Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI TÔI (PHẦN 1)

Đi qua thị trấn Vân Đình, rẽ trái từ quốc lộ 21B sẽ bắt gặp một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Đáy. Chiếc cầu mà tôi đã đi qua cả chục lần để tới nhà người phụ nữ này.

Ở đầu bên thị trấn Vân Đình thì gọi là cầu Vân Đình, ở đầu bên kia thì gọi là cầu Phùng Xá. Lái xe từ bên Vân Đình qua, ta sẽ rẽ vào con đường nhỏ. Xe chạy dọc theo con đường phủ bê tông kiên cố, uốn quanh theo bờ con sông Đáy. Sông Đáy ở đoạn này vừa nông, vừa hẹp, hai bờ chỉ cách nhau vài chục mét. Dưới lòng sông, dòng nước xanh lững lờ chảy, phải nhìn kỹ lắm mới thấy dòng nước chuyển động.
Bờ bên này là thôn Hạ, bờ sông được gia cố bởi con đê bê tông chắc chắn. Dòng nước đập vào bờ bên này như bị hẩy sang bên bờ bên kia khiến dòng nước liếm vào bãi đất bồi ở bên đó, làm lở từng mảng đất. Nhìn từ bên thôn Hạ sang, bờ sông bên kia là một cánh đồng tương đối rộng. Trên cánh đồng đó là những thửa đất trồng hoa màu. Sát bờ sông thỉnh hoảng lại có những khóm dâu tằm phủ bóng lên mặt sông.
Nhà của người phụ nữ này gần ngay sông Đáy, bên cạnh con đường bê tông nhỏ. Cửa nhà quay mặt về con sông, chỉ cần đi thêm vài chục bước chân là ra tới dòng nước đang lầm lũi chảy.
Cổng nhà bác nhỏ, hai cái cột được đổ bằng bê tông, tôi nghĩ có khi tuổi đời của chiếc cổng bằng tuổi đời tôi. Hàng rào bê tông cao ngang mặt người. Trên hàng rào có gắn những mảnh thủy tinh lởm chởm, tuy đã cũ nhưng nhìn vẫn còn sắc bén. Những mảnh thủy tinh có màu xanh, trắng được gắn lẫn lộn, đây có lẽ là những mảnh chai thủy tinh đã được đập vỡ, bởi có nguyên cả cái đầu chai, đít chai được gắn trên hàng rào.
Bước chân qua cổng là sân. Sân liền cổng, mảnh sân láng xi măng nhỏ chỉ vừa đủ để được tầm chục chiếc xe máy. Ngôi nhà đã được xây từ lâu, không rộng, nhưng nếu như ở thời điểm lúc mới xây chắc cũng thuộc dạng khang trang nhất. Từ sân, bước vào thềm nhà bằng một bậc tam cấp. Trong gian phòng khách nhỏ, thẳng mặt ta là một chiếc tủ gỗ kiểu cũ, kính của tủ đã nứt vỡ, bên trong toàn bằng khen, huy chương để lẫn lộn bởi nhiều bàn tay lấy lên đặt xuống nhiều lần.
Nhìn chếch một chút sang bên trái, nơi bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ kiểu cũ, bác Thuận đã ngồi nói chuyện say sưa với vị khách trẻ. Người phụ nữ có dáng người nhỏ thó, bộ quần áo cực kỳ giản dị, có thể nói là đã cũ. Nhưng dù cũ thì đó vẫn là tơ tằm. Chẳng ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ đã hơn 70 tuổi mà có một giọng nói khỏe, đầy nội lực đến vậy. Ánh mắt như có thể đầy lùi được một tảng đá, đôi tay linh hoạt, bằng một trí nhớ đáng nể, bác kể lại câu chuyện nghề cho vị khách nghe.


Cuộc đời của bác, cuộc đời của ngành dâu tằm Phùng Xá gắn chặt với nhau, lên xuống, thịnh suy cùng nhau. Có nhiều người đến và đi trong ngành, nhưng bác vẫn ở lại, vẫn giữ lấy nghề.
Những hôm tôi đến, chưa thấy hôm nào bác không ngồi tiếp khách. Hết tốp khách này đến tốp khách khác đến nghe bác kể chuyện. Để cuối buổi thì mỗi người đều mua ít nhất 1 chiếc khăn hoặc mấy mét vải.
Bên cạnh bác, lúc nào cũng có bác trai ngồi lặng lẽ ở bên, bác trai không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng pha trà, rồi rót vào chén của mọi người. Hay đôi khi sẽ lấy mẫu khăn, mẫu vải mà bác gái cần đưa cho khách xem. Tôi được biết bác trai cũng đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ vợ làm nghề. Tôi nghĩ rằng "sau một người phụ nữ yêu nghề, cháy hết mình với nghề là một người đàn ông chung thủy và tận tụy". Điều này tôi thấy rất rõ trong nghề này, ít nhất là ở một vài gia đình khác mà tôi gặp.



Ngôi nhà của một người phụ nữ yêu nghề, bận rộn với nghề thật khác. Một cảm nhận mà tôi thấy rõ, vì một phần nào đấy tôi đã sống và lớn lên trong môi trường tương tự. Sẽ không phải một ngôi nhà sáng bừng, đẹp, sạch sẽ ngắn nắp. Sẽ hiếm có những bữa cơm mẹ nấu được bày biện ngon mắt. Ngôi nhà có chút không như mơ này, nhưng lại có một người phụ nữ đầy tình yêu và khát vọng.
Ở ngôi nhà này, bác gái là chỗ dựa, là thuyền trưởng, là người dẫn dắt cả gia đình, cả những người thợ vượt qua khó khăn. Bác gái là hình tượng của một nữ tướng, một lãnh tụ tinh thần cho những con người đi theo bác.
Tôi có may mắn gặp bác, làm việc và học hỏi bác trong gần 2 năm. Đã được nghe bác kể những câu chuyện, những chỉ dạy, có thể là khắt khe, nhưng cũng có nhiều bao dung. Có thể nói bác là người thầy đầu tiên của tôi trong nghề. Người đã truyền cho tôi tình yêu, sự bền chí.
Nhưng rồi đến một ngày tôi phải thoát ra để lớn lên, để theo kịp sự phát triển của xã hội, bước theo con đường mới, cách mới. Tôi đã thật buồn phải chia tay bác. Đã có sự đắn đo, do dự nhưng tôi vẫn phải quyết định cho ước mơ lớn. Cho đến bây giờ, trong lòng tôi luôn là sự biết ơn sâu sắc với bác. Chúc bác luôn mạnh khỏe!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét