Thứ Hai, 8 tháng 3, 2021

Chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng hơn!

BENJAMIN FRANKLIN có câu nói nổi tiếng thế này: "By failing to prepare, you are preparing to fail."

Dịch ra tiếng Việt là "Thất bại trong chuẩn bị có nghĩa là bạn đang chuẩn bị cho thất bại". Hay chúng ta có câu nói gần gũi hơn là " Không chuẩn bị là chuẩn bị cho sự thất bại".
Tuy nhiên, theo tôi câu nói "Thất bại trong chuẩn bị" có hàm nghĩa sâu rộng hơn. Bởi thất bại trong chuẩn bị bao gồm không chuẩn bị và chuẩn bị sai cái cần phải chuẩn bị, hoặc chuẩn bị thiếu.

Nếu hiểu sâu sắc và sát với từng cá nhân, ta có thể hiểu là nếu ta thất bại trong việc chuẩn bị cho cuộc đời của mình, thì ta đang chuẩn bị cho một cuộc đời thất bại.
Vậy làm sao để thành công trong việc chuẩn bị cho cuộc đời? Chắc có bạn sẽ nói rằng, ai biết trước được điều gì sắp xảy ra để mà chuẩn bị được cơ chứ?
À, chính bởi vì ta không biết được điều gì sẽ xảy ra nên ta mới cần phải chuẩn bị. Chuẩn bị để tránh việc chịu nhiều tổn thất do rủi ro, hoặc có thể đón lấy cơ hội khi nó tới.
Và bạn có chắc là ta không biết trước được điều gì sắp xảy ra không? Tôi tin rằng, ta hoàn toàn có thể biết được điều gì sẽ xảy ra. Và tôi đã chia ra 2 nhóm: việc chắc chắn phải xảy ra và rủi ro không lường trước.

Thật vậy, ông bà ta đã đúc kết lại rằng "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà" là 3 việc lớn trong đời, không ai có thể tránh khỏi 3 việc lớn này.

Vậy cuộc đời mỗi một con người, ai cũng sẽ phải trải qua những việc sau:
Có một nghề nghiệp. Nghề nghiệp hay công việc chính là thứ mang lại thu nhập và đảm bảo cuộc sống cho mỗi cá nhân. Công việc còn đáp ứng cho đam mê, ước mơ của ta. Để có một nghề nghiệp ta phải chuẩn bị bằng cách: học tập (học nghề, học đại học, đi du học), công cụ phục vụ làm nghề (máy tính, xe máy, oto,...). Nếu bạn nào kinh doanh thì phải chuẩn bị vốn.

Kết hôn (lập gia đình). Chẳng ai có thể sống một mình cả. Và khi lập gia đình, ta sẽ có thêm những trách nhiệm mới: trách nhiệm với người bạn đời, trách nhiệm với con cái. Vậy ta phải chuẩn bị cho những trách nhiệm đó. Với bạn đời đó là trách nhiệm xây dựng một tổ ấm hạnh phúc, đảm bảo đời sống kinh tế. Với con cái đó là trách nhiệm nuôi dưỡng, học tập và có khi cả hỗ trợ con cái lập nghiệp. Phải làm sao để trong mọi hoàn cảnh ta đều đảm bảo được trách nhiệm của mình với gia đình.

Mua nhà (xây nhà). An cư thì mới lạc nghiệp. Nhà là nơi ta nghỉ ngơi, là thành quả của quá trình lao động. Nhà là nơi ta xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhà là bến neo đậu an toàn của ta. Và có thể nhà chính là một trong những điều mà ta tự hào nhất. Vậy ta phải chuẩn bị gì để mua nhà? Đó là tiết kiệm, đầu tư!.

Phụng dưỡng cha mẹ. Là một đứa con, chắc chắn ai cũng mong muốn được thấy cha mẹ mãi khỏe mạnh. Nhưng con người vốn dĩ không thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Vậy nên, ta phải chuẩn bị để phụng dưỡng cha mẹ của ta lúc về già. Năm 2018, lúc đó tôi đã nghĩ rằng kiểu gì mình cũng phải có 1 khoản tiền dành cho cha mẹ. Vậy nên tôi đã chuẩn bị một thứ (đố bạn là gì?), mà nếu có rủi ro ngoài ý muốn thì cha mẹ tôi vẫn có một khoản tiền do tôi chuẩn bị.

Một việc nữa mà ta phải chuẩn bị. Đó là lo cho tuổi già, hay nói rõ ra là một khoản tiền để dưỡng già. Chẳng ai có thể đảm bảo rằng về già chúng ta được con cháu nuôi dưỡng. Và nếu nhìn bố mẹ của ta, thì ta mới thấy rằng bố mẹ hết lo cho con, rồi lại lo cho cháu, do đó tuổi già lại cũng phải chi nhiều tiền. Vậy nên, ta rồi cũng sẽ như thế mà thôi.

Con người không thể thoát khỏi quy luật sinh lão bệnh tử. Không ai có thể khỏe mạnh mãi được. Vậy nên, ta cũng cần phải chuẩn bị cho việc lúc ốm đau, tai nạn. Đừng để lúc ốm đau rồi mới xoay xở, lúc đó chẳng còn sức lực, tâm trí và thời gian nữa. Và cũng đừng để ốm đau lấy đi những thứ mà ta nhọc công gây dựng. Cách nào để ta chuẩn bị tốt nhất?

Và cuối cùng, với những người có trách nhiệm, có hoài bão thì điều họ mong muốn nhất là cuối đời để lại một di sản cho con cháu. Di sản đó có thể là tiền bạc của cải, di sản đó cũng có thể là một tinh thần, một tấm gương cho con cháu dựa vào và học tập.

Bạn bè tôi có một số người đã chuẩn bị thành công cho một cuộc đời nhẹ nhàng. Và cũng có nhiều người tôi quan sát được rằng họ vẫn chưa thực sự chuẩn bị cho cuộc đời mình. Tôi quan sát và học hỏi được từ cả 2 nhóm người này. Và tôi tin rằng sự chuẩn bị không bao giờ là muộn cả.
Tôi đã tìm được một số nguyên tắc để chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng. Và tôi đã áp dụng và thấy thật sự hiểu quả mà không hề có áp lực. Bạn nào muốn tham khảo thì tôi sẵn sàng chia sẻ. Hãy cùng nhau chuẩn bị cho một cuộc đời nhẹ nhàng hơn nhé!


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

8 câu hỏi giúp bạn hiểu rõ bức tranh tài chính cá nhân tương lai của bạn

Ai cũng có ước mơ về một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng. Nhưng để hình dung rõ được tương lai như thế nào là tương lai tốt đẹp và thịnh vượng thì không phải ai cũng làm.

Nếu bạn hình dung rõ được bức tranh tài chính cá nhân trong tương lai thì sẽ giúp bạn lập kế hoạch rõ ràng. Và giúp bạn thực hiện kế hoạch dễ dàng hơn, giúp đạt được tương lai tốt đẹp và thịnh vượng.

Sau đây, tôi gợi ý 8 câu hỏi giúp bạn hiểu rõ bức tranh tài chính cá nhân trong tương lai của bạn. Hãy đọc và trả lời chi tiết từng câu hỏi vào giấy nhé.

1. Trong 5 năm tới, thu nhập của bạn là bao nhiêu?

2. Phong cách sống của bạn ra sao?

3. Bạn sẽ sống trong một căn nhà như thế nào?

4. Bạn sẽ lái xe gì?

5. Bạn có thể đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình ở mức nào?

6. Bạn sẽ có bao nhiêu tiền trong ngân hàng?

7. Bạn sẽ tiết kiệm và đầu tư bao nhiêu tiền mỗi tháng và mỗi năm?

8. Bạn muốn có được bao nhiêu tiền lúc về hưu?

Sau khi trả lời xong 8 câu hỏi này, thì hãy bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch và thực hiện nhé. 

Chúc bạn may mắn, kiên định, bền bỉ để có một tương lai tốt đẹp và thịnh vượng nhé!

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Tại sao cá nhân cần phải quản trị rủi ro?

 Rủi ro là gì?

Theo Wikipedia, rủi ro (risk) là sự bất trắc có thể đo lường được, vừa mang tính tích cực, vừa mang tính tiêu cực. Rủi ro có thể mang đến những tổn thất mất mát cho con người nhưng cũng có thể mang lại những lợi ích, những cơ hội. Nếu tích cực nghiên cứu rủi ro, người ta có thể tìm ra những biện pháp phòng ngừa, hạn chế những rủi ro tiêu cực, đón nhận những cơ hội mang lại kết quả tốt đẹp cho tương lai.

Từ khái niệm này, ta có thể thấy rủi ro nó cũng có thể là tích cực, nhưng cũng có thể là tiêu cực. Cá nhân khi đối diện với rủi ro có đủ tỉnh táo, thông minh để nhận diện rủi ro đó để tận dụng tối đa những lợi ích, cơ hội hay để phòng tránh, hạn chế tổn thất hay không mà thôi.

Đặc biệt, rủi ro là yếu tố có thể đo lường được. Vì vậy ta hoàn toàn có thể tính toán, nghiên cứu để quản trị rủi ro.

Quản trị rủi ro là gì?

Đa phần bạn sẽ thấy quản trị rủi ro thường được nhắc đến ở các doanh nghiệp. Nhưng thực tế, mỗi cá nhân cũng phải quản trị rủi ro cho chính bản thân mình.

Quản trị rủi ro cá nhân hiểu một cách đơn giản là quá trình nhận dạng, đánh giá, phân tích rủi ro để từ đó có biện pháp kiểm soát, khắc phục hoặc tận dụng rủi ro nhằm mang đến cuộc sống an toàn và hạnh phúc cho cá nhân.

Quản trị rủi ro giúp cho cá nhân làm chủ cuộc đời, có cuộc sống an toàn, hạnh phúc. Quản trị rủi ro còn đóng vai trò lớn giúp cá nhân thực hiện được ước mơ, hoài bão của bản thân.

Vậy tại sao cần phải quản trị rủi ro? Chúng ta cũng đi tìm hiểu các lý do dưới đây.

1. Môi trường sống ngày càng biến động

Bệnh dịch ngày càng nguy hiểm và xuất hiện dày đặc!

Từ thủa khai sinh nhân loại cho đến hết thể kỷ 20, nhân loại đón nhận 11 đại dịch thay đổi lịch sử thế giới. Nhưng chỉ trong 20 năm đầu của thể kỷ 21, loài người đã phải trải qua 5 đại dịch kinh hoàng (SARS - 2003, H1N1 - 2010, MERS - 2015, Ebola - 2015, COVID). Trong khi tôi đang viết dòng chữ này thi cả thế giới đang quay cuồng bởi đại dịch COVID 19, thế giới đã có gần 100 triệu người mắc bệnh và hơn 2 triệu người chết, thiệt hại về kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Con người ngày nay cũng đối mặt với nhiều loại bệnh tật hơn nhiều. Minh chứng là một đứa trẻ sinh ra sẽ phải tiêm vắc xin cho 18 loại bệnh với hơn 25 mũi tiêm. Nếu bạn đã có con, từng đưa con đến điểm tiêm chủng thì bạn sẽ thấy thật xót!

Thiên tai thảm họa ngày càng nhiều và mức độ tổn thất ngày càng lớn.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã khiến cho thiên tai thảm hỏa diễn ra ngày càng phức tạp, với quy mô và gây tổn thất vô cùng lớn. Các cơn bão có thể phá hủy cả một thành phố lớn, sóng thần nhấn chìm cả một tỉnh. Hay như lũ lụt có thể nhấn chìm nhiều tỉnh thành của một đất nước. Đây có thể nói là những rủi ro mà con người không thể tránh khỏi được.

Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng sâu rộng và không chừa bất kỳ một cá nhân nào.

Năm 2020, khủng hoảng kinh tế do Covid19 gây ra đã khiến thế giới có thêm 81 triệu người thất nghiệp, 95% người lao động bị ảnh hưởng đến thu nhập. Cả thế giới thiệt hại không thể đo đếm được.

Từ năm 2000, thế giới chứng kiến nhiều đợt suy thoái và khủng hoảng kinh tế. Những đầu năm 2000, khủng hoảng năng lượng khiến giá xăng dầu lập kỉ lục. Đến năm 2007 - 2008, thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính. Đến năm 2012, Hy Lạp vỡ nợ khiến cả Châu Âu và thế giới chao đảo.

Tiếp đến là các cuộc chiến tranh thương mai, cấm vận kinh tế không ngừng giữa các quốc gia khiến nền kinh tế điêu đứng. Như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Nhật - Trung, Mỹ - Nga,... các cuộc chiến tranh thương mai đẩy các công ty đang làm ăn phát đạt đến bờ vực phá sản, hàng triệu lao động bỗng nhiên mất việc làm.

Rủi ro khủng bố, chiến tranh, bạo lực ngày càng nguy hiểm hơn!

Nếu bạn là người thường xuyên xem thời sự, đọc báo thì bạn chắc chắn thấy rõ loại rủi ro này. Báo chí luôn nổi bật với những vụ khủng bố, bạo loạn ở khắp nơi trên thế giới khiến hàng trăm người chết, hàng ngàn người phải mất nơi ở, tị nạn. Con người dường như ngày càng trở nên vô cảm.

Rủi ro từ cuộc sống hàng ngày: tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ...

Tình trạng giao thông hiện tại có thể nói là vô cùng tồi tệ. Năm 2020, Việt Nam có hơn 7000 người tử vong vì tai nạn giao thông, hàng chục ngàn người bị thương tật do tai nạn.

Hậu quả là hàng chục ngàn hộ gia đình bị ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập.

2. Nguồn lực cá nhân luôn có hạn và dễ bị tổn thương

Nguồn lực cá nhân gồm: Thời gian, sức khỏe, tinh thần, kiến thức và kỹ năng, tiền bạc, mối quan hệ, sức sáng tạo.

Nguồn lực thời gian có hạn và có thể biến mất bất cứ lúc nào. Mỗi người chỉ có 24h/ngày, 7 ngày/tuần, 365 ngày/năm. Vì vậy, bạn phải chạy đua với thời gian để đạt được ước mơ, hoài bão, thực hiện trách nhiệm cá nhân. Nguồn lực thời gian rất dễ bị tổn thương, bị lấy cắp bởi những người không xứng đáng, những việc làm kém hiệu quả.

Sức khỏe là nguồn lực có hạn và mỗi người có sức khỏe không giống nhau. Có những người sinh ra đã có sức khỏe không được tốt. Sức khỏe cũng là nguồn lực dễ bị tổn thương bởi các rủi ro của môi trường sống như bệnh tật, ô nhiễm, tai nạn...

Tinh thần là nguồn lực xét ở góc độ nào đấy là có hạn, bởi ai cũng có giới hạn chịu đựng của riêng mình. Trong một xã hội vận động ngày càng nhanh, áp lực lớn đã khiến nhiều người phải điều trị tâm lý. Có thể nói tinh thần là một nguồn lực có tác động rất lớn, đồng thời cũng khó thay đổi tích cực với mỗi cá nhân.

Kiến thức và kỹ năng cũng là một nguồn lực có hạn. Bởi sao có hạn vì nó chịu tác động bởi thời gian, sức khỏe và công cụ hỗ trợ.

Tiền bạc (tài chính) là một nguồn lực rất quan trong, nhưng chúng ta luôn bị thiếu bởi chúng ta không thể quan trị nó, đồng thời nó cũng chịu chi phối mạnh mẽ bởi các nguồn lực mà tôi đề cập trên.

Mối quan hệ là một nguồn lực ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của bạn, nhưng tiếc thay con người đa số không có khả năng tạo mối quan hệ tốt. Vì vậy, vòng tròn mối quan hệ của nhiều người đa phần rất hạn chế.

Sức sáng tạo thì khỏi phải bàn tới, đây là một nguồn lực khan hiếm, luôn thiếu trong xã hội loài người. Rất ít người trên thế giới này có đủ sức mạnh sáng tạo để tạo ra giá trị, gây ảnh hướng đến xã hội.

3. Một cá nhân ngày càng có nhiều trách nhiệm

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu xã hội ngày càng cao. Vì vậy mỗi cá nhân ngày càng có nhiều trách nhiệm hơn.

Nhiều trách nhiệm hơn ở đây đúng cả về số lượng trách nhiệm và quy mô, chất lượng của trách nhiệm đó.

Ví dụ như tôi, vào những năm 2009, học phí đại học của tôi chỉ khoảng 5 triệu/năm (trường đại học Thương Mại). Đến năm năm 2020, học phí trung bình của mỗi sinh viên đại học Thương Mại là 15 triệu/năm. Như vậy trách nhiệm của bố mẹ để chi trả học tập cho con gái đã tăng lên gấp 3 lần.

Ngoài việc học tập, sinh viên hiện nay còn có nhiều hoạt động xã hội, phải đi học thêm các kỹ năng khác như ngoại ngữ, giao tiếp, công nghệ thông tin,..

Như vậy trách nhiệm tài chính lên mỗi cá nhân ngày càng lớn lên.

Chưa kể đến nhu cầu du lịch, khám chữa bệnh, thời trang đều tăng lên một cách không ngừng.

Con người sống trong xã hội, với rất nhiều mối quan hệ, và mỗi một mối quan hệ lại có những trách nhiệm đi kèm.

Bạn hay thử liệt kê xem trách nhiệm cá nhân của bạn đã thay đổi như thế nào trong vòng 5 năm qua?

Vì vậy càng quản trị được rủi ro bạn càng có cuộc sống hạnh phúc!

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

CHÀNG TRAI ĐỘC THÂN 27 TUỔI VÀ 3 CÂU HỎI LỚN CỦA CUỘC ĐỜI!

Chiều nay tiễn thằng bạn thân về quê sau 2 ngày nó ra Hà Nội chơi. Hai ngày vừa rồi, tôi không đưa nó đi chơi được nhiều, cũng không khiến nó phê pha được một lần nào. Vì thế trong lòng tôi thực sự có một sự áy náy. Nhưng bạn ơi, chúng ta mới 27 tuổi, chúng ta còn nhiều thứ phải làm hơn là phê pha phải không bạn. Và tôi muốn chia sẻ với bạn 3 câu hỏi lớn của cuộc đời tại thời điểm này. Mà tôi và bạn, những chàng trai độc thân tuổi 27 cần trả lời.

Câu hỏi đầu tiên, nguồn thu nhập của chúng ta giờ thế nào?
27 tuổi, nếu đi làm muộn cũng được 5 năm rồi. 27 tuổi, nếu là một chàng trai thì bạn đã tự nuôi sống bản thân, đã giúp đỡ được bố mẹ, giúp đỡ anh em, và chúng ta đã có khoản tích lũy để đầu tư cho tương lai. Vậy, chúng ta phải nhìn lại nguồn thu nhập của chúng ta bây giờ ra sao, có đủ sống không? Có ổn định không? Có sự tăng trưởng không? Nếu đáp án các câu hỏi đó tốt thì chúng ta cứ thế phát huy, còn nếu ngược lại chúng ta phải giải quyết ngay.

Câu hỏi thứ hai, chúng ta sống vì điều gì? Hay cách nói khác là đam mê của chúng ta là gì? Bạn sống vì bản thân, bạn sống vì gia đình, bạn sống để cống hiến cho một lý tưởng vĩ đại hay bạn sống vì một điều nho nhỏ nào đó. Bạn và tôi giờ phải xác định được cụ thể rồi. Và muốn sống vì điều đó thì chúng ta cần những gì? Bạn và tôi cũng phải chuẩn bị những cái đó.

Câu hỏi thứ ba, người bạn đời của bạn là ai? Nếu bạn muốn sống độc thân cả đời thì có thể bỏ qua câu hỏi này. Tôi nghĩ tuổi này, chúng ta cũng nên xác định rõ người chúng ta muốn gắn bó, càng sớm càng tốt. Dù biết đó là duyên, nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị để đón cái duyên đó. Khi yêu chúng ta yêu vì sự thú vị, còn kết hôn là vì sự an toàn. Sự an toàn kết hợp giữa tình yêu và sự đồng điệu. Còn gì tuyệt vời hơn là việc cùng người bạn đời xây dựng mọi thứ.

Tôi viết ra những dòng này là vừa tự nhắc nhở bạn thân, vừa là chia sẻ với những người bạn của mình. Chúc các bạn của tôi những điều tốt đẹp nhất.


Viết ngày 28 tháng 02 năm 2018.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2020

Joker - Sản phẩm thất bại của việc không là chính mình

Ngày 10 tháng 2 năm 2020, Joaquin Phoenix đạt giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất bởi vai diễn Joker 2019. Giải thưởng xứng đáng cho diễn xuất, sự cống hiến của anh cho vai diễn.
Bộ phim Joker 2019 đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về con người. Nhiều người cho rằng Joker là sản phẩm của xã hội, điều đó đúng. Nhưng tôi muốn đặt một câu hỏi nữa "Có phải thực sự xã hội đã tạo ra kẻ giết người Joker hay không? Hay Joker đã không thực sự hiểu chính mình để từ đó hòa hợp với xã hội?".
Lấy bối cảnh thành phố Gotham những năm 80, chàng Arthur Fleck (Joker) bất chấp chứng bệnh cười không kiểm soát và cả cuộc sống nghèo đói ngày đêm chăm sóc bà mẹ già, Arthur vẫn ôm mộng trở thành nghệ sĩ hài trên sân khấu. Thần tượng của anh chàng là người dẫn chương trình – danh hài Murray Franklin. Để kiếm sống, ban ngày Arthur hóa trang thành hề, đi biểu diễn trong các bệnh viện hoặc trên đường phố.
Đến đây, chúng ta điểm lại một chút về Joker nhé. Joker có ngoại hình tàn tạ, khuôn mặt đáng sợ hơn là thân thiện, vui vẻ. Ánh mắt của Joker dù có cố gắng vui vẻ qua lớp hóa trang chú hề, nhưng vẫn là cặp mặt buồn bã. Anh còn mắc bệnh chứng cười không kiểm soát, điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và nghề nghiệp. Về tính cách, anh không phải là người hoạt ngôn, ăn nói không lưu loát. Đặc biệt anh không phải là một người có óc hài hước. Điều này chứng minh qua việc, anh đã rất chăm chỉ đi học, xem những người diễn hài biểu diễn. Nhưng anh vẫn không thể khiến người xem cười được, có cơ hội đứng trên sân khấu thì anh gần như đang đọc kịch bản hơn là diễn. Cuối cùng, người ta không cười vì biểu diễn của anh, mà người ta cười chính con người anh.
Đến đây ta có thể khẳng định, Joker hoàn toàn không phù hợp để diễn hài, và càng không thể thành công trong nghề này.
Nếu bạn nói: Joker mang dáng vẻ đó là do cuộc sống đưa đẩy, không thể khác được. Tôi đồng ý là cuộc sống đã đẩy Joker vào hình hài đó, nhưng sự thân thiện, vui vẻ phải do Joker quyết định. Có nhiều người nghèo nhưng họ vẫn rất thân thiện, và vui vẻ đó thôi. Joker có thấy những khiếm khuyết đó của mình hay không?
Và nếu bạn nói: theo đuổi ước mơ có gì sai cơ chứ? theo đuổi ước mơ mới tìm thấy chính mình. Vậy người xem, xã hội phản ứng như thế cũng có gì sai, họ có quyền được xem hài thật sự. Không thể xem hài bằng cách thương hại được. Người diễn viên hài phải mang lại sự thoải mái, vui vẻ, chứ không phải mang lại sự khó chịu. Joker đã thực sự hiểu việc mình đang làm đem lại kết quả gì hay không?
Joker đã thực sự là chính mình hay chưa? Joker đã hiểu chính mình chưa?
Cách đây ít lâu, tôi có tranh luận với một bạn về chủ đề: chính mình là gì? Theo tôi, chính mình là được tự do cá nhân làm những việc mình cho là phù hợp dựa trên cơ sở đạo đức, trí tuệ mà cá nhân đó có được. Do trí tuệ của cá nhân luôn phát triển nên bạn luôn phát triển, vì thế chính mình luôn thay đổi theo sự phát triển của trí tuệ.
Ở đây, chúng ta cũng nên làm rõ khái niệm tự do cá nhân. Hiểu 1 cách đơn giản thì tự do cá nhân là quyền suy nghĩ, hành động theo nguyện vọng của chính cá nhân đó. Tuy nhiên, để đảm bảo có tự do cá nhân, mỗi cá thể phải có sự tự tôn và tôn trong. Tức là bạn có quyền đặt bạn làm trung tâm, nhưng đồng thời cũng phải tôn trọng tự do cá nhân của người khác.
Vậy làm thế nào để là chính mình? Để là chính mình thì bạn phải hiểu chính bản thân bạn. Hiểu chính bản thân bạn là phải hiểu đầy đủ về thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực, ước mơ, tư tưởng. Bằng trí tuệ mà cá nhân đó tiếp thu được thì sẽ có mức độ hiểu chính mình đến đâu, từ đó vận dụng cái sự hiểu chính mình đó để sống là chính mình trên nền tảng đạo đức.
Nói đến đây thì bạn có thể thấy rằng, Joker ở một góc độ nào đã không là chính mình. Thể chất, tinh thần, tính cách, năng lực không thể đáp ứng được ước mơ của bản thân, tư tưởng không phù hợp với tình hình xã hội. Cái giá của không hiểu chính mình, không là chính mình đó là bi kịch.
Đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói: Đời thay đổi khi ta thay đổi. Bạn không thể thay đổi xã hội nếu bạn không phải là một vĩ nhân. Cách dễ dàng nhất chỉ có thể là hiểu chính mình, hiểu xã hội và thích ứng.