Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Suy Ngẫm Về Tự Do Cá Nhân

Có lẽ đích đến của mỗi cá nhân không phải là hạnh phúc, mà đích đến cuối cùng của mỗi cá nhân là tự do. Để nói về tự do mình đưa ra hai câu chuyện để chia sẻ như sau:

Câu chuyện thứ nhất
Tối hôm thứ 3 vừa rồi, câu lạc bộ sách sinh hoạt buổi thứ 94 (thật không ngờ câu lạc bộ duy trì được lâu như vậy). Trong buổi sinh hoạt này, bạn Quỳnh có chia sẻ cuốn Đúng Việc với một ví dụ: Nếu năng lực là 10 triệu, công ty trả lương 5 triệu. Thì bạn sẽ làm ở mức nào? 5 triệu, 10 triệu, 15 triệu, hay 2.5 triệu?
Mình sẽ không không bàn đến việc bạn lựa chọn đáp án nào. Điều mình muốn bàn đến là sự tự do của một cá nhân qua ví dụ này. Tự do là một quyền căn bản của con người, mỗi cá nhân được hưởng quyền tự do từ khi sinh ra mà không cần phải ràng buộc với một nghĩa vụ nào. Nhưng để định nghĩa tự do hay tự do cá nhân là gì, thì có lẽ rất khó để thống nhất, bởi mỗi người lại định nghĩa tự do theo cách chủ quan của mình. Trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ sách, bạn Quỳnh định nghĩa tự do cá nhân là tự do về tâm trí, tự do về thân thể. Mình đồng tình với cách định nghĩa này. Vậy mỗi cá nhân có thể làm chủ được tâm trí, được suy nghĩ, được tưởng tượng, được sáng tạo, được thể hiện năng lực mà không bị giới hạn bởi một yếu tố nào. Tự do về thân thể là mỗi cá nhân được làm chủ hoàn toàn về thân thể của mình. Quay lại ví dụ về mức lương ở trên, bạn có thể lựa chọn mức làm việc mà bạn nghĩ là hợp lý, bởi không ai có thể can thiệp được, kể cả người sếp. Nhưng mình đặt ra câu hỏi, nếu ta đo đếm năng lực của ta là 10 triệu thì ta có đang giới hạn chính ta ở cái khung 10 triệu hay không? Khi công ty trả ta 5 triệu và ta lựa chọn cách đối phó với nó ở các mức khác nhau thì có phải ta đã giới hạn sự tự do về năng lực của ta không? Ở một góc độ nào đó, chính ta đang để mình bị chi phối bởi nhận thức chủ quan của ý thức ở hiện tại đó sao, chính ta khép sự tự do của ta đó sao. Theo mình, điều quan trọng không phải năng lực, thu nhập ở mức độ nào, mà điều quan trọng nhất là hãy để năng lực phát huy, phát triển một cách tự do nhất. Đừng giới hạn chính bản thân mình, cho dù đó là đam mê hay ước mơ.

Đến đây, mình chia sẻ một điều mà từ hồi đi làm thuê mình đã rút ra. Khi đi làm thuê, các bạn không biết rằng các bạn đang sở hữu một quyền lực to lớn mà mình gọi là quyền lực mềm. Đó là nếu bạn thể hiện được năng lực, vai trò của mình trong công ty đến mức cực kỳ quan trọng, không thể thay thế được thì chính bạn nắm được quyền tự do thương thuyết về đãi ngộ, nếu công ty đãi ngộ không xứng đáng, bạn có thể ra đi mà ngẩng cao đầu. Vậy chẳng phải sướng sao?

Câu chuyện thứ hai
Bá Minh Silk đợt này đang dần chuyển sang sử dụng dịch vụ giao hàng của Giao Hàng Tiết Kiệm. Có một bạn bưu ta chuyên đi nhận hàng ở tuyến phố của mình, bạn này thật sự rất lạnh lùng, kiệm lời, và nói thường cộc lốc. Khi mình giao hàng cho bạn ấy thì bạn ấy không nói gì. Mình nói cảm ơn bạn ấy cũng không hề đáp lại.
Thế là mỗi lần mình giao hàng cho bạn ấy, mình đều cười với bạn ấy và nói lời cảm ơn rất chân thành. Sau một thời gian, hôm vừa rồi mình xuống giao hàng thì bạn ấy đã xuống xe nhận hàng, mình cảm ơn thì bạn ấy đã đáp lại "vâng ạ".
Với mình đây cũng là một dạng tự do, dù là một hành động rất nhỏ. Mình vẫn sẽ cảm ơn, mỉm cười vì đó là chính bản thân mình. Việc mình mình cứ làm, còn đón nhận như thế nào là quyền của đối phương. Kể cả mình có cố gắng đến mức nào, mà nhận sự đáp lại lạnh nhạt cũng không sao cả. Mình cần tự trọng và tôn trọng đối phương. Với mình đó là cái gốc của tự do cá nhân.

TƯ DUY ĐẦU RA THẬT SỰ QUAN TRỌNG

 Mình làm về lụa tơ tằm đã được 5 năm, mình gặp từ người trẻ đến người già làm trong nghề này hầu hết đều là đam mê, có tâm huyết rất lớn.


Tuy nhiên, làm sao để tâm huyết không phá hỏng chính cái nghề ấy là điều quan trọng nhất. Đặc biệt trong việc tư duy đầu ra và tư duy dài hạn. Một sản phẩm tồn tại lâu dài, phát triển được không phải bởi tình thương, hay sự lạ mắt. Mà nó phải thật sự có ích và đúng giá trị.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì tình thương của khách hàng. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào sau này nữa.

Trước mắt có thể bán được vài chục cái, vài trăm cái vì trông nó lạ lạ. Nhưng rồi sẽ chẳng bán được cái nào nữa sau này. Vì nó lạ nhưng nó chẳng có ích gì.

Những người mua vì tình thương, mua vì là sẽ nói với nhau, nói với nhiều người khác: "Ùi, tao mua dùng rồi, chẳng thấy tốt như quảng cáo gì". Và thế là cả ngành lụa dần lụi bại.

Đũi tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm. Đừng dùng nó làm những cái khác, để phá hỏng hết những cái tốt của nó.

Lụa tơ tằm có thể làm được cái gì tốt nhất? Thì hãy dùng nó để làm thứ đó. Đừng hạ thấp nó ngang bằng với chất liệu đã lỗi thời.

Có một câu chuyện thế này: nếu làm một mẫu cốc gốm giữa 1 anh Việt Nam và 1 anh Pháp. Thì anh Việt Nam hoàn thành xong 1 cái cốc rất nhanh, còn anh Pháp thì chậm hơn. Nhưng nếu để sản xuất nhiều chiếc cốc cùng mẫu thì anh Pháp làm hiệu quả và nhanh hơn rất nhiều. Vì khi làm chiếc cốc đầu tiên anh Pháp đã đo đạc, tính toán số liệu, làm mẫu, làm khuôn để làm chiếc cốc. Còn anh Việt Nam thì hoàn toàn làm bằng tay.

Hay như trong một tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng kể về 2 nhà bán phở, 1 Việt Nam, 1 người Hoa. Thời gian đầu anh Việt Nam phát triển rất nhanh, nhưng sau một thời gian lại bị anh người Hoa vượt lên, chiếm lĩnh thị trường. Bởi người Hoa tư duy dài hạn, đầu ra sản phẩm, dịch vụ rất tốt.

Bá Minh Silk từ đầu năm 2021 đã xác định mình sắp chuyển sang giai đoạn mới. Bá Minh Silk phải chấp nhận thà "không có khăn để bán" chứ không thể để tình trạng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu mình đề ra. Bá Minh đưa phong cách của mình, hơi hướng thiết kế của mình vào từng sản phẩm sao cho cân đối, phù hợp với khách hàng nhất. Tìm những đối tác cầu tiến, tư duy mở, sẵn sàng kết hợp đến cùng và lâu dài. Thay vì tư duy chia nhau miếng bánh, thì cùng nhau làm việc bánh lớn hơn, ngon hơn, chất lượng hơn.

Tại sao nên đọc "Lời tựa/lời dẫn đầu" trước khi đọc sách?

 Có nhiều con đường để dẫn ta tới với một cuốn sách. Có thể ta đến với nó bởi một cái tên lạ trong một loạt cái tên trên kệ. Cũng có thể ta đến với nó bởi một chiếc bìa đẹp. Hay có một người bạn tôi đã nói trong cậu lạc bộ sách đó là "sách tự chạy vào đầu bạn ấy".


Sách đến với tôi qua nhiều con đường. Nhưng con đường mà tôi thấy để lại nhiều cái kết đẹp nhất đó là tôi chọn sách qua việc đọc lời tựa hay lời dẫn đầu của tác giả.

Trong bộ phim tôi thích, nhân vật thần thám Địch Nhân Kiệt luôn nói: "Trên đời này không có điều gì là ngẫu nhiên cả". Và tôi cũng tin điều đó, mỗi một sự việc hay sự ra đời của một thứ gì đó đều có lý của nó cả. Không tự nhiên mà nó sinh ra.

Một cuốn sách sẽ ra đời với cơ duyên của nó, với sứ mạng mà tác giả đã trao cho nó. Cơ duyên ra đời của cuốn sách càng gần với cái mong cầu, cái chờ đời của bạn thì cuốn sách càng đúng với bạn. Cái hoàn cảnh ra đời, cái hoàn cảnh mà tác giả viết, tác giả trải nghiệm để đúc rút ra càng gần với hoàn cảnh hiện tại của bạn thì cuốn sách càng cần thiết với bạn.

Lợi tựa/ lời dẫn đầu của cuốn sách chính là bức thư ngỏ của tác tác, là tâm tình dành cho người sắp đọc những gì tác giả tâm huyết viết ra. Lời dẫn đầu sẽ nói về việc tại sao cuốn sách ra đời, nó ra đời vào hoàn cảnh nào. Và tinh thần của cuốn sách là gì? Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách nào cũng có lời dẫn/lời tựa.

Lời tựa/lời dẫn đầu chính là để cuốn sách tìm đúng người đọc. Và người đọc tìm đúng cuốn sách!

Review sách "Trái Tim Không"

 Ủa? Sao lại gọi là trái tim không? Thiền sư mà có trái tim không là thể nào nhỉ? Người ta hay nói trái tim yêu thương, trái tim nhạy cảm, trái tim ấm áp chứ chưa bao giờ nghe nói đến trái tim không. Đó là thắc mắc của tôi khi đọc tên của cuốn sách này.


Về tác giả, Phan Việt là một người phụ nữ Việt thành công ở nước ngoài. Chị làm giáo sư tại trường đại học danh tiếng ở Mỹ. Và có nhiều cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam. Chị vừa đạt được giải thưởng văn học, đồng thời đạt giải thưởng về người phụ nữ truyền cảm hứng ở Mỹ, được nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng về sự phát triển xã hội.

Trái Tim Không là cuốn sách kể về cuộc đời và những bài thơ của vị thiền sư nổi tiếng người Thái Lan - Yantra Amaro được chị Phan Việt chấp bút. Chấp bút là viết lại theo lời kể của nhân vật. Mình chưa từng đọc sách của chị Phan Việt, nên mình không rõ giọng văn của chị thế nào. Còn với cuốn sách này, mình thích giọng văn nhẹ nhàng, bình thản trong từng câu chữ. Nó thật phù hợp để nuôi dưỡng, vỗ về tâm hồn đang nhiều náo động.

Trong cuốn sách, thiền sư Yantra Amaro kể về cuộc đời tu hành của mình từ lúc còn là một đạo sĩ cho đến lúc xuất gia trở thành một thiền sư nổi tiếng. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ ông là người sùng đạo, đặc biệt là mẹ của ông. Được nuôi dưỡng trong một gia đình có điều kiện, cuộc sống hạnh phúc, được học tập đầy đủ, nhưng rồi ở độ tuổi đôi mươi thiền sư quyết định bỏ học để trở thành một đạo sĩ theo con đường tu hành.

Quay trở lại với chị Phan Việt, có lẽ chị và thiền sư đã có nhân duyên tiền định. Vì trước đó khi mới được nghe đến tên Yantra, chưa từng gặp mặt. Vây mà trong một giấc mơ chỉ đã thấy hình ảnh của vị Thiền sư gần giống như với con người thật chị gặp sau này. Một vị thiền sư đẹp như tiên với mái tóc trắng búi phía sau cùng một chòm râu như cước. Chỉ gặp thiền sư trong mấy ngày, mà chị đã quyết định hủy bỏ lịch trình trước đây bởi năng lượng, sự an nhiên toát ra từ thiền sư. Để dành 3 tháng để gặp gỡ và phỏng vấn thiền. Và kết quả là một cuốn sách kể rõ nét, chân thật về cuộc đời thiền sư Yantra.

Cuốn sách sẽ cho ta thấy được việc tu hành sẽ nghiệm mật, khắc nghiệt đến như thế nào. Cuốn sách sẽ cho bạn thấy là một thiền sư nổi tiếng, được nhiều Phật tử theo học, được nhà vua, hoàng hậu yêu mến, được giới chức cao nhất của đất nước tin tưởng, ở một vị thế gần như khó mà động tới được. Vậy mà rồi cũng bị áp lực của dèm pha, những lời nói xấu, bịa đặt của truyền thông, báo chí khiến vị thiền sư phải sống lưu vọng ở Mỹ. Phải xa mảnh đất quê hương yêu dấu.

Trái Tim Không sẽ cho bạn thấy dù có phép thần thông, dù có đạt được đạo quả nhưng vẫn khó lòng mà tránh được nghiệp xưa để lại. Qua cách thiền sư đối diện, đón nhận với những nghiệp quả đầy khó khăn của cuộc đời. Ta mới dần dần nhận ra rằng thế nào là một trái tim không.

Tình yêu dính mắc với thù hận, tốt bụng dính mắc với xấu xa, hạnh phúc dính mắc với khổ đau, có sinh thì có diệt, càng có thành tựu càng có nhiều kẻ ghe ghét.... Vụ trụ luân hồi không nằm ngoài quy luật đó. Và ta không thể có cái này mà không đón nhận cái kia, không đau khổ thì không biết thế nào là hạnh phúc. Và trái tim không là không dính mắc vào những cảm xúc trần tục, trái tim không là đón nhận mọi thứ bằng trí tuệ của vũ trụ. Trái tim không là từ bỏ tất cả, chỉ giữ lại bổn phận giúp con người thoát khỏi đau khổ trên con đường từ bi.

Có thể nói Trái Tim Không khắc họa chân thực, rõ nét về cuộc đời của bậc thiền sư Phật Giáo. Nếu bạn muốn tìm hiểu về cuộc đời tu hành của thiền sư thì đây là một cuốn sách đáng đọc.

Có thể bạn sẽ không thích đọc thơ, và có định bỏ qua nó. Thì hãy thử đọc thành tiếng, bạn sẽ thấy rất hay và ý nghĩa đấy nhé. Bởi thơ có tính nhạc điệu, nên đọc thành tiếng mới cảm được cái hay của thơ. Và trên hết những bài thơ là những bài học được thiền sư đúc kết lại.

ĐỪNG LÀM VIỆC KHÔNG TÊN

 Một ngày ta dành hơn 8 tiếng ở nơi làm việc, vậy thì đến già ta dành 1/3 cuộc đời ở nơi làm việc rồi.

Ai cũng mong muốn có một cuộc đời hạnh phúc. Vậy nếu ở nơi làm việc mà không hạnh phúc, thì ta mất đi 1/3 cuộc đời.
Vậy nên, để có một cuộc đời hạnh phúc thì ta nên làm một công việc hạnh phúc. Và để có một công việc hạnh phúc, ta hãy dừng làm những việc công việc không tên.

Dừng làm những việc không tên, không có nghĩa là bỏ những việc nhỏ, lặt vặt mà chúng ta đang làm. Vì những việc nhỏ đó nó thật sự cần thiết. Vậy dừng làm việc không tên như thế nào?

Bước đầu tiên, ta phải xác định rằng: "mỗi một công việc dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa của nó". Như ở Bá Minh việc lấy cái kim để gẩy một miếng bỏ trấu bé xíu trong chiếc khăn mặt đã giúp cho người dùng tránh một vết xước khi lau, giúp cho Bá Minh có thêm một sản phẩm chất lượng, có thêm 1 khách hàng trung thành. Hay như việc, làm phẳng 1 vết nhăn nhỏ trên chiếc phông chụp ảnh cũng giúp cho bức ảnh đẹp hơn, từ đó làm khách hàng thích và mua hàng nhiều hơn.
Bạn thử xem lại công việc mình làm mà xem, những công việc nhỏ nó đều có ý nghĩa tác động lên kết quả công việc của bạn. Tôi đã tâm niệm 1 điều như thế này: "Một chi tiết lỗi nhỏ sẽ là một con quỷ phá nát cả một tổng thể, còn mỗi một chi tiết nhỏ hoàn hảo sẽ là một điều kỳ điều kỳ diệu mang lại thành công." Giờ thì bạn hãy ghi ra ý nghĩa của việc mình làm nhé.

Bước thứ hai, hãy đặt tên cho công việc không tên. Bạn hãy thử đặt tên mà xem, bạn sẽ thấy công việc của bạn trở nên thú vị, mang lại cảm hứng làm việc rất lớn.
Ví dụ như công việc chụp ảnh khăn lụa rất vất vả và nhiều khi nhàm chán. Nên tôi đã đặt cho nó một cái tên "bắt hình của lụa". Hay như một bạn chuyên sửa robot hút bụi, tôi đã gọi trêu bạn ấy là "bác sĩ robot", thỉnh thoảng còn hỏi bạn ấy "hôm nay đã phẫu thuật được bao nhiều robot?".
Hãy đặt một cái tên thật hài hước để khi làm bạn sẽ cười khi làm nó. Hoặc đặt một cái tên khiến cho việc đó trông có vẻ thật quan trọng.

Vậy đấy, khi ta xác định được ý nghĩa của việc mình làm, đặt cho nó một cái tên thì ta đã giúp cho mình hạnh phúc hơn một chút rồi. Có thể bạn đang nghĩ nó xàm, nhưng theo tôi việc gì làm cho mình hạnh phúc hơn, vui hơn thì nó chẳng xàm một tí nào.

"Nhân chi sơ tính bản thiện" là một câu nói sai!

Trước đây, tôi vẫn nghĩ câu này đúng. Nhưng vẫn có điều gì đó lấn cấn. Nếu con người sinh ra vốn bản thiện tại sao lại có người ác?
Tôi đã nhẩm câu "Nhân chi sơ tính bản thiện" cả nghìn lần. Và tôi ngẫm ra rằng câu này thật ra không đúng, hay đúng ra chỉ là một nửa của sự thật. Chuẩn phải là "Nhân chi sơ tính bán thiện". Con người sinh ra có một nửa là thiện, nửa còn lại là ác. Tức là con người sinh ra vốn chứa đựng đầy đủ tính chất của vũ trụ, là một cá thể toàn vẹn đầy đủ tính chất.
Nhưng lớn lên và sống trong môi trường phù hợp với hạt giống thiện sẽ có tính thiện chủ yếu. Còn nếu sống trong môi trường phù hợp với hạt giống ác sẽ có tính ác chủ yếu. Không ai thiện hoàn toàn, không ai ác hoàn toàn.