếu con người sinh ra vốn bản thiện tại sao lại có người ác?
Tôi đã nhẩm câu "Nhân chi sơ tính bản thiện" cả nghìn lần. Và tôi ngẫm ra rằng câu này thật ra không đúng, hay đúng ra chỉ là một nửa của sự thật. Chuẩn phải là "Nhân chi sơ tính bán thiện". Con người sinh ra có một nửa là thiện, nửa còn lại là ác. Tức là con người sinh ra vốn chứa đựng đầy đủ tính chất của vũ trụ, là một cá thể toàn vẹn đầy đủ tính chất.
Nhưng lớn lên và sống trong môi trường phù hợp với hạt giống thiện sẽ có tính thiện chủ yếu. Còn nếu sống trong môi trường phù hợp với hạt giống ác sẽ có tính ác chủ yếu. Không ai thiện hoàn toàn, không ai ác hoàn toàn.

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI TÔI (PHẦN 2)

Lụa tơ tằm thật là một thứ sợi tơ, một chất keo kết dính tuyệt vời. Nó giúp cho tôi gặp được những người thầy, người bạn, người chị, người anh, người đồng nghiệp tuyệt vời. Chị là một người chị tuyệt vời mà sợi tơ đã giúp tôi kết nối. Tôi coi chị là chị của tôi, và chị đã đối xử với tôi như một đứa em trai.

Người chị tuyệt vời hay cho em quà! Tôi vẫn nghĩ về chị như vậy. Gần như có gì ngon chị cũng cho tôi. "Cầm về mà ăn, đồ ở quê gửi ra đó", "Cầm lên cửa hàng cho các bạn nữa", có thể chị không nhớ, nhưng tôi luôn nhớ những câu nói đó. Chị cho tôi chuối, chị cho tôi gói bánh, chị cho măng khô, đến dịp tết chị còn cho tôi hương trầm để thắp tết (2 cái tết rồi nhà tôi không cần mua hương trầm nữa).
Quay về thời điểm tôi và chị gặp nhau. Tôi vẫn nhớ đó là một buổi chiều, khi tôi vừa giao hàng xong cho một nữ khách hàng ở Giảng Võ. Khi vừa ra khỏi ngõ, đang trên đường về thì nhận được cuộc gọi của chị. Cuộc đời nhiều lúc kỳ lạ các bạn ạ, nó dẫn ta đến những tình huống thật đặc biệt. Chị gọi cho tôi để hỏi "Loại khăn đó tôi bán là ở đâu, vì có thể đó là khăn của nhà chị, chỉ có nhà chị dệt". Tôi ngay lập tức hẹn gặp chị ở nhà của chị để nói chuyện phải trái, đúng sai.
Cứ tưởng sẽ có một buổi trao đổi căng thẳng, nóng bỏng. Nhưng không, gặp chị vừa nghe chị nói thì tôi đã "nhận ra chị". Chị là đồng hương của tôi. Buổi nói chuyện trở nên nhẹ nhàng, thân tình. Qua những gì chị nói tôi đã hiểu hơn về sản phẩm, hiểu hơn về nguồn gốc, hiểu hơn về công việc chị đang làm. Lúc đó, có một tiếng nói nhỏ trong đầu tôi rằng, người phụ nữ này có thể tin tưởng, hãy hợp tác với chị ấy.
Cách làm việc của chị thể hiện tính cách đặc trưng của người phụ nữ quê tôi. Mảnh đất nắng gió miền Trung đã tạo ra những người phụ nữ thật thà, tốt bụng, chịu khó. Mà đúng là nếu không chịu khó thì không thể làm nổi cái công việc này, không thể chịu nổi sự đòi hỏi của Bá Minh Silk. Từng đường kim mũi chỉ, từng đường viền khăn, từng cái tua rua đều phải cố gắng đạt mức chất lượng cao nhất. Tôi tin rằng chị và những người thợ ở quê chị còn có thể làm tốt hơn nữa.
Tôi và chị vẫn thường đi uống cà phê để nói về công việc, về những thứ mình có thể làm được cho sản phẩm, cho làng nghề. Chị là con người đơn giản lắm. Chị chỉ muốn mang sản phẩm quê hương ra với nhiều khách hàng. Chị chỉ muốn bà con ở quê có việc làm, có thêm thu nhập. Chị chỉ muốn giúp mẹ, giúp bà con giữ lại nghề, giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình. Tôi nghĩ chị không mơ ước lớn lao để giàu có, để làm việc lớn này việc lớn kia. Niềm vui của chị là bán được hàng, được khách hàng yêu thích. Và tôi cũng có một lời hứa với chị, đó là đưa chiếc khăn thổ cẩm đến với nhiều người hơn, đương nhiên là với tiêu chuẩn cao mà Bá Minh đề ra.
Sau một thời gian hợp tác, tôi nghĩ rằng tôi và chị sẽ cần cố gắng hơn nữa. Chúng tôi phải hợp tác bằng cái tốt nhất của mỗi người, bằng cái quan trọng nhất mà mỗi người muốn có. Bởi chỉ có vậy thì mới mang lại kết quả tốt hơn, mong muốn của mỗi người sẽ càng sớm được thực hiện hơn.
Từ khi gặp chị cho đến bây giờ, tôi mừng vì chị vẫn giữ được những gì tốt đẹp nhất của chị, mặc cho những khó khăn của cuộc sống. Chị là người phụ nữ có nụ cười "trăm lần như một", xem những bức ảnh của chị sẽ thấy điều đó. Tháng 10 đến, tôi muốn viết những dòng này để nói lên suy nghĩ của mình, và muốn cảm ơn chị đã luôn đồng hành cùng tôi qua những niềm vui, nỗi buồn. Đã có những lúc hai chị em chưa hiểu nhau, nhưng đều đã vượt qua được, thật là may mắn. Em chúc chị thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, và chị sẽ làm được những điều mình muốn, vững tin lền chị nhé!

P/s: "Chị có nhớ bức ảnh ni em và chị chụp chung là khi mô không?". Đó là ngày 6 tháng 3 năm 2021. Hơn 7 tháng rồi Cô vy khiến 2 chị em không có dịp ngồi uống cà phê và nói chuyện với nhau. Con virus này thật khủng khiếp, em biết giờ cũng đang là một giai đoạn khó khăn của chị, cố lên nhé!

KỲ VỌNG SẼ DẬP TẮT SỰ KHỞI ĐẦU!

 Tại sao tôi nói như vậy, bạn đọc câu chuyện này sẽ thấy rõ:

"Một sáng sớm tinh mơ, một người đàn ông chạy bộ dọc bãi biển. Ở phía xa, ông thấy một cậu bé có vẻ bận rộn. Cậu chạy lăng xăng cúi nhặt những vật gì đó rồi quăng nó xuống biển. Thoạt đầu, ông tưởng cậu đang chơi trò ném đá. Nhưng khi tiến lại gần, ông nhận ra những “viên đá” đó thì ra là những con sao biển bị mắc cạn trên bãi.
Vị cứu tinh nhỏ này đang cố gắng đưa chúng trở lại với biển, chạy đua với mặt trời mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ trở nên gay gắt và không tài nào chịu đựng nổi. Vừa thả những con sao biển xuống nước, cậu vừa nói: “Về nhà ngay nhé, bỗ mẹ mày đang đợi đấy!”
Người đàn ông thầm nghĩ: những cố gắng của cậu bé rồi sẽ chỉ là công cốc thôi. Làm sao có thể đưa hàng vạn con sao biển "về nhà” của chúng được? Ông gọi to: “Này nhóc, làm thế làm gì? Làm sao em cứu được tất cả những con sao biển?”
Cậu bé lại cúi xuống, nhặt một con sao biển và hét trả lời: “Nhưng cháu có thể cứu được con này mà. Nó sẽ được về nhà!” Cậu bé vung tay quăng con vật bé nhỏ xuống biển. Rồi lại lập tức cúi xuống với một con khác…"
Câu trả lời của cậu bé khiến ông bừng tỉnh! Rõ ràng cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Người đàn ông thầm nghĩ: Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Còn ông thì chỉ nhìn thấy một con số quá khổng lồ đến mức vô vọng.
Thế là ông cúi xuống nhặt một con sao biển lên và đưa nó về nhà.
Và khi thấy hai chú cháu làm như vậy, rất nhiều người khác trên bãi biển cũng nhặt những con sao biển để đưa chúng “về nhà”.
Chẳng bao lâu sau, hàng vạn con sao biển trên bãi biển hôm đó đã được “về nhà”…" (Câu chuyện sưu tầm trên internet)
Bạn thấy đấy cậu bé không kỳ vọng sẽ cứu hết tất cả sao biển, cậu bắt tay cứu từng con sao biển một. Những người kỳ vọng quá nhiều thường lại không bắt đầu được!

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

LẮNG NGHE HAY LÀ SỐNG MÒN

Đã lâu rồi tôi không còn xem thời sự. Tôi bị ám ảnh bởi bản tin thời sự đa phần là tin xấu. Tôi không tìm thấy niềm tin, sự lạc quan ở đó. Đã lâu rồi tôi đã cài đặt điện thoại im lặng khi nhận được tin nhắn. Bởi từ lâu tin nhắn điện thoại chỉ là rác. Tôi học cách quan sát, lắng nghe cuộc sống tự thực tế trải nghiệm của mình.

Con người chúng ta đang sống giữa: đói nghèo và giàu có, dối trá và sự thật, thờ ơ và quan tâm, thất bại và thành công, khổ đau và hạnh phúc. Đáng lẽ ra chúng ta được sống ở phần tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại đa phần lại đang ở nửa tiêu cực. Khi không có cách nào thoát ra được, chúng ta chấp nhận những gì mình đang có và đeo lên chiếc mặt nạ hạnh phúc giả tạo bởi những tiếng cười "công nghiệp". Tôi gọi tiếng cười "công nghiệp" bởi những tiếng cười đó giống nhau, vang lên cùng một lúc, tắt ngấm cùng 1 lúc, nhanh và không đọng lại gì cả.
Trong một xã hội, con người càng tìm tiếng cười bên ngoài, tiếng cười "công nghiệp" thì xã hội đó càng có vấn đề. Tôi tự hỏi sao bây giờ các nghệ sĩ hài lên ngôi đến thế? Các chương trình giải trí lại "mì ăn liền" đến vậy?
Khi tôi đi bộ trên Hồ Gươm, tôi thấy có một sự khác biệt hiện rõ giữa người Việt và người phương Tây. Họ nhìn thấy nhau, nhìn thấy chúng ta thì ánh mắt họ dừng lại ở người đối diện một cách "thân thiện", miệng mỉm cười rất thoải mái, họ luôn muốn kết nối. Còn người Việt đa phần đều lập tức quay mặt đi, kết nối lập tức bị ngắt.
Trong một xã hội, khi mỗi cá nhân muốn mình giống người khác và muốn người khác giống mình; khi mỗi cá nhân đều phải tỏ ra "bình thường"; khi những cặp mặt đều như vô hồn chỉ nhìn vào một ô hình chữ nhật phát sáng thì xã hội đó thật bức bí, chật hẹp.
Đáng lẽ mỗi cá nhân cần được lắng nghe và thấu cảm thì lại nhận được định kiến. Đáng lẽ mỗi cá nhân cần nhận được sự giúp đỡ thì lại nhận được sự chà đạp. Ai cũng cần được lắng nghe, ai cũng cần một chỗ dựa, dù cho người đó có mạnh mẽ tới mức nào. Bởi vì ai trong chúng ta đều có những vấn đề của mình.
Khi vui con người cười, khi tuyệt vọng con người cũng chỉ biết cười. Khi vui con người muốn được chia sẻ, khi tuyệt vọng con người cũng muốn được chia sẻ. Điều con người cần không phải sự phòng vệ. Càng phòng vệ càng tự cô lập mình lại. Mạng xã hội phát triển chứng minh cho nhu cầu được kết nối của con người. Bị kịch bắt đầu từ sự phòng vệ. Cái con người cần là sự lắng nghe, một cái bắt tay, một ánh mắt đồng cảm.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI TÔI (PHẦN 1)

Đi qua thị trấn Vân Đình, rẽ trái từ quốc lộ 21B sẽ bắt gặp một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Đáy. Chiếc cầu mà tôi đã đi qua cả chục lần để tới nhà người phụ nữ này.

Ở đầu bên thị trấn Vân Đình thì gọi là cầu Vân Đình, ở đầu bên kia thì gọi là cầu Phùng Xá. Lái xe từ bên Vân Đình qua, ta sẽ rẽ vào con đường nhỏ. Xe chạy dọc theo con đường phủ bê tông kiên cố, uốn quanh theo bờ con sông Đáy. Sông Đáy ở đoạn này vừa nông, vừa hẹp, hai bờ chỉ cách nhau vài chục mét. Dưới lòng sông, dòng nước xanh lững lờ chảy, phải nhìn kỹ lắm mới thấy dòng nước chuyển động.
Bờ bên này là thôn Hạ, bờ sông được gia cố bởi con đê bê tông chắc chắn. Dòng nước đập vào bờ bên này như bị hẩy sang bên bờ bên kia khiến dòng nước liếm vào bãi đất bồi ở bên đó, làm lở từng mảng đất. Nhìn từ bên thôn Hạ sang, bờ sông bên kia là một cánh đồng tương đối rộng. Trên cánh đồng đó là những thửa đất trồng hoa màu. Sát bờ sông thỉnh hoảng lại có những khóm dâu tằm phủ bóng lên mặt sông.
Nhà của người phụ nữ này gần ngay sông Đáy, bên cạnh con đường bê tông nhỏ. Cửa nhà quay mặt về con sông, chỉ cần đi thêm vài chục bước chân là ra tới dòng nước đang lầm lũi chảy.
Cổng nhà bác nhỏ, hai cái cột được đổ bằng bê tông, tôi nghĩ có khi tuổi đời của chiếc cổng bằng tuổi đời tôi. Hàng rào bê tông cao ngang mặt người. Trên hàng rào có gắn những mảnh thủy tinh lởm chởm, tuy đã cũ nhưng nhìn vẫn còn sắc bén. Những mảnh thủy tinh có màu xanh, trắng được gắn lẫn lộn, đây có lẽ là những mảnh chai thủy tinh đã được đập vỡ, bởi có nguyên cả cái đầu chai, đít chai được gắn trên hàng rào.
Bước chân qua cổng là sân. Sân liền cổng, mảnh sân láng xi măng nhỏ chỉ vừa đủ để được tầm chục chiếc xe máy. Ngôi nhà đã được xây từ lâu, không rộng, nhưng nếu như ở thời điểm lúc mới xây chắc cũng thuộc dạng khang trang nhất. Từ sân, bước vào thềm nhà bằng một bậc tam cấp. Trong gian phòng khách nhỏ, thẳng mặt ta là một chiếc tủ gỗ kiểu cũ, kính của tủ đã nứt vỡ, bên trong toàn bằng khen, huy chương để lẫn lộn bởi nhiều bàn tay lấy lên đặt xuống nhiều lần.
Nhìn chếch một chút sang bên trái, nơi bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ kiểu cũ, bác Thuận đã ngồi nói chuyện say sưa với vị khách trẻ. Người phụ nữ có dáng người nhỏ thó, bộ quần áo cực kỳ giản dị, có thể nói là đã cũ. Nhưng dù cũ thì đó vẫn là tơ tằm. Chẳng ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ đã hơn 70 tuổi mà có một giọng nói khỏe, đầy nội lực đến vậy. Ánh mắt như có thể đầy lùi được một tảng đá, đôi tay linh hoạt, bằng một trí nhớ đáng nể, bác kể lại câu chuyện nghề cho vị khách nghe.


Cuộc đời của bác, cuộc đời của ngành dâu tằm Phùng Xá gắn chặt với nhau, lên xuống, thịnh suy cùng nhau. Có nhiều người đến và đi trong ngành, nhưng bác vẫn ở lại, vẫn giữ lấy nghề.
Những hôm tôi đến, chưa thấy hôm nào bác không ngồi tiếp khách. Hết tốp khách này đến tốp khách khác đến nghe bác kể chuyện. Để cuối buổi thì mỗi người đều mua ít nhất 1 chiếc khăn hoặc mấy mét vải.
Bên cạnh bác, lúc nào cũng có bác trai ngồi lặng lẽ ở bên, bác trai không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng pha trà, rồi rót vào chén của mọi người. Hay đôi khi sẽ lấy mẫu khăn, mẫu vải mà bác gái cần đưa cho khách xem. Tôi được biết bác trai cũng đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ vợ làm nghề. Tôi nghĩ rằng "sau một người phụ nữ yêu nghề, cháy hết mình với nghề là một người đàn ông chung thủy và tận tụy". Điều này tôi thấy rất rõ trong nghề này, ít nhất là ở một vài gia đình khác mà tôi gặp.



Ngôi nhà của một người phụ nữ yêu nghề, bận rộn với nghề thật khác. Một cảm nhận mà tôi thấy rõ, vì một phần nào đấy tôi đã sống và lớn lên trong môi trường tương tự. Sẽ không phải một ngôi nhà sáng bừng, đẹp, sạch sẽ ngắn nắp. Sẽ hiếm có những bữa cơm mẹ nấu được bày biện ngon mắt. Ngôi nhà có chút không như mơ này, nhưng lại có một người phụ nữ đầy tình yêu và khát vọng.
Ở ngôi nhà này, bác gái là chỗ dựa, là thuyền trưởng, là người dẫn dắt cả gia đình, cả những người thợ vượt qua khó khăn. Bác gái là hình tượng của một nữ tướng, một lãnh tụ tinh thần cho những con người đi theo bác.
Tôi có may mắn gặp bác, làm việc và học hỏi bác trong gần 2 năm. Đã được nghe bác kể những câu chuyện, những chỉ dạy, có thể là khắt khe, nhưng cũng có nhiều bao dung. Có thể nói bác là người thầy đầu tiên của tôi trong nghề. Người đã truyền cho tôi tình yêu, sự bền chí.
Nhưng rồi đến một ngày tôi phải thoát ra để lớn lên, để theo kịp sự phát triển của xã hội, bước theo con đường mới, cách mới. Tôi đã thật buồn phải chia tay bác. Đã có sự đắn đo, do dự nhưng tôi vẫn phải quyết định cho ước mơ lớn. Cho đến bây giờ, trong lòng tôi luôn là sự biết ơn sâu sắc với bác. Chúc bác luôn mạnh khỏe!





Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

THÈM ĐƯỜNG

Thèm đường từ nhà ra phố, Thèm đường từ ngõ ra quốc lộ, Thèm đường từ nông thông đến thành phố. Thèm đường từ miền xuôi đến miền ngược.

Thèm đường đất mềm, hay đường bê tông cứng, Thèm đường đầy sỏi đá, hay đường nhựa êm ái, Thèm đường đầy sình lầy, hay đường đầy bụi mù.

Thèm đường bằng bằng, thèm cả đường dốc đứng, Thèm đường nhỏ xíu, thèm luôn đường rộng thênh thang, Thèm đường đại lộ thẳng tắp, thèm đường quê ngoằn ngèo, Thèm đường cạnh biển xanh và sóng, thèm đường vắt quanh núi và nằm trong mây.

Ôi thèm nhiều đường quá, Nhưng chẳng thèm 2 đường kia đâu Đường khổ đau và địa ngục ấy, phải tránh thật xa. Thèm đường quá đi thôi, dù đường tắc cũng được!

(Hà Nội ngày giãn cách 14/08/2021)

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Cái bẫy "Tôi là ai?"

"Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông" _Heraclitus_

Hồi còn nhỏ, nhà tôi có một cái tivi đen trắng. Chẳng nhớ lúc đó tôi bao nhiêu tuổi nữa. Chỉ nhớ cái tivi được để trên mặt tủ, và cái tủ cao quá đầu. Hồi đấy, truyền hình chẳng phát cả ngày như bây giờ, cũng chẳng có nhiều kênh để chọn, để xem. Chiếc tivi gần như cả ngày "im như thóc", trừ lúc cha tôi mở lên xem. Lúc đó tôi đều quan sát xem cha tôi mở tivi như thế nào. Thỉnh thoảng cha tôi ở nhà nhìn lên đồng hồ treo tường và mở tivi. Tôi nhìn chiếc đồng hồ lẩm nhẩm "3 giờ thì mở tivi xem được".


Thời điểm đó, tôi còn bé chưa giúp được gì cho cha mẹ ngoài việc ở nhà trông nhà, chơi với em. Chiều nọ, lúc cha mẹ vừa đi làm. Tôi liền lấy ghế kéo sát tủ, trèo lên ghế, rồi treo lên mặt tủ. Tôi tới gần chiếc đồng hồ và lẩm nhẩm "3 giờ thì mở tivi được". Đồng thời lấy tay gỡ chiếc đồng hồ vặn đúng 3h chiều. Xong xuôi, quay lại bật tivi để xem. Ơ! tivi chỉ sôi không thấy có tiếng nói hay hình ảnh nào cả, đáp lại là màn hình nhiễu và tiếng sôi khó chịu. Vặn hết mấy vòng nút chỉnh kênh mà không xem được, đành bỏ cuộc.

Tôi không phải là người thông minh. Từ lớp 1 đến hết kỳ 1 năm lớp 3 tôi nhiều lần ăn đòn roi vì điểm kém. Mẫu giáo thì ảm ảnh vì không phân biệt được chữ "m" và "n". Phải đến kỳ 2 năm lớp 3 tôi mới biết giấy khen học sinh tiên tiến là gì. Lên đại học mới bắt đầu biết sử dụng máy vi tính. Mọi thứ đều chậm hơn các bạn, đến bây giờ vẫn vậy.

Tuổi thơ bị ấn tượng bởi những bộ phim Hồng Kông nói về thị trường chứng khoán. Từ đó ước mơ mở công ty của riêng mình. Mẹ tôi luôn nói "Cố gắng học giỏi mà đi học đại học cho đỡ khổ". Lúc đó đại học là con đường tôi tin tưởng. À nhắc đến mẹ, lại nhớ đến chuyện so sánh với con nhà người ta. Một hôm tôi bực quá mới hét lên "Bây giờ mẹ thích con nhà ai? Con sẵn sàng đổi cho nó về nhà ta ở, con ở nhà nó". Từ đó mẹ tôi không còn so sánh nữa. Giờ vẫn ám ảnh chuyện so sánh này, sau có con nhất định không như thế.

Đến cuối năm lớp 12, lúc làm hồ sơ thi đại học. Cha bảo "Mi chọn trường mô sau ra có nghề, nếu người ta không thuê thì mình còn có thể tự làm ăn được". Tôi nói "Con chán nông nghiệp rồi, con học kinh tế thôi." Vậy là tôi thi Thương Mại. Từ bé tôi thường đã có ý làm khác lời cha mẹ nói. Giờ ngồi nghĩ lại, nếu nghe lời cha thì tôi thế nào nhỉ?

Con người tôi bây giờ là kết quả của một chuỗi sự kiện trong quá khứ như tôi vừa kể. Hay nói rõ hơn là con người tôi là kết quả của hoàn cảnh sống, sự giáo dục, những điều tôi tiếp thu được. Nếu tiếp thu cái cha tôi nói thì tôi có khác không? Hoàn cảnh khác đi thì cái tôi sẽ thay đổi như thế nào?

Câu hỏi "tôi là ai" được tôi đặt ra một lần duy nhất, khi tôi quyết định khởi nghiệp với lụa. Lúc đó 3 câu hỏi được viết lên giấy: "Thằng Tân là ai? Tại sao nó có những chiếc khăn này? Tại sao tao phải mua khăn của nó?" Thật ra, lúc đó tôi không đứng ở vị trí của tôi để hỏi "tôi là ai?". Mà tôi đứng ở vị trí của người khác để hỏi về thằng Tân để có góc nhìn khách quan hơn.

Một ngôi nhà đẹp xấu ra sao, hình thù như thế nào? Thì chỉ có thể trả lời khi vệt sơn cuối cùng được quét xong. Với tôi, "Tôi là ai?" thì chỉ lúc "hơi thở hóa thinh không" mới có câu trả lời. Và người trả lời là những người ở lại.

Triết gia Heraclitus có câu nói nổi tiếng: "Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông". Dòng sông trong 1 tíc tắc bạn thấy, chỉ 1 tíc tắc sau đã thay đổi. Mọi thứ luôn chuyển động không ngừng, thay đổi không ngừng. Con người cũng vậy. Cơ thể, tình cảm, ý thức, nhận thức, quan điểm thay đổi liên tục. Bởi do chịu ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên và xã hội. Bản chất của vũ trụ là sự vận động liên tục không ngừng nghỉ. Bởi thế cái tôi cũng sẽ liên tục thay đổi. Câu hỏi "tôi là ai?" sẽ đưa bạn vào một cái bẫy luẩn quẩn không lối thoát.

Đức Phật và các đệ tử của Ngài suốt cả cuộc đời tu tập để trở nên vô ngã. Ngài tin rằng không có cái gọi là cái tôi riêng rẽ là tôi hay bạn, tất cả mọi thứ đều có liên quan tới nhau, cùng thuộc vào một đại thể duy nhất là vũ trụ.

Thật sự thì bạn mong muốn điều gì khi đặt câu hỏi "tôi là ai?"? Có phải bạn đang đi tìm lẽ sống của đời mình. Có phải đang muốn được hạnh phúc hơn. Có phải bạn muốn được ghi nhận. Sau tất cả, điều gì là quan trọng nhất: lẽ sống, hạnh phúc hay sự ghi nhận? Hay như tôi vẫn tin rằng. Loài người luôn đi về hướng văn minh. Nơi mỗi một thực thể đều có sự tự do và hạnh phúc của riêng mình. Thực thể ở đây tôi nói không chỉ riêng con người mà bao trùm mọi thứ.

Vậy phải chăng con người sinh ra không phải để đi trả lời câu hỏi "tôi là ai?". Mà con người sinh ra để giúp cho vũ trụ này trở nên có ý nghĩa, giúp cho tự nhiên có linh hồn, giống như Nguyễn Trãi viết "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Hay có thể nói con người là tiếng nói của tự nhiên. Con người làm việc đó bằng cách liên kết, hòa hợp mỗi cá nhân lại với nhau, rồi liên kết, hòa hợp con người với tự nhiên, ghi nhận mọi thứ như chính nó.

Hãy nhắm mắt lại, phóng tâm trí của ta ra ngoài không gian vũ trụ rộng lớn, rời xa khỏi trái đất. Ngoài kia vũ trụ bao la, tĩnh lặng, bóng tối trở nên trong suốt bởi ánh sáng của các hành tinh. Nhìn về phía trái đất, một hành tinh bé nhỏ nhưng sôi động, náo nhiệt đầy sự sống.

Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Tôi muốn trở thành kẻ được chọn!

 Tôi muốn thở thành kẻ được chọn để khoẻ mạnh,

Tôi muốn trở thành kẻ được chọn để hạnh phúc,

Tôi muốn trở thành kẻ được chọn để thành công,

Tôi muốn trở thành kẻ được chọn để cho đi! 

------

Chúa đang bước đôi chân trần trên bãi biển. Bãi biển thật dài và đẹp, ở đó có hàng triệu viên đá nhỏ nằm ngổn ngang, tôi là một trong số viên đá đó. Sóng biển đánh vào bờ liên tục không ngừng nghỉ, bào mòn những viên đá trở nên nhẵn nhụi.

Chúa muốn chọn một viên đá để chặn những trang sách ngài viết. Và tôi muốn trở thành viên đá đó. Ngài sẽ chọn viên đá nào, tôi chẳng biết được.

Nhưng tôi biết để Ngài nhìn thấy tôi, tôi phải sáng lấp lánh hơn những viên đá khác, tôi phải thật đặc biệt. Muốn thế tôi phải tìm cách đến nơi sóng đánh vào bờ liên tục, nơi có những con sóng to, mạnh mẽ có thể đánh bay bụi bẩn đang bám trên mình tôi, để những tinh thể đá đẹp nhất được lộ diện và phát sáng. Khi tôi đắm mình trong sóng biển để làm mình đẹp hơn, tôi đã được nghe biển kể những câu chuyện ngoài khơi xa kia. Những câu chuyện thú vị, hấp dẫn. Khi nằm trong những con sóng mặn chát của biển, tôi tin rằng rồi Chúa sẽ nhìn thấy và chọn tôi. Bởi tôi đã chọn tôi trở thành những điều tôi muốn!

(Bá Tân, 16/05/2021)

Muôn Kiếp Nhân Sinh 2


Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng hơn!

BENJAMIN FRANKLIN có câu nói nổi tiếng thế này: "By failing to prepare, you are preparing to fail."

Dịch ra tiếng Việt là "Thất bại trong chuẩn bị có nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho thất bại". Hay chúng ta có câu nói gần gũi hơn là " Không chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại".
Tuy nhiên, theo tôi câu nói "Thất bại trong chuẩn bị" có hàm nghĩa sâu rộng hơn. Bởi thất bại trong chuẩn bị bao gồm không chuẩn bị và chuẩn bị sai cái cần phải chuẩn bị, hoặc chuẩn bị thiếu.

Nếu hiểu sâu sắc và sát với từng cá nhân, ta có thể hiểu là nếu ta thất bại trong việc chuẩn bị cho cuộc đời của mình, thì ta đang chuẩn bị cho một cuộc đời thất bại.
Vậy làm sao để thành công trong việc chuẩn bị cho cuộc đời? Chắc có bạn sẽ nói rằng, ai biết trước được điều gì sắp xảy ra để mà chuẩn bị được cơ chứ?
À, chính bởi vì ta không biết được điều gì sẽ xảy ra nên ta mới cần phải chuẩn bị. Chuẩn bị để tránh việc chịu nhiều tổn thất do rủi ro, hoặc có thể đón lấy cơ hội khi nó tới.
Và bạn có chắc là ta không biết trước được điều gì sắp xảy ra không? Tôi tin rằng, ta hoàn toàn có thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Và tôi đã chia ra 2 nhóm: việc chắc chắn phải xảy ra và rủi ro không lường trước.

Thật vậy, ông bà ta đã đúc kết lại rằng "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" là 3 việc lớn trong đời, không ai có thể tránh khỏi 3 việc lớn này.

Vậy cuộc đời mỗi một con người, ai cũng sẽ phải trải qua những việc sau:
Có một nghề nghiệp. Nghề nghiệp hay công việc chính là thứ mang lại thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho mỗi cá nhân. Công việc còn đáp ứng cho đam mê, ước mơ của ta. Để có một nghề nghiệp ta phải chuẩn bị bằng cách: học tập (học nghề, học đại học, đi du học), công cụ phục vụ làm nghề (máy tính, xe máy, oto,...). Nếu bạn nào kinh doanh thì phải chuẩn bị vốn.

Kết hôn (lập gia đình). Chẳng ai có thể sống một mình cả. Và khi lập gia đình, ta sẽ có thêm những trách nhiệm mới: trách nhiệm với người bạn đời, trách nhiệm với con cái. Vậy ta phải chuẩn bị cho những trách nhiệm đó. Với bạn đời đó là trách nhiệm xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, đảm bảo đời sống kinh tế. Với con cái đó là trách nhiệm nuôi dưỡng, học tập và có khi cả hỗ trợ con cái lập nghiệp. Phải làm sao để trong mọi hoàn cảnh ta đều đảm bảo được trách nhiệm của mình với gia đình.

Mua nhà (xây nhà). An cư thì mới lạc nghiệp. Nhà là nơi ta nghỉ ngơi, là thành quả của quá trình lao động. Nhà là nơi ta xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhà là bến neo đậu an toàn của ta. Và có thể nhà chính là một trong những điều mà ta tự hào nhất. Vậy ta phải chuẩn bị gì để mua nhà? Đó là tiết kiệm, đầu tư!.

Phụng dưỡng cha mẹ. Là một đứa con, chắc chắn ai cũng mong muốn được thấy cha mẹ mãi khỏe mạnh. Nhưng con người vốn dĩ không thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Vậy nên, ta phải chuẩn bị để phụng dưỡng cha mẹ của ta lúc về già. Năm 2018, lúc đó tôi đã nghĩ rằng kiểu gì mình cũng phải có 1 khoản tiền dành cho cha mẹ. Vậy nên tôi đã chuẩn bị một thứ (đố bạn là gì?), mà nếu có rủi ro ngoài ý muốn thì cha mẹ tôi vẫn có một khoản tiền do tôi chuẩn bị.

Một việc nữa mà ta phải chuẩn bị. Đó là lo cho tuổi già, hay nói rõ ra là một khoản tiền để dưỡng già. Chẳng ai có thể đảm bảo rằng về già chúng ta được con cháu nuôi dưỡng. Và nếu nhìn bố mẹ của ta, thì ta mới thấy rằng bố mẹ hết lo cho con, rồi lại lo cho cháu, do đó tuổi già lại cũng phải chi nhiều tiền. Vậy nên, ta rồi cũng sẽ như thế mà thôi.

Con người không thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Không ai có thể khỏe mạnh mãi được. Vậy nên, ta cũng cần phải chuẩn bị cho việc lúc ốm đau, tai nạn. Đừng để lúc ốm đau rồi mới xoay xở, lúc đó chẳng còn sức lực, tâm trí và thời gian nữa. Và cũng đừng để ốm đau lấy đi những thứ mà ta nhọc công gây dựng. Cách nào để ta chuẩn bị tốt nhất?

Và cuối cùng, với những người có trách nhiệm, có hoài bão thì điều họ mong muốn nhất là cuối đời để lại một di sản cho con cháu. Di sản đó có thể là tiền bạc của cải, di sản đó cũng có thể là một tinh thần, một tấm gương cho con cháu dựa vào và học tập.

Bạn bè tôi có một số người đã chuẩn bị thành công cho một cuộc đời nhẹ nhàng. Và cũng có nhiều người tôi quan sát được rằng họ vẫn chưa thực sự chuẩn bị cho cuộc đời mình. Tôi quan sát và học hỏi được từ cả 2 nhóm người này. Và tôi tin rằng sự chuẩn bị không bao giờ là muộn cả.
Tôi đã tìm được một số nguyên tắc để chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng. Và tôi đã áp dụng và thấy thật sự hiểu quả mà không hề có áp lực. Bạn nào muốn tham khảo thì tôi sẵn sàng chia sẻ. Hãy cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng hơn nhé!


Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

CHÀNG TRAI ĐỘC THÂN 27 TUỔI VÀ 3 CÂU HỎI LỚN CỦA CUỘC ĐỜI!

Chiều nay tiễn thằng bạn thân về quê sau 2 ngày nó ra Hà Nội chơi. Hai ngày vừa rồi, tôi không đưa nó đi chơi được nhiều, cũng không khiến nó phê pha được một lần nào. Vì thế trong lòng tôi thực sự có một sự áy náy. Nhưng bạn ơi, chúng ta mới 27 tuổi, chúng ta còn nhiều thứ phải làm hơn là phê pha phải không bạn. Và tôi muốn chia sẻ với bạn 3 câu hỏi lớn của cuộc đời tại thời điểm này. Mà tôi và bạn, những chàng trai độc thân tuổi 27 cần trả lời.

Câu hỏi đầu tiên, nguồn thu nhập của chúng ta giờ thế nào?
27 tuổi, nếu đi làm muộn cũng được 5 năm rồi. 27 tuổi, nếu là một chàng trai thì bạn đã tự nuôi sống bản thân, đã giúp đỡ được bố mẹ, giúp đỡ anh em, và chúng ta đã có khoản tích lũy để đầu tư cho tương lai. Vậy, chúng ta phải nhìn lại nguồn thu nhập của chúng ta bây giờ ra sao, có đủ sống không? Có ổn định không? Có sự tăng trưởng không? Nếu đáp án các câu hỏi đó tốt thì chúng ta cứ thế phát huy, còn nếu ngược lại chúng ta phải giải quyết ngay.

Câu hỏi thứ hai, chúng ta sống vì điều gì? Hay cách nói khác là đam mê của chúng ta là gì? Bạn sống vì bản thân, bạn sống vì gia đình, bạn sống để cống hiến cho một lý tưởng vĩ đại hay bạn sống vì một điều nho nhỏ nào đó. Bạn và tôi giờ phải xác định được cụ thể rồi. Và muốn sống vì điều đó thì chúng ta cần những gì? Bạn và tôi cũng phải chuẩn bị những cái đó.

Câu hỏi thứ ba, người bạn đời của bạn là ai? Nếu bạn muốn sống độc thân cả đời thì có thể bỏ qua câu hỏi này. Tôi nghĩ tuổi này, chúng ta cũng nên xác định rõ người chúng ta muốn gắn bó, càng sớm càng tốt. Dù biết đó là duyên, nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị để đón cái duyên đó. Khi yêu chúng ta yêu vì sự thú vị, còn kết hôn là vì sự an toàn. Sự an toàn kết hợp giữa tình yêu và sự đồng điệu. Còn gì tuyệt vời hơn là việc cùng người bạn đời xây dựng mọi thứ.

Tôi viết ra những dòng này là vừa tự nhắc nhở bạn thân, vừa là chia sẻ với những người bạn của mình. Chúc các bạn của tôi những điều tốt đẹp nhất.


Viết ngày 28 tháng 02 năm 2018.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Joker - Sản phẩm thất bại của việc không là chính mình

Ngày 10 tháng 2 năm 2020, Joaquin Phoenix đạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất bởi vai diễn Joker 2019. Giải thưởng xứng đáng cho diễn xuất, sự cống hiến của anh cho vai diễn.
Bộ phim Joker 2019 đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về con người. Nhiều người cho rằng Joker là sản phẩm của xã hội, điều đó đúng. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi nữa "Có phải thực sự xã hội đã tạo ra kẻ giết người Joker hay không? Hay Joker đã không thực sự hiểu chính mình để từ đó hòa hợp với xã hội?".
Lấy bối cảnh thành phố Gotham những năm 80, chàng Arthur Fleck (Joker) bất chấp chứng bệnh cười không kiểm soát và cả cuộc sống nghèo đói ngày đêm chăm sóc bà mẹ già, Arthur vẫn ôm mộng trở thành nghệ sĩ hài trên sân khấu. Thần tượng của anh chàng là người dẫn chương trình – danh hài Murray Franklin. Để kiếm sống, ban ngày Arthur hóa trang thành hề, đi biểu diễn trong các bệnh viện hoặc trên đường phố.
Đến đây, chúng ta điểm lại một chút về Joker nhé. Joker có ngoại hình tàn tạ, khuôn mặt đáng sợ hơn là thân thiện, vui vẻ. Ánh mắt của Joker dù có cố gắng vui vẻ qua lớp hóa trang chú hề, nhưng vẫn là cặp mặt buồn bã. Anh còn mắc bệnh chứng cười không kiểm soát, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và nghề nghiệp. Về tính cách, anh không phải là người hoạt ngôn, ăn nói không lưu loát. Đặc biệt anh không phải là một người có óc hài hước. Điều này chứng minh qua việc, anh đã rất chăm chỉ đi học, xem những người diễn hài biểu diễn. Nhưng anh vẫn không thể khiến người xem cười được, có cơ hội đứng trên sân khấu thì anh gần như đang đọc kịch bản hơn là diễn. Cuối cùng, người ta không cười vì biểu diễn của anh, mà người ta cười chính con người anh.
Đến đây ta có thể khẳng định, Joker hoàn toàn không phù hợp để diễn hài, và càng không thể thành công trong nghề này.
Nếu bạn nói: Joker mang dáng vẻ đó là do cuộc sống đưa đẩy, không thể khác được. Tôi đồng ý là cuộc sống đã đẩy Joker vào hình hài đó, nhưng sự thân thiện, vui vẻ phải do Joker quyết định. Có nhiều người nghèo nhưng họ vẫn rất thân thiện, và vui vẻ đó thôi. Joker có thấy những khiếm khuyết đó của mình hay không?
Và nếu bạn nói: theo đuổi ước mơ có gì sai cơ chứ? theo đuổi ước mơ mới tìm thấy chính mình. Vậy người xem, xã hội phản ứng như thế cũng có gì sai, họ có quyền được xem hài thật sự. Không thể xem hài bằng cách thương hại được. Người diễn viên hài phải mang lại sự thoải mái, vui vẻ, chứ không phải mang lại sự khó chịu. Joker đã thực sự hiểu việc mình đang làm đem lại kết quả gì hay không?
Joker đã thực sự là chính mình hay chưa? Joker đã hiểu chính mình chưa?
Cách đây ít lâu, tôi có tranh luận với một bạn về chủ đề: chính mình là gì? Theo tôi, chính mình là được tự do cá nhân làm những việc mình cho là phù hợp dựa trên cơ sở đạo đức, trí tuệ mà cá nhân đó có được. Do trí tuệ của cá nhân luôn phát triển nên bạn luôn phát triển, vì thế chính mình luôn thay đổi theo sự phát triển của trí tuệ.
Ở đây, chúng ta cũng nên làm rõ khái niệm tự do cá nhân. Hiểu 1 cách đơn giản thì tự do cá nhân là quyền suy nghĩ, hành động theo nguyện vọng của chính cá nhân đó. Tuy nhiên, để đảm bảo có tự do cá nhân, mỗi cá thể phải có sự tự tôn và tôn trong. Tức là bạn có quyền đặt bạn làm trung tâm, nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng tự do cá nhân của người khác.
Vậy làm thế nào để là chính mình? Để là chính mình thì bạn phải hiểu chính bản thân bạn. Hiểu chính bản thân bạn là phải hiểu đầy đủ về thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực, ước mơ, tư tưởng. Bằng trí tuệ mà cá nhân đó tiếp thu được thì sẽ có mức độ hiểu chính mình đến đâu, từ đó vận dụng cái sự hiểu chính mình đó để sống là chính mình trên nền tảng đạo đức.
Nói đến đây thì bạn có thể thấy rằng, Joker ở một góc độ nào đã không là chính mình. Thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực không thể đáp ứng được ước mơ của bản thân, tư tưởng không phù hợp với tình hình xã hội. Cái giá của không hiểu chính mình, không là chính mình đó là bi kịch.
Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói: Đời thay đổi khi ta thay đổi. Bạn không thể thay đổi xã hội nếu bạn không phải là một vĩ nhân. Cách dễ dàng nhất chỉ có thể là hiểu chính mình, hiểu xã hội và thích ứng.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

LÀM SAO ĐỂ CÓ KIÊN TRÌ LÀM MỘT CÔNG VIỆC TRONG NHIỀU NĂM

Sáng nay, có một người em hỏi tôi thế này:
"Anh ơi, làm sao để làm một công việc trong nhiều năm?"

Khi nhận được câu hỏi này, tôi nghĩ đây là một câu hỏi cực kì hay. Một câu hỏi mà có lẽ ai cũng đã từng tự hỏi mình. Và tôi thấy rằng, không có một câu trả lời chung cho câu hỏi này. Mà mỗi chúng ta phải tự tìm lấy cho một câu trả lời.

Nhìn lại bản thân mình, nếu hỏi tôi tại sao tôi lại đang làm công việc hiện tại. Công việc mà tôi đã làm chính thức được gần 3 năm (lâu nhất trong số các công việc tôi từng làm). Thời gian cũng chả dài cho lắm. Nhưng để trả lời câu hỏi của người em, tôi đã chia sẻ lý do mà tôi đang làm công việc của tôi hiện tại.

Có 3 lý do mà tôi làm công việc hiện tại. Lý do thứ nhất là ước mơ, công việc hiện tại đang góp phần xây dựng ước mơ của tôi. Đây không phải là ước mơ nhất thời, không phải là ước mơ mà mơ rồi để quên. Cái ước mơ này nó xuất hiện từ ngày còn thơ bé, và luôn âm ỉ trong tim tôi, chỉ chờ cơ hội để bùng cháy. Chuyện là hồi còn bé, được xem những bộ phim truyền hình Hồng Kông. Các bộ phim về sự thành công của thị trường chứng khoán trong một đêm, và phá sản cũng chỉ trong một đêm ngắn ngủi. Cái kịch tính, hấp dẫn của những bộ phim này khiến đứa trẻ là tôi lúc đó muốn gây dựng cho mình một công ty. Hồi đó, tôi đã khắc trên cây Sung ở góc ao cái tên "Tân Binh", tên công ty tôi sẽ đặt.

Lý do thứ hai là áp lực của cuộc sống. Hồi mới ra trường được 2 năm, tôi có đi phỏng vấn vị trí nhân viên kinh doanh. Lương cứng lúc đó là 5 triệu, cũng tương đối ổn với tôi lúc đó. Cùng bước vào thử việc với tôi có 1 anh sinh năm 83, anh cùng làm ở vị trí tương đương tôi. Anh có một nhà nhỏ ở Hà Nội, có vợ và 2 người con. Anh luôn nói rằng lương của anh không đủ nuôi sống gia đình. Giấc mơ mua nhà rộng hơn thật xa vời. Tôi chợt nghĩ "Mình ở quê ra, nhà không có, nếu làm như này thì sao mua nổi nhà, rồi nuôi vợ con thế nào. Và 10 năm nữa mình cũng đi xin việc cùng với các bạn sinh năm 2000 sao?".
Sau hai tháng thử việc, tôi may mắn kiếm được khách và được ký hợp đồng chính thức. Còn anh không có khách nên đã phải tìm kiếm công việc khác. Tôi lại nghĩ, nếu mình không làm tốt thì cả đời mình sẽ phải đi xin việc. Và phải làm sao để có thu nhập cao. Tôi tính toán là có 2 cách: một làm nhiều việc 1 lúc, hai là làm một việc thật giỏi để có thu nhập cao. Một ngày có 24 tiếng, nếu làm nhiều việc 1 lúc, rồi làm tăng ca thì thời gian đâu để nghỉ ngơi, để chăm sóc người thân. Chỉ có cách làm một việc thật giỏi để có thu nhập cao.

Lý do thứ ba là đam mê. Khái niệm đam mê thật sự khó mà nói rõ. Nhưng đam mê là công việc mà bạn yêu thích, bạn thấy được là chính mình khi bạn làm công việc đó. Một công việc mà đi đâu bạn cũng có thể tự tin để khoe, để tự hào. Khi bạn làm một công việc mà bạn không dám nói với người khác thì hãy bỏ ngay công việc đó. Khi người ta nói việc bán khăn lụa kiểu như dành cho phụ nữ, tôi tự hào khi mình là số ít đàn ông bán khăn lụa.

Hoặc có thể, nếu bạn coi công việc là một phần cuộc sống của bạn. Không chừng bạn cũng có thể làm được công việc đó trong nhiều năm đấy. Và cuối cùng, để công việc hấp dẫn hơn, hãy tạo thử thách, mục tiêu cho công việc của bạn nhé.

CHỮ M, CHỮ N VÀ CÁCH NHÌN CHỮ ĐOÁN CON NGƯỜI

Chuyện về chữ M, chữ N
Ai cũng sẽ trải qua thời tập viết chữ cái, cái thời điểm mà bạn phải nhận ra được mặt chữ, nhớ nó, và dùng tay để viết. Đó là một cực hình đối với tôi. Mà đến giờ đây tôi vẫn bị ám ảnh.
Hình ảnh mẹ tôi trơn mắt, gầm lên: "CHỮ NÀY LÀ CHỮ GÌ? NÓI NHANH, HỌC MẤY NGÀY RỒI CÒN KHÔNG NHỚ!"
Sau 3 lần lặp lại câu nói đó mà tôi không trả lời được thì một tiếng "cốc" vang lên, tiếp theo đó là tiếng khóc rú lên của tôi.
"ÓC ĐẶC THÌ GÕ CHO BỚT ĐẶC ĐI".
Mà đời tôi khốn nạn nhất là phải học chữ M và chữ N. Thế nào mà 2 chữ đó tôi mất rất rất nhiều thời gian để phân biệt. Mẹ tôi nhiều lúc phải thét lên: "CHỮ M CÓ 2 MÓC, CHỮ N CÓ 1 MÓC, BIẾT CHƯA"
Khổ nỗi, lúc đó chữ M và chữ N như là cái gì đó không dành cho tôi, mãi không thể viết đủ nét, nhớ đúng mặt chữ như thế nào. Thời gian học chữ đó là cực hình không gì diễn tả nổi.
May sao, ăn đủ số đòn roi, trải qua đủ số ngày sống trong áp lực, cuối cùng tôi cũng vượt qua. Đúng là đủ về lượng sẽ thay đổi về chất thật.
Cách nhìn chữ đoán con người Những năm tiểu học là những năm luyện chữ. Mỗi ngày cô giáo lại giảng văng vẳng bên tai: “Nét chữ nét người.”
Ai chữ đẹp thì người sẽ đẹp, sẽ là người tốt. Mà hồi đó đúng phết nha. Bạn nào xinh xinh thì ý như rằng chữ nó đẹp, chơi với bạn đó cũng thích nữa. Cứ thế cứ thế, từ cấp một đến cấp 3, tôi cứ chọn đứa nào chữ đẹp để chơi. Vì nét chữ nét người, chữ nó đẹp chắc nó chơi đẹp.
Những đến năm cấp 3 tôi mới dần nhận ra, chữ đẹp chưa chắc chơi đẹp, chưa chắc là người đẹp. Tình hình nhìn chữ đoán người lúc đó sai lầm hoàn toàn, không có gì là đúng cả. Có những đứa chữ rất đẹp nhưng tôi chịu không thể chơi với nó được. Nhưng có đứa chữ xấu lại chơi với nó rất sướng.
Tôi mới ngờ ngợ, cô giáo hình như dạy sai rồi thì phải? Liên quan đến chữ đó là bút, hồi phổ thông tôi rất thích bút. Vì bút đẹp, có nhiều màu sắc, hình thù ngỗ nghĩnh. Đặc biệt bút mực nước thì tôi khóai lắm, viết vừa đã tay, nét bút gần như là mềm, mịn rõ nét, làm cho chữ tôi cứ như thể lột xác đẹp hơn gấp 10 lần. Đến giờ, tôi vẫn thích bút, và gặp nhiều người sưu tầm bút. Với họ, bút thể hiện cá tính, nét mực viết ra thể hiện đẳng cấp và sự tinh tế trong đó. Họ thích có riêng cho mình một cái bút đặc biệt.
Quay lại vấn đề nét chữ nét người. Thực sự cô giáo có dạy tôi sai không? Đến nay, tôi nghĩ cô tôi vẫn đúng. Nhưng nét người nó không thể hiện là chữ đẹp chữ xấu mà thể hiện ở những góc khác ở chữ. Mà tôi đã ngộ ra được, đó là: Khoảng cách giữa các chữ, các từ nó thể hiện cách người đó đối nhân xử thể trong các mỗi quan hệ giữa người với người. Cách các nét, các dấu của chữ thể hiện tâm trạng, trạng thái, tâm tính của người đó. Hình dáng của chữ một phần nào thể hiện hình dáng của người viết. Và tôi nhận ra rằng, khoảng cách chữ, từ là yếu tố khó thay đổi nhất. Các nét, các dấu là những thứ thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời. Nếu không tin bạn thử nhìn lại chữ của bạn và những người xung quanh sẽ thấy. Hoặc nếu cần, tôi có thể nhìn chữ và phân tích giúp bạn.
Càng lớn, con người càng khó thay đổi được nét chữ, càng khó thay đổi tính cách. Nhưng dễ dàng lựa chọn chiếc bút phù hợp cho mình hơn, dễ dàng chọn cho mình một cách nhìn nhận vấn đề đúng đắn hơn.
Viết ngày 21/09/2019