Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

THE GO-GIVER

 "Thật sự thì những người thành đạt thường xuyên làm như vậy đó chứ. Càng thành đạt, họ càng muốn chia sẻ bí quyết của mình với người khác."

"Thật sự mà nói thì, Joe à, trong một khoảng thời gian ngắn ngửi để ta gặp nhau, đó là đề tài tôi muốn bắt đầu. Cậu và tôi có quan niệm khác nhau về cách làm giàu. Nếu chúng ta muốn đi chung một con đường, chúng ta phải đi chung về một hướng. Nếu chú ý, cậu sẽ thấy tôi nói 'chia sẻ cà phê của cô ấy'. Còn cậu thì nói, 'lời to'. Cậu có thấy sự khác biệt không?"
"Tử tế với người khác chẳng mất mát gì cả."
"Đó không phải là xúc xích mà chính là người phục vụ xúc xích đã khiến người đàn ông này trở nên nổi tiếng như vậy. Đó không phải chỉ là ăn uống thông thường, mà là trải nghiệm ăn uống. Ernesto đã khiến cho việc mua xúc xích trở thành một sự kiến không thể nào quên."
"Mọi vận may trên đời này đều được tạo ra bởi những người đàn ông và phụ nữ có niềm đam mê lớn hơn về những gì họ cho đi - sản phẩm, dịch vụ hay ý kiến của họ - hơn là những gì họ nhận được. Và nhiều vận may đã bị lãng phí bởi những người chỉ lo những cái họ nhận được hơn là cái họ cho đi."
"Martin Luther King, Jr, có lần đã nói 'Mọi người đều có thể thành vĩ nhân bởi vì ai cũng thể phục vụ'. Nói cách khách, 'Mọi người đều có thể thành công, vì ai cũng có thể cho đi'."
"Tồn tại, tích lũy, phục vụ."
"Tồn tại - đáp ứng các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Tích lũy - vượt qua khỏi mức nhu cầu cơ bản và mở rộng phạm vụ cuộc sống. Và phục vụ - đóng góp một phần vào thế giới chung quanh mình."
"Ông San tiếp tục. "Khi nói đến mạng lưới, ý của tôi không chỉ là khách hàng của anh. Mạng lười theo tôi là gồm những người biết về anh, thích anh, và tin tưởng ở anh. Họ có thể là những người chưa từng mua bán gì với , nhưng anh thì lúc nào cũng ở trong tâm trí của họ." Ông nghiên người về phía Joe để nói bằng một giọng có vẻ trịnh trọng hơn. "Họ là những người mong muốn nhìn thấy anh thành công. Và dĩ nhiên, đó là vì anh cũng mong muốn họ như vậy. Họ chính là đội quân đại sứ di động dành riêng cho anh."
"Bạn muốn có những kỹ năng về con người?" "Vậy thì hãy là một con người."
"Sự thật là mọi sự cho đi chỉ có thể diễn ra nếu đó cũng đồng thời là sự nhận lại."

SỰ THẬT CỦA LỜI NÓI DỐI!

Trong một buổi giảng pháp, thầy Thích Nhất Hạnh có dạy về cách nói chuyện trong chánh niệm. Thầy kể câu chuyện Hổ mẹ nhận con để lấy ví dụ. Mình xin kể lại theo trí nhớ như sau:

"Có một con hổ cái sắp sinh, vì nó sống một mình nên dù có mang thai vẫn phải đi săn mồi để nuôi thai và nuôi bản thân nó.
Một hôm, hổ cái đuổi theo một con nai. Nó đang tập trung đuổi bắt con nai thì con nai lấy đà bật nhảy qua một vách búi. Hổ cũng theo đà tập trung truy đuổi nên cũng vọt theo. Đến giữa chừng, hổ mẹ đã nhận ra sai lầm của mình. Vì vọt quá nhanh và mạnh, hổ con đã rơi ra khỏi bụng mẹ và rơi xuống vực. Qua đến bờ bên kia, hổ mẹ đau khổ khi mất con, chả thiết săn mồi nữa.
Hổ con rơi xuống vực, tưởng chừng như sẽ chết. May mắn sao, lúc đó có một đàn khỉ đang hái quả trên cây. Một con khỉ nhìn thấy và đưa tay ra hứng bắt được chú hổ con. Đàn khỉ nhận nuôi hổ con, cho ăn, dạy những thói quen của khỉ. Và chú hổ con lớn lên với tư tưởng mình là khỉ.
Một ngày hổ mẹ đi ngang qua nơi đàn khỉ đang sống, thấy chú hổ con và nhận ra con mình. Nó mới chạy đến bên và nói: "Con ơi, ta là mẹ của con đây"
Hổ con nói: "Bà là ai? Sao dám nhận là mẹ tôi?"
Hổ mẹ: "Ta là hổ, là mẹ của con, ta đã thất lạc con từ lúc con mới sinh"
Hổ con: "Không phải, ta là khỉ, đây là những anh em của ta". Cả đàn khỉ xúm lại xua đuổi hổ mẹ.
Hổ mẹ buồn bã rời đi. Đến một hôm, lúc cả đàn khỉ đi kiếm ăn, chỉ còn mình hổ con. Hổ mẹ mới lân la tới nói chuyện:
"Chào bạn khỉ con, tôi có thể nói chuyện với bạn được không?"
Hổ con đồng ý, hổ mẹ trò chuyện với hổ con như với một chú khỉ. Rồi cả 2 cùng đi dạo, đến hồ nước hổ mẹ mới soi mình xuống nước. Hổ con cũng soi mình, dưới nước hình ảnh hổ con và hổ mẹ giống nhau như 2 giọt nước. Hổ mẹ nói: "Bạn khỉ ơi, sao tôi và bạn giống nhau quá".
Thấy hổ con như nhận ra điều gì, hổ mẹ bẫng gầm vang trời. Hổ con cũng gầm lên theo, tiếng gầm của loài hổ làm cho muông thú xung quanh hoảng sợ bỏ chạy.
Chú hổ con nhận ra chính bản thân mình là loài hổ, nhận ra mẹ. Thế là cả hai mẹ con hổ cùng nhau đi vào rừng."
Qua bài giảng ta có thể thấy rằng, nói trong chánh niệm không có phải lúc nào cũng là lời nói thật. Nói trong chánh niệm là lời nói và thái độ hướng tới sự thật với mục đích tốt đẹp.
Nói theo ngôn ngữ thông thường thì ta có thể hiểu có 2 cách nói: nói tinh tế và nói trơ trẽn. Bạn sẽ chọn cách nào?

P/s: Bài viết đăng trên fb ngày 25/07/2020

Thứ Năm, 15 tháng 7, 2021

Làm thế nào cân bằng giữa công việc và cuộc sống để có hạnh phúc?

 

Con người luôn khát khao có được hạnh phúc

Hạnh phúc là gì mà con người luôn khát khao có được nó? Đó là câu hỏi mà tôi luôn thường trực hỏi chính bản thân mình. Để rồi trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc, đã mang câu hỏi đó để hỏi nhiều người.

Có người nói hạnh phúc là thấy mình có giá trị. Người thì nói hạnh phúc là có cuộc sống thanh thơi, nhàn hạ bên người thân. Và có người nói rằng đối với họ hạnh phúc là được tư do đi khắp mọi nơi trên thế giới. Quả là có nhiều cách thức để con người có được hạnh phúc.

Ngày 14 tháng 8 năm 2020, cơ duyên mang tôi đến với buổi chia sẻ của anh Nguyễn Đỗ Lăng, chủ tịch của APEC Group. Tối hôm đó tôi thật sự ấn tượng với không gian làm việc rộng, hiện đại, và cực kỳ đẹp của APEC. Và càng ngạc nhiên hơn nữa khi anh Lăng nói rằng, toàn bộ nội thất công ty đều tự tay nhân viên thiết kế, với chi phí rẻ hơn các công ty khác rất nhiều.

Trong buổi chia sẻ kéo dài 2 tiếng, anh Lăng đã kể lại hành trình khởi nghiệp, triết lý kinh doanh của bản thân anh. Với tôi đây là những chia sẻ cực kỳ sinh động và thực tế. Tại buổi hôm đó, có một câu nói về hạnh phúc của anh Lăng mà tôi nhớ mãi:

“Thường thì các công ty hạnh phúc, con người hạnh phúc thì đều thành công và giàu có. Từ lúc tập đoàn APEC tự gọi chúng tôi là công ty the happiness company, tự nhiên thấy văn phòng của chúng tôi đẹp hơn, có vẻ lương của người APEC 2 đến 3 năm vừa rồi cũng tăng gấp 3 gấp 4 lần. Thì đâu đó cũng có sự liên kết mạnh mẽ giữa hạnh phúc với giàu có và thành công.”

Vậy có phải như anh Lăng nói hạnh phúc là nền tảng của sự giàu có và thành công?

Nhưng để đạt được hạnh phúc quả thật không dễ dàng, đặc biệt trong xã hội hiện đại, nơi con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc.

Để tồn tại con người phải làm việc

Từ rất lâu, loài người đã nhận ra rằng: mỗi cá thể không thể tự làm ra tất cả mọi thứ để phục vụ cuộc sống, vậy nên phải chuyên môn hóa công việc cho từng cá thể. Việc chuyên môn hóa còn giúp tiết kiệm thời gian, công sức và tăng hiệu quả lao động. Ở xã hội hiện đại, việc chuyên môn hóa đã ở trình độ bậc cao, chia thành từng lĩnh vực vô cùng nhỏ như phân tích dữ liệu, nhập liệu, hay thuyết trình.

Chính vì việc chuyên môn hóa đến mức như vậy, còn người càng phải làm việc nhiều hơn để có thu nhập phục vụ cho các nhu cầu ngày càng nhiều, và giá cả ngày càng tăng.

Ngoài ra, con người còn đòi hỏi tìm được công việc mà mình làm giỏi nhất, làm công việc mà mình có đam mê. Khiến cho công việc càng trở nên áp lực.

Khi con người làm việc đến mức cạn kiệt cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Họ đòi hỏi việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vấn đề này thực sự là vấn đề lớn của xã hội.

Bản thân tôi cũng đã từng trăn trở để tìm ra giải pháp để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Tôi phát hiện ra rằng công việc thực ra chính là một phần cuộc sống của tôi. Nó không tách rời mà nằm trong cuộc sống.

Với tôi công việc không đơn giản là để tạo ra thu nhập, công việc là một phần trong cuộc sống.

Bằng cách lần về quá khứ, xem xét lại quá trình làm việc của bản thân. Tôi thấy rằng công việc giúp tôi phát triển bản thân. Ở mỗi 1 công việc tôi trải qua, nó giúp cho tôi phát triển các kỹ năng cá nhân, làm bộc lộ ra những phẩm chất mà trước đây bị che dấu.

Công việc cũng là cách để giúp tôi cống hiện năng lực, tạo ra giá trị để phục vụ cộng đồng. Ở Bá Minh Silk, nơi tôi đang làm việc, chúng tôi làm việc dựa trên sứ mệnh “Nuôi dưỡng giá trị thật, xây dựng niềm tin”. Chúng tôi luôn mong muốn mang lại những giá trị thật đến với khách hàng và cộng đồng.

Công việc cũng là một cách thức để chúng ta kết nối với con người. Trong công việc, tôi đã tìm cho mình thêm những người bạn tri kỉ, những người anh em, và cả những người thầy. Nếu không có công việc, chắc tôi không thể gặp những người tuyệt vời như thế.

Đối với tôi, cuộc sống gồm công việc, gia đình và những sở thích, đam mê của cá nhân.

Vậy có hay không việc bằng giữa công việc và cuộc sống?

Như đã nói ở trên, công việc chính là một phần của cuộc sống. Công việc không tách rời với cuộc sống. Vậy nên không có trạng thái nào được gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo tôi, bản chất thật sự đó là trạng thái bình an trong tâm ta. Khi tâm ta cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái, bình yên để đạt tới trạng thái bình an chính là lúc bản thân ta cảm thấy mọi thứ cân bằng nhất.

Điều ta cần xem xét ở đây chính là việc cân đối thứ tự ưu tiên cho công việc, gia đình, và bản thân phù hợp trong từng khoảng thời gian nhất định.

Vậy làm sao để đạt được trạng thái cân bình an trong tâm ta?

Cá nhân tôi vẫn chưa đạt được trạng thái bình an trong tâm một cách bền vững. Để đạt được trạng thái bình an đòi hỏi một sự nỗ lực liên tục. Với kinh nghiệm cá nhân, tôi xin được chia sẻ một số bước để đạt được trạng thái bình an trong tâm như sau:

Đầu tiên, bạn cần lập kế hoạch cho cả cuộc đời mình. Cuộc đời dù có nhiều điều bất ngờ, và mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Nhưng chúng ta đều phải trải qua những giai đoạn giống nhau, những sự kiện lớn như nhau: đi học, làm việc, lập gia đình, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ hưu. Vậy bạn hãy lập kế hoạch cho từng sự kiện lớn đó. Và hãy nhớ mỗi một giai đoạn trong cuộc đời sẽ có thứ tự ưu tiên khác nhau. Ngoài ra, trong khi lập kế hoạch cuộc đời bạn cần tìm cho mình một triết lý sống sâu sắc. Trong buổi chia sẻ ngày 14 tháng 8 năm 2020, anh Lăng đã nói về tâm quan trọng của một triết lý sống sâu sắc là giúp bạn không sa ngã vào những thứ tiêu cực.

Tiếp theo, hãy xác định các nguồn lực của bản thân. Theo tôi, mỗi người có 7 nguồn lực cơ bản: sức khỏe, thời gian, tinh thần, kiến thức và kỹ năng, tiền bạc, mối quan hệ, sức sáng tạo. Mỗi một cá nhân sẽ sở hữu các nguồn lực này ở mức độ mạnh, yếu khác nhau. Việc của bạn là xác định rõ nguồn lực nào của bạn là mạnh, bạn cần tập trung sử dụng và bồi đắp cho nguồn lực nào. Và cách bạn sử dụng những nguồn lực đó trong kế hoạch cuộc đời của mình như thế nào.

Tiếp đến, bạn hãy xác định những điều quý giá nhất của bạn. Đó có thể là vợ con, bố mẹ, đam mê, sứ mệnh hay bất cứ thứ gì mà bạn thấy nó quý giá và không thể bỏ đi. Mọi nguồn lực của bạn đều là hữu hạn, vậy nên hãy tập trung những nguồn lực vào những điều quý giá nhất.

Tôi tin rằng, khi bạn làm được những điều trên, cuộc sống của bạn sẽ dễ dàng đạt tới hạnh phúc. Chúc bạn những điều bình an!

P/s: Xin gửi lời biết ơn đến APEC Group và bạn Tuệ Tâm đã có lời mời tôi viết một bài chia sẻ để đưa vào cuốn sách của APEC Group. Đây là vinh dự cho tôi khi có cơ hội được đóng góp, chia sẻ những điều mà tôi đã học hỏi và tích lũy được qua công việc, qua lắng nghe chia sẻ của những người thành công. Chúc cho APEC Group sẽ luôn là công ty hạnh phúc!