Thứ Năm, 14 tháng 10, 2021

KỲ VỌNG SẼ DẬP TẮT SỰ KHỞI ĐẦU!

 Tại sao tôi nói như vậy, bạn đọc câu chuyện này sẽ thấy rõ:

"Một sáng sớm tinh mơ, một người đàn ông chạy bộ dọc bãi biển. Ở phía xa, ông thấy một cậu bé có vẻ bận rộn. Cậu chạy lăng xăng cúi nhặt những vật gì đó rồi quăng nó xuống biển. Thoạt đầu, ông tưởng cậu đang chơi trò ném đá. Nhưng khi tiến lại gần, ông nhận ra những “viên đá” đó thì ra là những con sao biển bị mắc cạn trên bãi.
Vị cứu tinh nhỏ này đang cố gắng đưa chúng trở lại với biển, chạy đua với mặt trời mà chỉ vài giờ nữa thôi sẽ trở nên gay gắt và không tài nào chịu đựng nổi. Vừa thả những con sao biển xuống nước, cậu vừa nói: “Về nhà ngay nhé, bỗ mẹ mày đang đợi đấy!”
Người đàn ông thầm nghĩ: những cố gắng của cậu bé rồi sẽ chỉ là công cốc thôi. Làm sao có thể đưa hàng vạn con sao biển "về nhà” của chúng được? Ông gọi to: “Này nhóc, làm thế làm gì? Làm sao em cứu được tất cả những con sao biển?”
Cậu bé lại cúi xuống, nhặt một con sao biển và hét trả lời: “Nhưng cháu có thể cứu được con này mà. Nó sẽ được về nhà!” Cậu bé vung tay quăng con vật bé nhỏ xuống biển. Rồi lại lập tức cúi xuống với một con khác…"
Câu trả lời của cậu bé khiến ông bừng tỉnh! Rõ ràng cậu bé không quan tâm đến việc có vô số những con sao biển trên cát. Cậu chỉ nhìn thấy sự sống mà cậu đang nắm trong tay. Người đàn ông thầm nghĩ: Cái mà cậu bé nhìn thấy, dù chỉ là một con số nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa. Còn ông thì chỉ nhìn thấy một con số quá khổng lồ đến mức vô vọng.
Thế là ông cúi xuống nhặt một con sao biển lên và đưa nó về nhà.
Và khi thấy hai chú cháu làm như vậy, rất nhiều người khác trên bãi biển cũng nhặt những con sao biển để đưa chúng “về nhà”.
Chẳng bao lâu sau, hàng vạn con sao biển trên bãi biển hôm đó đã được “về nhà”…" (Câu chuyện sưu tầm trên internet)
Bạn thấy đấy cậu bé không kỳ vọng sẽ cứu hết tất cả sao biển, cậu bắt tay cứu từng con sao biển một. Những người kỳ vọng quá nhiều thường lại không bắt đầu được!

Chủ Nhật, 10 tháng 10, 2021

LẮNG NGHE HAY LÀ SỐNG MÒN

Đã lâu rồi tôi không còn xem thời sự. Tôi bị ám ảnh bởi bản tin thời sự đa phần là tin xấu. Tôi không tìm thấy niềm tin, sự lạc quan ở đó. Đã lâu rồi tôi đã cài đặt điện thoại im lặng khi nhận được tin nhắn. Bởi từ lâu tin nhắn điện thoại chỉ là rác. Tôi học cách quan sát, lắng nghe cuộc sống tự thực tế trải nghiệm của mình.

Con người chúng ta đang sống giữa: đói nghèo và giàu có, dối trá và sự thật, thờ ơ và quan tâm, thất bại và thành công, khổ đau và hạnh phúc. Đáng lẽ ra chúng ta được sống ở phần tốt đẹp hơn, nhưng hiện tại đa phần lại đang ở nửa tiêu cực. Khi không có cách nào thoát ra được, chúng ta chấp nhận những gì mình đang có và đeo lên chiếc mặt nạ hạnh phúc giả tạo bởi những tiếng cười "công nghiệp". Tôi gọi tiếng cười "công nghiệp" bởi những tiếng cười đó giống nhau, vang lên cùng một lúc, tắt ngấm cùng 1 lúc, nhanh và không đọng lại gì cả.
Trong một xã hội, con người càng tìm tiếng cười bên ngoài, tiếng cười "công nghiệp" thì xã hội đó càng có vấn đề. Tôi tự hỏi sao bây giờ các nghệ sĩ hài lên ngôi đến thế? Các chương trình giải trí lại "mì ăn liền" đến vậy?
Khi tôi đi bộ trên Hồ Gươm, tôi thấy có một sự khác biệt hiện rõ giữa người Việt và người phương Tây. Họ nhìn thấy nhau, nhìn thấy chúng ta thì ánh mắt họ dừng lại ở người đối diện một cách "thân thiện", miệng mỉm cười rất thoải mái, họ luôn muốn kết nối. Còn người Việt đa phần đều lập tức quay mặt đi, kết nối lập tức bị ngắt.
Trong một xã hội, khi mỗi cá nhân muốn mình giống người khác và muốn người khác giống mình; khi mỗi cá nhân đều phải tỏ ra "bình thường"; khi những cặp mặt đều như vô hồn chỉ nhìn vào một ô hình chữ nhật phát sáng thì xã hội đó thật bức bí, chật hẹp.
Đáng lẽ mỗi cá nhân cần được lắng nghe và thấu cảm thì lại nhận được định kiến. Đáng lẽ mỗi cá nhân cần nhận được sự giúp đỡ thì lại nhận được sự chà đạp. Ai cũng cần được lắng nghe, ai cũng cần một chỗ dựa, dù cho người đó có mạnh mẽ tới mức nào. Bởi vì ai trong chúng ta đều có những vấn đề của mình.
Khi vui con người cười, khi tuyệt vọng con người cũng chỉ biết cười. Khi vui con người muốn được chia sẻ, khi tuyệt vọng con người cũng muốn được chia sẻ. Điều con người cần không phải sự phòng vệ. Càng phòng vệ càng tự cô lập mình lại. Mạng xã hội phát triển chứng minh cho nhu cầu được kết nối của con người. Bị kịch bắt đầu từ sự phòng vệ. Cái con người cần là sự lắng nghe, một cái bắt tay, một ánh mắt đồng cảm.

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2021

VIẾT VỀ NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG ĐỜI TÔI (PHẦN 1)

Đi qua thị trấn Vân Đình, rẽ trái từ quốc lộ 21B sẽ bắt gặp một chiếc cầu nhỏ bắc qua sông Đáy. Chiếc cầu mà tôi đã đi qua cả chục lần để tới nhà người phụ nữ này.

Ở đầu bên thị trấn Vân Đình thì gọi là cầu Vân Đình, ở đầu bên kia thì gọi là cầu Phùng Xá. Lái xe từ bên Vân Đình qua, ta sẽ rẽ vào con đường nhỏ. Xe chạy dọc theo con đường phủ bê tông kiên cố, uốn quanh theo bờ con sông Đáy. Sông Đáy ở đoạn này vừa nông, vừa hẹp, hai bờ chỉ cách nhau vài chục mét. Dưới lòng sông, dòng nước xanh lững lờ chảy, phải nhìn kỹ lắm mới thấy dòng nước chuyển động.
Bờ bên này là thôn Hạ, bờ sông được gia cố bởi con đê bê tông chắc chắn. Dòng nước đập vào bờ bên này như bị hẩy sang bên bờ bên kia khiến dòng nước liếm vào bãi đất bồi ở bên đó, làm lở từng mảng đất. Nhìn từ bên thôn Hạ sang, bờ sông bên kia là một cánh đồng tương đối rộng. Trên cánh đồng đó là những thửa đất trồng hoa màu. Sát bờ sông thỉnh hoảng lại có những khóm dâu tằm phủ bóng lên mặt sông.
Nhà của người phụ nữ này gần ngay sông Đáy, bên cạnh con đường bê tông nhỏ. Cửa nhà quay mặt về con sông, chỉ cần đi thêm vài chục bước chân là ra tới dòng nước đang lầm lũi chảy.
Cổng nhà bác nhỏ, hai cái cột được đổ bằng bê tông, tôi nghĩ có khi tuổi đời của chiếc cổng bằng tuổi đời tôi. Hàng rào bê tông cao ngang mặt người. Trên hàng rào có gắn những mảnh thủy tinh lởm chởm, tuy đã cũ nhưng nhìn vẫn còn sắc bén. Những mảnh thủy tinh có màu xanh, trắng được gắn lẫn lộn, đây có lẽ là những mảnh chai thủy tinh đã được đập vỡ, bởi có nguyên cả cái đầu chai, đít chai được gắn trên hàng rào.
Bước chân qua cổng là sân. Sân liền cổng, mảnh sân láng xi măng nhỏ chỉ vừa đủ để được tầm chục chiếc xe máy. Ngôi nhà đã được xây từ lâu, không rộng, nhưng nếu như ở thời điểm lúc mới xây chắc cũng thuộc dạng khang trang nhất. Từ sân, bước vào thềm nhà bằng một bậc tam cấp. Trong gian phòng khách nhỏ, thẳng mặt ta là một chiếc tủ gỗ kiểu cũ, kính của tủ đã nứt vỡ, bên trong toàn bằng khen, huy chương để lẫn lộn bởi nhiều bàn tay lấy lên đặt xuống nhiều lần.
Nhìn chếch một chút sang bên trái, nơi bộ bàn ghế tiếp khách bằng gỗ kiểu cũ, bác Thuận đã ngồi nói chuyện say sưa với vị khách trẻ. Người phụ nữ có dáng người nhỏ thó, bộ quần áo cực kỳ giản dị, có thể nói là đã cũ. Nhưng dù cũ thì đó vẫn là tơ tằm. Chẳng ai có thể tưởng tượng được người phụ nữ đã hơn 70 tuổi mà có một giọng nói khỏe, đầy nội lực đến vậy. Ánh mắt như có thể đầy lùi được một tảng đá, đôi tay linh hoạt, bằng một trí nhớ đáng nể, bác kể lại câu chuyện nghề cho vị khách nghe.


Cuộc đời của bác, cuộc đời của ngành dâu tằm Phùng Xá gắn chặt với nhau, lên xuống, thịnh suy cùng nhau. Có nhiều người đến và đi trong ngành, nhưng bác vẫn ở lại, vẫn giữ lấy nghề.
Những hôm tôi đến, chưa thấy hôm nào bác không ngồi tiếp khách. Hết tốp khách này đến tốp khách khác đến nghe bác kể chuyện. Để cuối buổi thì mỗi người đều mua ít nhất 1 chiếc khăn hoặc mấy mét vải.
Bên cạnh bác, lúc nào cũng có bác trai ngồi lặng lẽ ở bên, bác trai không nói nhiều, chỉ thỉnh thoảng pha trà, rồi rót vào chén của mọi người. Hay đôi khi sẽ lấy mẫu khăn, mẫu vải mà bác gái cần đưa cho khách xem. Tôi được biết bác trai cũng đã dành cả cuộc đời để hỗ trợ vợ làm nghề. Tôi nghĩ rằng "sau một người phụ nữ yêu nghề, cháy hết mình với nghề là một người đàn ông chung thủy và tận tụy". Điều này tôi thấy rất rõ trong nghề này, ít nhất là ở một vài gia đình khác mà tôi gặp.



Ngôi nhà của một người phụ nữ yêu nghề, bận rộn với nghề thật khác. Một cảm nhận mà tôi thấy rõ, vì một phần nào đấy tôi đã sống và lớn lên trong môi trường tương tự. Sẽ không phải một ngôi nhà sáng bừng, đẹp, sạch sẽ ngắn nắp. Sẽ hiếm có những bữa cơm mẹ nấu được bày biện ngon mắt. Ngôi nhà có chút không như mơ này, nhưng lại có một người phụ nữ đầy tình yêu và khát vọng.
Ở ngôi nhà này, bác gái là chỗ dựa, là thuyền trưởng, là người dẫn dắt cả gia đình, cả những người thợ vượt qua khó khăn. Bác gái là hình tượng của một nữ tướng, một lãnh tụ tinh thần cho những con người đi theo bác.
Tôi có may mắn gặp bác, làm việc và học hỏi bác trong gần 2 năm. Đã được nghe bác kể những câu chuyện, những chỉ dạy, có thể là khắt khe, nhưng cũng có nhiều bao dung. Có thể nói bác là người thầy đầu tiên của tôi trong nghề. Người đã truyền cho tôi tình yêu, sự bền chí.
Nhưng rồi đến một ngày tôi phải thoát ra để lớn lên, để theo kịp sự phát triển của xã hội, bước theo con đường mới, cách mới. Tôi đã thật buồn phải chia tay bác. Đã có sự đắn đo, do dự nhưng tôi vẫn phải quyết định cho ước mơ lớn. Cho đến bây giờ, trong lòng tôi luôn là sự biết ơn sâu sắc với bác. Chúc bác luôn mạnh khỏe!





Thứ Tư, 15 tháng 9, 2021

HỆ MIỄN DỊCH

Một trong những nguyên nhân Biz của bạn không lớn lên được chính là việc bạn không xây dựng được hệ miễn dịch cho nó.

Một cá thể có chăm sóc tốt như thế nào, nhưng nếu như liên tục bị tấn công, cấu rỉa, nhiễm bệnh và không thích ứng tốt thì chắc chắn sẽ bị còi cọc, suy nhược và cuối cùng là biến mất.
Hệ miễn dịch phải xây dựng toàn diện, xây dựng từ gốc: sản xuất (nhà cung cấp), sản phẩm, nhân sự, khách hàng. Để có hệ miễn dịch tốt, cần trả lời câu hỏi tổng quát sau: Tại sao phải chọn bạn?
----
Bá Minh Silk không sinh ra từ làng nghề, không tài chính, không có kiến thức, bắt đầu từ những chiếc khăn mộc mạc nhất. Những giờ đây là địa chỉ uy tín cho người yêu thích tơ tằm tự nhiên.
Tại sao người nghệ nhân giỏi nhất lại thích làm việc với Bá Minh Silk? Vì Bá Minh Silk trân trọng những điều nhỏ nhất mà họ tạo ra, và cùng họ làm những sản phẩm tốt hơn. Bá Minh Silk không trả giá với công sức của người làm ra sản phẩm. Bá Minh Silk sẵn sàng trả thêm để có sản phẩm tốt hơn.
Vì vậy, Bá Minh Silk luôn được nhận sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đẹp nhất, chu đáo nhất. Và Bá Minh Silk luôn được ưu ái và lựa chọn đầu tiên.
Sản phẩm càng ngày càng phải tốt và phù hợp, nội dung hình ảnh càng ngày càng phải tốt. Khách tới Bá Minh Silk vì chất lượng của sản phẩm họ cần, chứ không phải vì mấy bài Pr, hình ảnh trống rỗng. Vậy nên khách đã đến mua ở Bá Minh Silk là sẽ nghiện.
Làm thế nào để khách hàng ưu tiên chọn bạn? Chỉ có bạn mới trả lời được.
Nhân sự! Ở Bá Minh Silk có một quan điểm thế này. "Con người chỉ chủ động làm việc khi họ biết mình muốn gì". Vì thế mỗi người ở Bá Minh Silk phải luôn tìm hiểu xem bản thân thật sự muốn gì. Mà để biết điều đó thì phải có trí tuệ, Bá Minh có văn hóa đọc sách mỗi sáng. Ở Bá Minh Silk, đội ngũ nhân sự không chỉ nhìn vào thu nhập, mà còn đi tìm sứ mệnh của từng cá nhân. Sứ mệnh đó phải đủ thực tế, đủ lãng mạn, đủ xa để đi. Ai có cùng sứ mệnh "Nuôi dưỡng giá trị thật, xây dựng niềm tin" thì có thể chọn Bá Minh Silk.
Khách hàng tại sao chọn Bá Minh Silk? Vì yên tâm là hàng thật, có sao nói vậy. Nhưng cũng chọn Bá Minh Silk bởi cái BMS có là cái khách hàng cần. Cái thật mà người ta không cần cũng chỉ là vô giá trị. BMS luôn tìm tòi, quan sát nhu cầu, phản hồi, góp ý của khách hàng để thay đổi. Khách hàng có thể không mua sản phẩm, nhưng đã bước vào BMS thì đi ra chắc chắn có được một điều gì đó có ích, đáng ghi nhớ.
Đó chính là một phần hệ miễn dịch giúp Bá Minh Silk tồn tại, phát triển qua khủng hoảng.

Bài viết ngày 15/09/2020

Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

THÈM ĐƯỜNG

Thèm đường từ nhà ra phố, Thèm đường từ ngõ ra quốc lộ, Thèm đường từ nông thông đến thành phố. Thèm đường từ miền xuôi đến miền ngược.

Thèm đường đất mềm, hay đường bê tông cứng, Thèm đường đầy sỏi đá, hay đường nhựa êm ái, Thèm đường đầy sình lầy, hay đường đầy bụi mù.

Thèm đường bằng bằng, thèm cả đường dốc đứng, Thèm đường nhỏ xíu, thèm luôn đường rộng thênh thang, Thèm đường đại lộ thẳng tắp, thèm đường quê ngoằn ngèo, Thèm đường cạnh biển xanh và sóng, thèm đường vắt quanh núi và nằm trong mây.

Ôi thèm nhiều đường quá, Nhưng chẳng thèm 2 đường kia đâu Đường khổ đau và địa ngục ấy, phải tránh thật xa. Thèm đường quá đi thôi, dù đường tắc cũng được!

(Hà Nội ngày giãn cách 14/08/2021)