Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

Xây dựng thương hiệu từ con số 0: Cần biết từ chối khách hàng!

"Tự lượng sức mình" và "Một lần bất tín vạn lần bất tin" là 2 câu nói luôn hằn sâu trong đầu tôi khi xây dựng hình ảnh của một thương hiệu. Thương hiệu là bộ mặt của một doanh nghiệp, thương hiệu sẽ hằn sâu và tồn tại bền vững. Thương hiệu có cá tính thì dù cho google hay facebook có sụp đổ thì khách hàng vẫn tìm thấy bạn. Chính thương hiệu là ngọn hải đăng giúp dẫn lối chỉ đường để khách hàng đến với bạn. Tôi nghĩ vậy!
Và việc xây dựng thương hiệu là công việc liên tục không ngừng nghỉ. Đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ thì mọi hoạt động của doanh nghiệp chính là những viên gạch hoặc nhát búa làm nên thương hiệu.
Với doanh nghiệp nhỏ thì cách thức bạn bán hàng là cách xây dựng thương hiệu hiệu quả và bền vững nhất. Vậy bán như thế nào thì đúng cách, giúp xây dựng được thương hiệu. Theo tôi có 2 điểm như sau:
Thứ nhất, bán cho đúng người. Bán cho đúng người tức là bán cho người thực sự cần sản phẩm/dịch vụ của bạn. Sau khi họ mua sản phẩm/dịch vụ của bạn họ cảm thấy thoải mái, hài lòng. Đừng bao giờ bán cho 2 trường hợp sau: người đang phân vân, chưa tin tưởng vào sản phẩm; người chưa hiểu về sản phẩm, chưa biết mình cần cái gì. Cả hai trường hợp này rất dễ bị tác động bởi kẻ thứ 3. Và kẻ thứ 3 luôn là kẻ phá đám hạnh phúc.
Thứ hai, đừng có tham lam. Hãy tự lượng sức mình, mình có như thế nào thì "phơi hàng" ra như vậy. Hãy để trải nghiệm của khách vượt qua kỳ vọng. Họ sẽ quay lại với bạn. Sản phẩm/dịch vụ của bạn có nhược điểm gì hãy thừa nhận với thái độ cầu tiến. Khách hàng sẽ chấp nhận nhược điểm đáng yêu đó thôi.
Chính những điều trên sẽ góp phần cho thương hiệu của bạn lớn lên một cách vững bền.
P/s: Một ngày mưa lạnh và ế ẩm 

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Người yêu đầu đi lấy chồng!

Chúc em hạnh phúc!

Đó là suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu anh. Nếu hỏi cảm xúc của anh như thế nào? Thì đó là một chút buồn, nhưng chỉ thoáng qua thôi. Vì việc em lấy chồng là đương nhiên rồi.
Nhiều cô gái đã hỏi anh rằng "Anh đã quên người yêu cũ chưa?". Anh đã trả lời rằng: nếu như ai nói quên được người yêu cũ thì người đó đang nói dối, không ai có thể quên được người mà mình từng yêu cả. Chỉ có thể là nhờ thời gian thì tình yêu đó vơi dần, và không còn là yêu nữa. Mà chỉ còn là kỷ niệm. Và em cũng là một kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời anh. Anh luôn nghĩ rằng người đàn ông lấy được em thật may mắn. Và đã tìm ra người may mắn đó.
Mong rằng người đàn ông đó biết mình là kẻ may mắn khi được làm chồng của em.
Anh nhớ câu nói em đã nói khi chia tay: "Anh là người đàn ông mà em yêu nhất".
Anh đáp lại: "Nếu sau này em không hạnh phúc thì đừng có hối hận nhé". Em hãy đừng để phải hối hận em nhé.

Hôm nay em rất đẹp đấy! Tạm biệt em!

Đã đến lúc anh tìm cho anh một người đi cùng anh đến hết con đường còn lại rồi.

Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

KhaiSilk - Chịu đau để cắt bỏ "ruột thừa"

Người ta nói "Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Bao công sức gây dựng thương hiệu KhaiSilk giờ sụp đổ hoàn toàn. Nhưng bác Khải "bán danh ba đồng" liệu có đúng giá?
Đầu tiên, phải khẳng định bác Khải đi lên và gây dựng thương hiệu từ lụa tơ tằm. Bác ấy là người có công nâng tầm danh tiếng cho thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam trở thành một sản phẩm cao cấp, niềm tự hào dân tộc. Điều đó chứng minh qua, niềm tin của khách hàng (bao gồm cá nhân, công ty, cơ quan đoàn thể) đối với thươnng hiệu KhaiSilk. Bước vào cửa hàng của bác ấy thì chỉ việc chỉ tay lựa sản phẩm và thanh toán, không cần phải kiểm tra. Và sản phẩm của bác ấy được dành tặng cho những vị khách, đối tác quan trọng nhất.
Là sản phẩm mang lại thương hiệu cho bác ấy. Nhưng từ lâu mảng kinh doanh lụa đã trở thành "khúc ruột thừa". Nhìn lại quá trình kinh doanh của bác ấy, thì từ năm 1996 bác ấy đã chuyển qua lĩnh vực bất động sản, và tập trung kinh doanh bất động sản từ năm 2006. Tập đoàn KhaiSilk giờ đây là một tập đoàn đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, ẩm thực, du lịch. Những ngành này đương nhiên mang lại doanh thu lớn hơn gấp nhiều lần mảng lụa tơ tằm, dẫn tới bác ấy không còn chú trọng vào đầu tư cho mảng này nữa.
Điều này được bác ấy chứng minh qua việc thừa nhận việc nhập lụa Trung Quốc từ lâu. Có thể là từ những năm 90 rồi. Thực ra việc nhập lụa Trung Quốc đâu có gì sai, họ là cường quốc số một về lụa tơ tằm. Chắc chắn chất lượng tơ tằm của họ không nhận mình là số một thì chẳng nước nào dám nhận. Cái sai là bác ấy giấu điều đó và gắn cho nó cái mác "Made in VietNam". Và "cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra". Với tầm của bác ấy, chắc chắn việc này đã được dự liệu từ khi mới bắt đầu, nhưng vì thương hiệu của mình, bác ấy đã nhắm mắt làm tới.
Chính nguyên nhân này, khiến cho "khúc ruột thừa" đó. Nếu như bình thường, nó sẽ yên phận sống trong hoà bình với bác ấy đến cuối đời. Nhưng "khúc ruột thừa" của bác ấy có bệnh, và sẽ đến ngày nó phát bệnh và cần được cắt bỏ. Và ngày đó đã đến. Nhưng nó đến quá bất ngờ, đến trong lúc bác ấy không chuẩn bị, đến mức có thể nói là cắt bỏ mà không được tiêm thuốc giảm đau.
Đến đây, câu hỏi được đặt ra là tại sao bác ấy lại cúi đầu nhận lỗi?
Câu trả lời có thể được dự đoán như sau:
Thứ nhất, với bác ấy thương hiệu cá nhân có sức ảnh hưởng lớn hơn thương hiệu công ty. Cái tên của bác ấy gắn liền với mọi hoạt động của công ty, nó mang lại danh tiếng, uy tín cho các hoạt động đó. Vậy nên bác ấy phải giữ lại. Không phải ai cũng đủ dũng khí để thừa nhận việc làm sai trái "long trời lở đất" đó. Xử lý như vậy đã vớt vát được một phần nào đó thương hiệu cá nhân của bác ấy. Kể từ đây, bác ấy có thể trút bỏ gánh nặng bao lâu nay, và tập trung vào việc khác.
Thứ hai, đã đến lúc tập đoàn của bác ấy thay đổi cơ cấu, chuyển dịch giá trị cốt lõi từ mảng lụa tơ tằm sang một ngành khác có lợi nhuận cao hơn, dễ phát triển hơn. Vậy thì nhân cơn đau này, thì phẫu thuật, cắt bỏ đi "khúc ruột thừa" này.
Có lẽ "bán danh ba đồng" cũng coi như là được giá!


Thứ Năm, 5 tháng 10, 2017

Viết cũng là một dạng thiền

Theo cuốn Search Inside Yourself thì Viết cũng là một dạng thiền. Bởi khi bạn viết, tâm trí của bạn hoàn toàn tập trung vào vấn đề mà bạn muốn truyền tải dưới dạng chữ viết, ngôn từ tuôn trào một cách rõ ràng và sống động từ trí óc của bạn.
Thiền giúp cho tâm trí được thư giãn, đưa con người trở lại với trạng thái cần bằng. Vốn dĩ, trạng thái cần bằng, hạnh phúc là trạng thái mặc định của tâm trí. Nhưng càng lớn, con người càng mất đi trạng thái mặc định này. Tâm trí chúng ta bị xô đẩy, bị tác động bởi mọi vấn đề trong cuộc sống. Thời gian bạn cảm thấy thoải mái ngày càng ít đi.

Hôm nay, tôi cũng muốn viết một chút để thiền. Để lấy lại sự cân bằng mà tôi đang thiếu, mà tôi nghĩ phải lấy ngay lại, vì có những triệu chứng cảnh báo từ cơ thể mình. Cụ thể như sau:

1. Mất ngủ và tỉnh giấc giữa đêm.

Khoảng hai tuần nay, gần như tôi đều ngủ không được yên. Có hôm ngủ rất sớm, có hôm không tài nào ngủ được. Và hầu hết đều tỉnh dậy lúc 3h sáng, sau đó ngủ tiếp được lúc hơn 4h sáng. Tiếp đến bị tỉnh dậy lúc hơn 5h sáng. Xen kẽ vào đấy là những giấc mơ, mà tôi cũng không nhớ rõ, nhưng chắc chắn là không tốt.

2. Bị đau vùng bắp ở ngực và hông.

Thỉnh thoảng nếu tôi văn mình lại bị đau, chẳng hiểu nguyên nhân là gì. Cơn đau kéo dài khoảng 30 giây. Sức khoẻ thì vẫn tốt, vẫn chạy bền đều và ổn định. Ăn uống vẫn bình thường.

3. Thiếu tập trung khi đi xe máy.

Hai tuần này, tôi cảm nhận mình đi xe không được tốt, cảm giác không được an toàn. Nhất là hôm nay, buổi sáng thì đi không chú ý vượt đèn đỏ lúc nào không hay. May mắn đoạn đường toàn người đi chậm nên chỉ va chạm nhẹ. Buổi chiều thì vượt lên đầu xe con và va quệt với bạn nữ đi làn đối diện. May quá bạn ấy không sao, xe chỉ bị cong cần số.

Dù sao đi nữa, có lẽ tôi cần giải phóng mình khỏi những suy tư thường ngày, giũ bỏ mọi áp lực khi lên giường đi ngủ. Cất điện thoại, bỏ tai nghe ra khỏi tai, nằm đúng tư thế để có giấc ngủ ngon nhất. Mọi việc rồi sẽ có cách giải quyết, hãy giải quyết theo thứ tự mà mình thấy cần thiết. Khởi lên trong đầu những suy nghĩ tích cực nhất, bớt thở dài, hít thở sâu và mỉm cười nhiều hơn.

Tôi sẽ thấy nhẹ nhàng, an nhiên và hạnh phúc. Xin cám ơn cuộc đời đã cho tôi được sống, được làm việc theo ý thích của mình!

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường

Hà Nội, ngày 20/08/2016
Tôi tự nhận mình là một người may mắn được đến và sống ở Hà Nội, cho đến thời điểm hiện tại. Và đối với tôi Hà Nội cũng là một nơi thật đặc biệt, cũng có thể nói tôi đã yêu Hà Nội.
Với nhiều người thì Hà Nội xô bồ quá, bon chen quá, khó sống quá. Tôi cũng thấy vậy, nhưng sau những thứ đó, tôi may mắn còn thấy được một Hà Nội thật nhẹ nhàng, cổ kính, một Hà Nội phù hợp với tính cách và con người tôi. Chắc thế! Vậy nên tôi mới muốn sống ở đây.
Yêu Hà Nội, nên tôi cũng cố tìm đọc những tác phẩm viết về Hà Nội. Và càng đọc, tôi càng thấy Hà Nội càng có nhiều thứ để mình tìm hiểu và khám phá quá. Phải chăng đây cũng là một yếu tố để tôi không thấy chán Hà Thành?
Hôm nay, cầm trên tay một cuốn sách mới mua, đến một quán cafe cũ, tìm đến góc cũ. Và đương nhiên, quán cafe đó cũng ở Hà Nội, và cuốn sách cũng viết về Hà Nội. Cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam.
Cuốn sách được tôi mua ở nhà sách Nhã Nam trên con phố sách mới mở - phố 19 Tháng 12. Cuốn sách mỏng thôi, nhưng nó thu hút tôi bởi bìa sách màu vàng nhạt rêu cũ kiểu màu giống các bức tường màu vàng cũ của căn nhà cổ Hà Nội.
Mà cũng phải công nhận Nhã Nam và nhà xuất bản Hội nhà văn cũng tinh tế nha, cuốn sách được in dưới phông chữ khá cũ và đơn giản, giấy cũng có chút vàng. Rất hợp!
Về nội dung cuốn sách, tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách trong khoảng 150 phút. Chắc thế, vì tôi bị cuốn trọng lối văn rất nhẹ nhàng của Thạch Lam. Có thể khẳng định ông là người có lối hành văn nhẹ nhàng nhất mà tôi từng đọc. Cuốn sách là tập hợp những bài báo của Thạch Lam đăng từng kỳ. Nội dung xoay quanh về văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Dù được viết ở nửa đầu thế kỷ 20, nhưng đến giờ vẫn rất đúng, rất thời sự. Điều này cho thấy, văn hoá ẩm thực của Hà Nội vẫn giữ được phần lớn nét văn hoá của mình. Và con người Hà Nội vẫn không thay đổi trong chuyện ăn uống. Vẫn là những món ăn truyền thống như phở, cốm Vòng, bún riêu, bún chả, bánh cuốn Thanh Trì,...
Cái thời của Thạch Lam, ẩm thực có khác so với bây giờ ở cái không gian và cách thức bày bán thôi. Thời của Thạch Lam là những quang gánh, những thúng những mẹt, những tiếng rao của người bán. Đó là nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Mỗi khung giờ, là có một loại quà riêng. Còn bây giờ là những quán ăn với điều hoà máy lạnh, hoặc chí ít ra bàn ghế nhựa cùng với quạt điện chạy vù vù. Bạn có thể ăn bất kỳ giờ nào cũng được.
Đối với Thạch Lam, người sành ăn là người biết "ăn quà là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy mới là người sành ăn".
Gấp cuốn sách, tôi phải tìm ngay cho mình một quán bún chả quen để cảm nhận xem bún chả 2017 có giống bún chả của thời Thạch Lam hay không!
Nếu bạn chưa đến Hà Nội, có lẽ bạn nên đọc cuốn này, để có thể một ngày nào đó bạn đến Hà Nội, bạn sẽ biết mình nên ăn gì nhất. Còn nếu bạn đang ở Hà Nội, bạn cũng nên đọc cuốn này, để biết mình còn chưa ăn món nào của Hà Nội.