Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

Chúng ta thường hỏi những câu hỏi chúng ta bị hỏi ngày bé!

Trong quán cafe, một đôi bạn trẻ đang có những cử chỉ thân mật, nhìn họ thật hạnh phúc. Trong lúc chàng trai đang cười rạng rỡ, cô gái bỗng quay sang hỏi:
"Em và người yêu cũ, anh yêu ai nhiều hơn?"
Chàng trai đang cười, thì mặt bỗng đơ ra, chẳng hiểu vì sao cô gái hỏi câu hỏi đó. Lúng túng chẳng biết trả lời sao.
Cô gái hỏi dồn: "Anh cứ nói đi, có phải anh vẫn đang còn nhớ đến người yêu cũ đúng không?"
Thực ra, nếu gặp câu hỏi đó thì bạn nghĩ phải trả lời thế nào? Thật khó để trả lời, vì tình yêu đâu phải là một đại lượng có thể đo đếm. Hơn nữa, câu hỏi đó có thực sự cần thiết, nó chứng minh điều gì nhỉ?
Tôi đã được một người bạn chia sẻ một câu rất hay. Đại ý thế này: Đã không yêu thì đừng gây tổn thương cho nhau, vì tình yêu sẽ không thể nào bù đắp lại tổn thương đó. Cô gái kia yêu thương chàng trai đến mức nào cũng không ai rõ. Nhưng rõ ràng cô gái đây làm cho chàng trai đó tổn thương qua một câu hỏi.
Đến đây, tôi có một suy nghĩ thế này. Ông bà, cha mẹ rất yêu thương con cháu của mình. Và họ cũng rất hay hỏi những người cháu nhỏ của mình kiểu thế này: "Con thương ông nội hơn, hay thương bà nội hơn?". Nếu người cháu có nói thương người kia hơn, hoặc cả hai bằng nhau. Thì người ông/người bà sẽ bảo: "Không được, con phải thương ông/bà nhiều hơn."
Ô hay! tại sao cháu/con phải yêu thương người này hơn người kia. Cùng trong gia đình lại có sự phân biệt thế nhỉ. Tại sao người cháu ngây thơ kia không được hồn nhiên yêu thương gia đình mình như nhau. Chẳng phải hỏi như thế là vô tình dạy cho con sự phân biệt đối xử, sự đòi hỏi thiệt hơn sao.
Có khi nào, những câu hỏi của cô gái chính là nhưng câu hỏi mà ngày bé cô ấy đã bị hỏi ngày bé?
Viết ngày 09//02/2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét