Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

"Nhân chi sơ tính bản thiện" là một câu nói sai!

Trước đây, tôi vẫn nghĩ câu này đúng. Nhưng vẫn có điều gì đó lấn cấn. Nếu con người sinh ra vốn bản thiện tại sao lại có người ác?
Tôi đã nhẩm câu "Nhân chi sơ tính bản thiện" cả nghìn lần. Và tôi ngẫm ra rằng câu này thật ra không đúng, hay đúng ra chỉ là một nửa của sự thật. Chuẩn phải là "Nhân chi sơ tính bán thiện". Con người sinh ra có một nửa là thiện, nửa còn lại là ác. Tức là con người sinh ra vốn chứa đựng đầy đủ tính chất của vũ trụ, là một cá thể toàn vẹn đầy đủ tính chất.
Nhưng lớn lên và sống trong môi trường phù hợp với hạt giống thiện sẽ có tính thiện chủ yếu. Còn nếu sống trong môi trường phù hợp với hạt giống ác sẽ có tính ác chủ yếu. Không ai thiện hoàn toàn, không ai ác hoàn toàn.

Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

"CHÂN THIỆN MỸ" - TẠI SAO CHỮ MỸ PHẢI ĐỨNG SAU CHỮ CHÂN, CHỮ THIỆN

Trước đây, khi nhắc tới Chân Thiện Mỹ , tôi đã từng nghĩ đó là 3 khía cạnh độc lập, tách rời để tạo nên một chủ thể mà con người hướng tới. Nhưng khi trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống, đặc biệt sau đại dịch Covid vừa qua, tôi mới phát hiện ra rằng:

"Mỹ thật sự phải được cấu thành bởi Chân và Thiện; Chân - Thiện - Mỹ là thứ tự cho hành trình phát triển của một con người."

Trong đó, Chân là yếu tố cốt lõi bắt đầu của một cá nhân. Muốn làm một điều gì, dù lớn, dù nhỏ đều bắt đầu bằng từ Chân. Chân ở đây là gì? Theo tôi Chân ở đây gồm Chân thật, Chân Lý và Chân thành. Chân thật là chân thật với chính bản thân, bạn phải sống đúng với con người của bạn. Chân thật với đồng loại, làm mọi việc đều cố gắng minh bạch, rõ ràng nhất có thể, đặc biệt đối với những con người tin tưởng mình, hãy luôn cố gắng phấn đấu vì điều đó.
Có thể lấy ví dụ như các trường hợp từ thiện đợt vừa rồi của giới nghệ sỹ. Rõ ràng hành động của họ có thể coi là Thiện, là đẹp. Những bởi thiếu Chân đã đạp đổ tất cả, chẳng còn là hành động Thiện, Mỹ được nữa. Hậu quả là cả sự nghiệp một đời xây dựng bị bay biến cả.

Sau khi đạt được chữ Chân, ta phấn đấu tiếp đến chữ Thiện. Thiện chính là sống bao dung, sống có đạo đức. Sống bao dung là sống một cuộc sống đầy yêu thương, san sẻ với mọi người. Sống có đạo đức là sống theo luật nhân quả, gieo nhân nào sẽ gặp quả đó.
MC Quyền Linh là một trường hợp hiếm có của Showbiz được mọi người yêu thích. Ở con người anh thể hiện được rõ ràng chữ Chân và chữ Thiện. Nếu ai từng xem chương trình Vượt Lên Chính Mình, hay follow facebook của anh sẽ cảm nhận được điều đó. Trong một chia sẻ trên báo MC Quyền Linh chia sẻ “Linh chẳng có gì phải lo cả. Thật ra tôi làm thiện nguyện cũng gần 20 năm rồi. Tôi không có lần nào kêu gọi lớn lao cả. Nếu có vận động thì tôi vận động vào một quỹ nào đó của các cơ quan chức năng.
Còn nếu tự đi làm thì tôi thường bỏ tiền túi, sau đó vận động thêm những người bạn thân thiết hỗ trợ, mọi người góp được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thiếu thì tôi bù vào thêm. Thực ra tôi không ngại gì cả, vấn đề tôi chỉ sợ con tim, cái tâm mình cắn rứt thôi”.

Chữ Mỹ là kết quả của 2 chữ Chân và Thiện ghép lại. Khi con người đồng nhất giữa bản thân với hành động, với hình thức, với vạn vật thì mọi thứ sẽ trở nên đẹp đẽ.

Theo tôi, chữ Mỹ là cái đích mà ai cũng muốn hướng tới, chữ Mỹ chính là lý tưởng. Nhưng thực tế vốn không hoàn hảo, sẽ luôn có những mặt hạn chế của nó. Chúng ta càng trải nghiệm chúng ta càng thấy nhiều hạn chế, nhiều mặt chưa tốt. Khi đó bạn đang đừng thất vọng, đừng lo sợ, bởi càng tìm ra nhiều điểm yếu chính là quá trình ta hoàn thiện mình, càng tìm ra nhiều thì điểm yếu tiềm ẩn càng ít đi, ta càng có cơ hội hoàn thiện bản thân mình hơn. Bản thân tôi quan niệm "ta còn có vấn đề, ta còn phát triển được.".

Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI TÔI (PHẦN 2)

Lụa tơ tằm thật là một thứ sợi tơ, một chất keo kết dính tuyệt vời. Nó giúp cho tôi gặp được những người thầy, người bạn, người chị, người anh, người đồng nghiệp tuyệt vời. Chị là một người chị tuyệt vời mà sợi tơ đã giúp tôi kết nối. Tôi coi chị là chị của tôi, và chị đã đối xử với tôi như một đứa em trai.

Người chị tuyệt vời hay cho em quà! Tôi vẫn nghĩ về chị như vậy. Gần như có gì ngon chị cũng cho tôi. "Cầm về mà ăn, đồ ở quê gửi ra đó", "Cầm lên cửa hàng cho các bạn nữa", có thể chị không nhớ, nhưng tôi luôn nhớ những câu nói đó. Chị cho tôi chuối, chị cho tôi gói bánh, chị cho măng khô, đến dịp tết chị còn cho tôi hương trầm để thắp tết (2 cái tết rồi nhà tôi không cần mua hương trầm nữa).
Quay về thời điểm tôi và chị gặp nhau. Tôi vẫn nhớ đó là một buổi chiều, khi tôi vừa giao hàng xong cho một nữ khách hàng ở Giảng Võ. Khi vừa ra khỏi ngõ, đang trên đường về thì nhận được cuộc gọi của chị. Cuộc đời nhiều lúc kỳ lạ các bạn ạ, nó dẫn ta đến những tình huống thật đặc biệt. Chị gọi cho tôi để hỏi "Loại khăn đó tôi bán là ở đâu, vì có thể đó là khăn của nhà chị, chỉ có nhà chị dệt". Tôi ngay lập tức hẹn gặp chị ở nhà của chị để nói chuyện phải trái, đúng sai.
Cứ tưởng sẽ có một buổi trao đổi căng thẳng, nóng bỏng. Nhưng không, gặp chị vừa nghe chị nói thì tôi đã "nhận ra chị". Chị là đồng hương của tôi. Buổi nói chuyện trở nên nhẹ nhàng, thân tình. Qua những gì chị nói tôi đã hiểu hơn về sản phẩm, hiểu hơn về nguồn gốc, hiểu hơn về công việc chị đang làm. Lúc đó, có một tiếng nói nhỏ trong đầu tôi rằng, người phụ nữ này có thể tin tưởng, hãy hợp tác với chị ấy.
Cách làm việc của chị thể hiện tính cách đặc trưng của người phụ nữ quê tôi. Mảnh đất nắng gió miền Trung đã tạo ra những người phụ nữ thật thà, tốt bụng, chịu khó. Mà đúng là nếu không chịu khó thì không thể làm nổi cái công việc này, không thể chịu nổi sự đòi hỏi của Bá Minh Silk. Từng đường kim mũi chỉ, từng đường viền khăn, từng cái tua rua đều phải cố gắng đạt mức chất lượng cao nhất. Tôi tin rằng chị và những người thợ ở quê chị còn có thể làm tốt hơn nữa.
Tôi và chị vẫn thường đi uống cà phê để nói về công việc, về những thứ mình có thể làm được cho sản phẩm, cho làng nghề. Chị là con người đơn giản lắm. Chị chỉ muốn mang sản phẩm quê hương ra với nhiều khách hàng. Chị chỉ muốn bà con ở quê có việc làm, có thêm thu nhập. Chị chỉ muốn giúp mẹ, giúp bà con giữ lại nghề, giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình. Tôi nghĩ chị không mơ ước lớn lao để giàu có, để làm việc lớn này việc lớn kia. Niềm vui của chị là bán được hàng, được khách hàng yêu thích. Và tôi cũng có một lời hứa với chị, đó là đưa chiếc khăn thổ cẩm đến với nhiều người hơn, đương nhiên là với tiêu chuẩn cao mà Bá Minh đề ra.
Sau một thời gian hợp tác, tôi nghĩ rằng tôi và chị sẽ cần cố gắng hơn nữa. Chúng tôi phải hợp tác bằng cái tốt nhất của mỗi người, bằng cái quan trọng nhất mà mỗi người muốn có. Bởi chỉ có vậy thì mới mang lại kết quả tốt hơn, mong muốn của mỗi người sẽ càng sớm được thực hiện hơn.
Từ khi gặp chị cho đến bây giờ, tôi mừng vì chị vẫn giữ được những gì tốt đẹp nhất của chị, mặc cho những khó khăn của cuộc sống. Chị là người phụ nữ có nụ cười "trăm lần như một", xem những bức ảnh của chị sẽ thấy điều đó. Tháng 10 đến, tôi muốn viết những dòng này để nói lên suy nghĩ của mình, và muốn cảm ơn chị đã luôn đồng hành cùng tôi qua những niềm vui, nỗi buồn. Đã có những lúc hai chị em chưa hiểu nhau, nhưng đều đã vượt qua được, thật là may mắn. Em chúc chị thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, và chị sẽ làm được những điều mình muốn, vững tin lền chị nhé!

P/s: "Chị có nhớ bức ảnh ni em và chị chụp chung là khi mô không?". Đó là ngày 6 tháng 3 năm 2021. Hơn 7 tháng rồi Cô vy khiến 2 chị em không có dịp ngồi uống cà phê và nói chuyện với nhau. Con virus này thật khủng khiếp, em biết giờ cũng đang là một giai đoạn khó khăn của chị, cố lên nhé!

KỲ VỌNG SẼ DẬP TẮT SỰ KHỞI ĐẦU!

 Tại sao tôi nói như vậy, bạn đọc câu chuyện này sẽ thấy rõ:

"Một sáng sớm tinh mơ, một người đàn ông chạy bộ dọc bãi biển. Ở phía xa, ông thấy một cậu bé có vẻ bận rộn. Cậu chạy lăng xăng cúi nhặt những vật gì đó rồi quăng nó xuống biển. Thoạt đầu, ông tưởng cậu đang chơi trò ném đá. Nhưng khi tiến lại gần, ông nhận ra những “viên đá” đó thì ra là những con sao biển bị mắc cạn trên bãi.
Vị cứu tinh nhỏ này đang cố gắng đưa chúng trở lại với biển, chạy đua với mặt trời mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ trở nên gay gắt và không tài nào chịu đựng nổi. Vừa thả những con sao biển xuống nước, cậu vừa nói: “Về nhà ngay nhé, bỗ mẹ mày đang đợi đấy!”
Người đàn ông thầm nghĩ: những cố gắng của cậu bé rồi sẽ chỉ là công cốc thôi. Làm sao có thể đưa hàng vạn con sao biển "về nhà” của chúng được? Ông gọi to: “Này nhóc, làm thế làm gì? Làm sao em cứu được tất cả những con sao biển?”
Cậu bé lại cúi xuống, nhặt một con sao biển và hét trả lời: “Nhưng cháu có thể cứu được con này mà. Nó sẽ được về nhà!” Cậu bé vung tay quăng con vật bé nhỏ xuống biển. Rồi lại lập tức cúi xuống với một con khác…"
Câu trả lời của cậu bé khiến ông bừng tỉnh! Rõ ràng cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Người đàn ông thầm nghĩ: Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Còn ông thì chỉ nhìn thấy một con số quá khổng lồ đến mức vô vọng.
Thế là ông cúi xuống nhặt một con sao biển lên và đưa nó về nhà.
Và khi thấy hai chú cháu làm như vậy, rất nhiều người khác trên bãi biển cũng nhặt những con sao biển để đưa chúng “về nhà”.
Chẳng bao lâu sau, hàng vạn con sao biển trên bãi biển hôm đó đã được “về nhà”…" (Câu chuyện sưu tầm trên internet)
Bạn thấy đấy cậu bé không kỳ vọng sẽ cứu hết tất cả sao biển, cậu bắt tay cứu từng con sao biển một. Những người kỳ vọng quá nhiều thường lại không bắt đầu được!

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

LẮNG NGHE HAY LÀ SỐNG MÒN

Đã lâu rồi tôi không còn xem thời sự. Tôi bị ám ảnh bởi bản tin thời sự đa phần là tin xấu. Tôi không tìm thấy niềm tin, sự lạc quan ở đó. Đã lâu rồi tôi đã cài đặt điện thoại im lặng khi nhận được tin nhắn. Bởi từ lâu tin nhắn điện thoại chỉ là rác. Tôi học cách quan sát, lắng nghe cuộc sống tự thực tế trải nghiệm của mình.

Con người chúng ta đang sống giữa: đói nghèo và giàu có, dối trá và sự thật, thờ ơ và quan tâm, thất bại và thành công, khổ đau và hạnh phúc. Đáng lẽ ra chúng ta được sống ở phần tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại đa phần lại đang ở nửa tiêu cực. Khi không có cách nào thoát ra được, chúng ta chấp nhận những gì mình đang có và đeo lên chiếc mặt nạ hạnh phúc giả tạo bởi những tiếng cười "công nghiệp". Tôi gọi tiếng cười "công nghiệp" bởi những tiếng cười đó giống nhau, vang lên cùng một lúc, tắt ngấm cùng 1 lúc, nhanh và không đọng lại gì cả.
Trong một xã hội, con người càng tìm tiếng cười bên ngoài, tiếng cười "công nghiệp" thì xã hội đó càng có vấn đề. Tôi tự hỏi sao bây giờ các nghệ sĩ hài lên ngôi đến thế? Các chương trình giải trí lại "mì ăn liền" đến vậy?
Khi tôi đi bộ trên Hồ Gươm, tôi thấy có một sự khác biệt hiện rõ giữa người Việt và người phương Tây. Họ nhìn thấy nhau, nhìn thấy chúng ta thì ánh mắt họ dừng lại ở người đối diện một cách "thân thiện", miệng mỉm cười rất thoải mái, họ luôn muốn kết nối. Còn người Việt đa phần đều lập tức quay mặt đi, kết nối lập tức bị ngắt.
Trong một xã hội, khi mỗi cá nhân muốn mình giống người khác và muốn người khác giống mình; khi mỗi cá nhân đều phải tỏ ra "bình thường"; khi những cặp mặt đều như vô hồn chỉ nhìn vào một ô hình chữ nhật phát sáng thì xã hội đó thật bức bí, chật hẹp.
Đáng lẽ mỗi cá nhân cần được lắng nghe và thấu cảm thì lại nhận được định kiến. Đáng lẽ mỗi cá nhân cần nhận được sự giúp đỡ thì lại nhận được sự chà đạp. Ai cũng cần được lắng nghe, ai cũng cần một chỗ dựa, dù cho người đó có mạnh mẽ tới mức nào. Bởi vì ai trong chúng ta đều có những vấn đề của mình.
Khi vui con người cười, khi tuyệt vọng con người cũng chỉ biết cười. Khi vui con người muốn được chia sẻ, khi tuyệt vọng con người cũng muốn được chia sẻ. Điều con người cần không phải sự phòng vệ. Càng phòng vệ càng tự cô lập mình lại. Mạng xã hội phát triển chứng minh cho nhu cầu được kết nối của con người. Bị kịch bắt đầu từ sự phòng vệ. Cái con người cần là sự lắng nghe, một cái bắt tay, một ánh mắt đồng cảm.