Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

Hà Nội Băm Sáu Phố Phường

Hà Nội, ngày 20/08/2016
Tôi tự nhận mình là một người may mắn được đến và sống ở Hà Nội, cho đến thời điểm hiện tại. Và đối với tôi Hà Nội cũng là một nơi thật đặc biệt, cũng có thể nói tôi đã yêu Hà Nội.
Với nhiều người thì Hà Nội xô bồ quá, bon chen quá, khó sống quá. Tôi cũng thấy vậy, nhưng sau những thứ đó, tôi may mắn còn thấy được một Hà Nội thật nhẹ nhàng, cổ kính, một Hà Nội phù hợp với tính cách và con người tôi. Chắc thế! Vậy nên tôi mới muốn sống ở đây.
Yêu Hà Nội, nên tôi cũng cố tìm đọc những tác phẩm viết về Hà Nội. Và càng đọc, tôi càng thấy Hà Nội càng có nhiều thứ để mình tìm hiểu và khám phá quá. Phải chăng đây cũng là một yếu tố để tôi không thấy chán Hà Thành?
Hôm nay, cầm trên tay một cuốn sách mới mua, đến một quán cafe cũ, tìm đến góc cũ. Và đương nhiên, quán cafe đó cũng ở Hà Nội, và cuốn sách cũng viết về Hà Nội. Cuốn "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam.
Cuốn sách được tôi mua ở nhà sách Nhã Nam trên con phố sách mới mở - phố 19 Tháng 12. Cuốn sách mỏng thôi, nhưng nó thu hút tôi bởi bìa sách màu vàng nhạt rêu cũ kiểu màu giống các bức tường màu vàng cũ của căn nhà cổ Hà Nội.
Mà cũng phải công nhận Nhã Nam và nhà xuất bản Hội nhà văn cũng tinh tế nha, cuốn sách được in dưới phông chữ khá cũ và đơn giản, giấy cũng có chút vàng. Rất hợp!
Về nội dung cuốn sách, tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách trong khoảng 150 phút. Chắc thế, vì tôi bị cuốn trọng lối văn rất nhẹ nhàng của Thạch Lam. Có thể khẳng định ông là người có lối hành văn nhẹ nhàng nhất mà tôi từng đọc. Cuốn sách là tập hợp những bài báo của Thạch Lam đăng từng kỳ. Nội dung xoay quanh về văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Dù được viết ở nửa đầu thế kỷ 20, nhưng đến giờ vẫn rất đúng, rất thời sự. Điều này cho thấy, văn hoá ẩm thực của Hà Nội vẫn giữ được phần lớn nét văn hoá của mình. Và con người Hà Nội vẫn không thay đổi trong chuyện ăn uống. Vẫn là những món ăn truyền thống như phở, cốm Vòng, bún riêu, bún chả, bánh cuốn Thanh Trì,...
Cái thời của Thạch Lam, ẩm thực có khác so với bây giờ ở cái không gian và cách thức bày bán thôi. Thời của Thạch Lam là những quang gánh, những thúng những mẹt, những tiếng rao của người bán. Đó là nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Mỗi khung giờ, là có một loại quà riêng. Còn bây giờ là những quán ăn với điều hoà máy lạnh, hoặc chí ít ra bàn ghế nhựa cùng với quạt điện chạy vù vù. Bạn có thể ăn bất kỳ giờ nào cũng được.
Đối với Thạch Lam, người sành ăn là người biết "ăn quà là một nghệ thuật: ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy mới là người sành ăn".
Gấp cuốn sách, tôi phải tìm ngay cho mình một quán bún chả quen để cảm nhận xem bún chả 2017 có giống bún chả của thời Thạch Lam hay không!
Nếu bạn chưa đến Hà Nội, có lẽ bạn nên đọc cuốn này, để có thể một ngày nào đó bạn đến Hà Nội, bạn sẽ biết mình nên ăn gì nhất. Còn nếu bạn đang ở Hà Nội, bạn cũng nên đọc cuốn này, để biết mình còn chưa ăn món nào của Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét